Đại biểu Quốc hội: Vụ việc Yên Bái là tiếng chuông với các địa phương

Các đại biểu Quốc hội cho rằng, vụ việc ông Phạm Sỹ Quý ở Yên Bái là tiếng chuông báo hiệu cho các địa phương phải tự rà soát và chuyển đổi.
Đại biểu Quốc hội: Vụ việc Yên Bái là tiếng chuông với các địa phương ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Các đại biểu Quốc hội cho rằng, vụ việc ông Phạm Sỹ Quý ở Yên Bái là tiếng chuông báo hiệu cho các địa phương phải tự rà soát và chuyển đổi. Không những thế, không ít đại biểu Quốc hội tỏ ra không an tâm” về công tác kê khai tài sản bị coi là còn hình thức.

[Thanh tra Chính phủ kết luận sai phạm của ông Phạm Sỹ Quý]

Đại biểu Quốc hội Phan Nguyễn Như Khuê (đoàn Thành phố Hồ Chí Minh) là một trong những người đã lên tiếng về vụ việc trên ngay sau khi kết luận của Thanh tra Chính phủ được đưa ra ngày 23/10.

Theo ông, đây là tiếng chuông báo hiệu cho các địa phương khác tự rà soát và nhìn lại hạn chế, yếu kém của từng nơi. Điều quan trọng theo ông là hiệu quả quản lý Nhà nước có nơi có lúc đã bị buông lỏng, lạm dụng và làm sai lệch đi những nguyên tắc cơ bản.

Còn đại biểu Trương Minh Hoàng (đoàn Cà Mau) thì bày tỏ mong muốn, sau khi có kết quả thanh tra, cơ quan chức năng các cấp nên sớm có kết luận và công khai để xử lý đúng người, đúng việc.

“Mong có thông tin sớm, xử lý dứt điểm vấn đề này,” đại biểu Trương Minh Hoàng lên tiếng.

Cũng nói về xử lý vụ việc trên, đại biểu Dương Trung Quốc (đoàn Đồng Nai) bày tỏ: “Nếu Thanh tra Chính phủ đã kết luận rõ ràng thì cứ theo luật mà làm.”

Tuy vậy, điều ông Dương Trung Quốc muốn nói là “nhìn vụ việc không phải ở cách xử lý bởi chúng ta chẳng sung sướng gì khi trừng phạt, kỷ luật người nào đó.” Quan trọng hơn, theo ông, là làm sao để những hiện tượng trên không còn tiếp diễn.

Theo ông, kê khai tài sản là vấn đề quan trọng nhưng cũng khó bởi đứng trước nhiều hoàn cảnh, con người luôn luôn muốn cái lợi cho bản thân. Cái lợi được ông giải thích là có lợi chính đáng nhưng cũng có “cái lách luật, né tránh.”

Đại biểu Trương Minh Hoàng cũng tỏ ra lo lắng bởi việc thực hiện kê khai tài sản đến thời điểm này còn hình thức và “chưa được an tâm.”

Ông hy vọng thời gian tới, đây là công tác được quán xuyến chặt chẽ hơn, giảm tính hình thức và từ đó giảm được việc mất cán bộ.

Trước đó, ngày 27/6, tại Trụ sở Ủy ban Nhân dân tỉnh Yên Bái, Thanh tra Chính phủ đã công bố Quyết định thanh tra tài sản nhà, đất của gia đình ông Phạm Sỹ Quý, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Yên Bái.

Đoàn Thanh tra đã tiến hành thanh tra việc quản lý đất đai, cấp giấy phép xây dựng và quản lý xây dựng theo giấy phép của Ủy ban Nhân dân tỉnh Yên Bái với thửa đất tại tổ 42 và tổ 52 phường Minh Tân thành phố Yên Bái (tỉnh Yên Bái) của gia đình bà Hoàng Thị Huệ (vợ ông Phạm Sỹ Quý).

Tới ngày 23/10, Thanh tra Chính phủ đã chính thức công bố kết luận thanh tra vụ việc trên. Qua thanh tra, Thanh tra Chính phủ đã chỉ ra, khi được bổ nhiệm giữ chức Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, ông Quý đã kê khai thiếu hơn 7.905m2 đất ở, hơn 27.500m2 đất nông nghiệp bà Huệ đứng tên, không kê khai 1 nhà diện tích xây dựng 600m2 tại tổ 51 phường Minh Tân (đang xây dựng); không kê khai tiền vay ngân hàng hơn 9,1 tỷ đồng và nợ bạn bè 60 cây vàng.

Theo đó, ông Phạm Sỹ Quý đã vi phạm quy định về trách nhiệm của người có nghĩa vụ phải kê khai theo quy định về minh bạch tài sản, thu nhập, gây nghi ngờ về tài sản của gia đình, tạo dư luận không tốt đối với cán bộ trong bộ máy của Nhà nước cũng như sự minh bạch của đối tượng phải kê khai. Ông Quý bị đánh giá đã vi phạm Chỉ thị 33-CT/TW ngày 3/1/2014 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với việc kê khai và kiểm soát việc kê khai tài sản.

Theo Thanh tra Chính phủ, những vi phạm trên của ông Phạm Sỹ Quý đến mức phải thi hành kỷ luật một cách nghiêm minh./.

Đại biểu Quốc hội Phan Nguyễn Như Khuê (đoàn Thành phố Hồ Chí Minh) lên tiếng về những vi phạm của ông Phạm Sỹ Quý.
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục