Đại biểu Quốc hội: Vẫn mù mờ giữa hội và tổ chức phi Chính phủ

Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương cho rằng dự án Luật về hội đến giờ vẫn không đưa ra được một khái niệm rõ ràng thế nào là hội và không dám khẳng định hội là tổ chức phi Chính phủ.
Ðại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng Nguyễn Tạo phát biểu tại hội nghị. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Chiều 8/9, thảo luận về dự án Luật về hội tại Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, đa số đại biểu tán thành với dự thảo, cho rằng không nên áp dụng Luật này đối với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Công đoàn Việt Nam, Hội nông dân Việt Nam, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Hội cựu chiến binh Việt Nam.

Các ý kiến tán thành quy định của dự thảo Luật là không áp dụng Luật này đối với các tổ chức chính trị-xã hội được quy định trong Hiến pháp với lý giải đây là các tổ chức chính trị-xã hội có vị trí, vai trò đặc biệt trong hệ thống chính trị ở Việt Nam, được giao thực hiện các nhiệm vụ chính trị quan trọng và được Đảng bố trí các cán bộ chủ chốt trong ban lãnh đạo, được Nhà nước bảo đảm cơ sở vật chất, ngân sách hoạt động; có cơ cấu tổ chức chặt chẽ, có đội ngũ cán bộ chuyên trách.

Việc xác định vị trí, vai trò của các tổ chức này là các hội thuần túy mang tính chất xã hội tự nguyện, tự quản, tự chịu trách nhiệm và chịu sự điều chỉnh của Luật về hội là chưa phản ánh đúng bản chất và thực tế sự phát triển lịch sử của các tổ chức này trong hệ thống chính trị ở Việt Nam.

Hơn nữa, một số tổ chức chính trị-xã hội đã được điều chỉnh trong các luật, pháp lệnh khác như Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Luật công đoàn, Pháp lệnh cựu chiến binh.

Đồng tình với việc tách công đoàn lao động và tổ chức của người sử dụng lao động ra khỏi phạm vi điều chỉnh của Luật, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) cho rằng đây là vấn đề liên quan đến tổ chức tự nguyện của các bên quan hệ lao động, hoạt động với mục đích xử lý các vấn đề quan hệ lao động hài hòa, ổn định. Công đoàn Việt Nam đã là tổ chức được công nhận nên không thể để công đoàn lao động khác Công đoàn Việt Nam nằm trong Luật hội, sẽ rất khó xử lý những vấn đề liên quan đến lao động, gây sự không công bằng.

Nhận định đây là dự án luật khó, qua nhiều kỳ Quốc hội mà vẫn chưa thể ra đời, tại nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII cũng đã được đưa ra thảo luận nhưng còn nhiều vấn đề, đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) bày tỏ sự đáng tiếc là dự thảo Luật đến giờ vẫn không đưa ra được một khái niệm rõ ràng thế nào là hội và không dám khẳng định hội là tổ chức phi Chính phủ, dẫn đến cách hiểu rất mù mờ.

"Hội và tổ chức phi Chính phủ, cái nào ở trong cái nào?," ông Nguyễn Sỹ Cương đặt vấn đề.

Ông Cương phân tích theo dự thảo, hội gồm có tổ chức phi Chính phủ trong nước và ở nước ngoài. Tư duy như vậy là tư duy ngược vì khái niệm tổ chức phi Chính phủ là một khái niệm rộng, gồm có hội và quỹ, không thể coi tổ chức phi Chính phủ là hội. Khái niệm trong dự thảo là không phù hợp, quỹ không phải là hội. Luật về hội điều chỉnh quỹ, điều chỉnh tổ chức phi Chính phủ nước ngoài, trong khi tổ chức phi Chính phủ trong nước đang tồn tại lại không điều chỉnh. Vì vậy, cần phải xem xét để thống nhất lại khái niệm.

Cũng xuất phát từ khái niệm mập mờ về hội, không coi hội là tổ chức phi Chính phủ nên việc cho phép cán bộ, công chức được tham gia hội cũng không được quy định, như vậy điều này sẽ làm cho việc quản lý cán bộ công chức thêm lộn xộn, đại biểu Nguyễn Sỹ Cương khẳng định.

Đại biểu cho rằng cán bộ, công chức là người của Chính phủ nhưng lại lập ra các tổ chức phi Chính phủ; vừa làm việc của Chính phủ, vừa làm việc của tổ chức phi Chính phủ sẽ ảnh hưởng đến nhiệm vụ quản lý nhà nước của chính công chức đó. Đó là vừa đá bóng vừa thổi còi.

"Nếu theo tình huống này, các cán bộ, công chức theo các hội thoải mái. Luật ra không tạo được nề nếp, chưa phân định một cách rạch ròi, công chức vừa là người nhà nước, vừa là người của hội, hội thành lập ngay trong cơ quan nhà nước," đại biểu Nguyễn Sỹ Cương đặt vấn đề.

Tán thành cao với dự thảo Luật, đại biểu Nghiêm Vũ Khải (Hải Phòng) cho biết đây là dự án Luật được các tổ chức quốc tế rất quan tâm. Dự thảo Luật cơ bản bảo đảm quyền của công dân theo quy định của Hiến pháp. Song, đại biểu bày tỏ băn khoăn với quy định cán bộ, công chức, bộ đội, công an không được không được sáng lập hội, đăng ký thành lập hội, lãnh đạo, điều hành hoạt động hội, trừ trường hợp được cơ quan có thẩm quyền phân công.

Đại biểu Nghiêm Vũ Khải cho rằng trên thực tế, do sự phân công của cơ quan có thẩm quyền nên một số người đứng đầu hội là cán bộ, công chức, thậm chí một số người là Chủ tịch hội là lãnh đạo cao cấp. Khái niệm lãnh đạo điều hành là như thế nào, phải làm cho rõ. Đây là quyền cơ bản của công dân, tuy nhiên, công chức cũng có những giới hạn, công chức có thể tham gia hội ở mức độ nhất định.

Theo đại biểu, nên quy định theo hướng cán bộ, công chức, bộ đội, công an tham gia hoạt động hội phải được cơ quan có thẩm quyền đồng ý sẽ thuận hơn.

Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn - đại diện cơ quan soạn thảo lý giải bản thân cán bộ, công chức cũng là công dân và về mặt nguyên tắc họ có quyền lập hội nhưng còn chịu sự điều chỉnh của Luật cán bộ công chức. Trong hoạt động công vụ, để đảm bảo tính khách quan, minh bạch, rõ ràng thì nên giới hạn quyền lập hội khi công dân tham gia vào bộ máy công vụ.

Theo Thứ trưởng Trần Anh Tuấn, hiện có tình trạng sắp đến tuổi nghỉ hưu, cán bộ công chức đề nghị thành lập hội để tranh thủ sự ảnh hưởng của mình thực hiện những vấn đề mang tính chất cá nhân. Để rành mạch, minh bạch giữa quản lý nhà nước với các hoạt động xã hội, ban soạn thảo tiếp thu ý kiến của các đại biểu, sẽ nghiên cứu thêm về giới hạn quyền thành lập hội với những người tham gia vào hoạt động công vụ.

Vấn đề hội có đăng ký và có không đăng ký được đề cập trong dự thảo Luật cũng khiến nhiều đại biểu phân vân.

Các đại biểu Nguyễn Sỹ Cương, Bùi Sỹ Lợi (Thanh Hóa) cho rằng đăng ký hay không chỉ là phương thức để quản lý. Không nên nói hội có đăng ký và không có đăng ký mà nên đề cập là hội có tư cách pháp nhân và không có tư cách pháp nhân.

Nhiều ý kiến tán thành quy định của dự thảo Luật về tính tự chủ về tài chính và tài sản của hội. Trong thời kỳ ngân sách nhà nước còn khó khăn, không thể bao cấp mãi các hội, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng nói.

Đại biểu đề nghị Nhà nước chỉ hỗ trợ hoặc đảm bảo kinh phí các nhiệm vụ nhà nước giao hoặc các công trình, dự án mà họ tham gia theo cơ chế đấu thầu, hoặc được chỉ định, không cấp kinh phí một cách tràn lan.

Các đại biểu cũng cho rằng dự thảo luật chỉ quy định vấn đề xử lý vi phạm, không quy định về khen thưởng, trong khi Luật thi đua khen thưởng quy định tất cả cá nhân, tổ chức có công lao, thành tích đóng góp đều được tôn vinh. Chỉ có xử lý vi phạm mà không có khen thưởng là không công bằng.

Sáng 9/9, các đại biểu Quốc hội chuyên trách sẽ tiếp tục cho ý kiến vào dự thảo Luật về hội./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục