Ngày 30/10, Quốc hội thảo luận ở hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2019; kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2020.
Bên lề Quốc hội, nhiều đại biểu đã có những chia sẻ trăn trở về vấn đề môi trường, giảm thủ tục cho doanh nghiệp nhỏ cũng như làm thế nào để phát triển kinh tế bền vững.
Ông Nguyễn Ngọc Phương, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình chia sẻ, điều ông trăn trở nhất đó là làm thế nào để tất cả các doanh nghiệp giảm được bớt các thủ tục, thông thoáng để thực hiện các dự án của mình. Hiện các doanh nghiệp lớn chỉ chiếm từ 3-5%, còn lại chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ.
[Đề xuất nhiều giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội]
"Như vậy là nền kinh tế Việt Nam đã thấp, các doanh nghiệp chủ yếu là vừa và nhỏ, so với các nước còn nhỏ hơn. Cho nên chúng ta phải làm thế nào đó để tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát huy được vai trò, trách nhiệm của mình, có cơ hội để tăng lợi nhuận đồng thời từ đó góp phần thu lợi nhuận cho quốc gia,” ông Phương nhấn mạnh.
Cũng đồng quan điểm, ông Hoàng Văn Cường, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội cũng cho rằng, các đại biểu đều trăn trở phải làm thế nào để phát triển bền vững và có chất lượng tăng trưởng tốt.
“Muốn thực hiện được ước vọng phồn vinh dân tộc thì phải có bước phát triển nhảy vọt. Muốn vậy, chúng ta không chỉ dừng lại ở con số tăng trưởng 6,5%-7% mà phải vươn lên 2 con số như một số nước đã từng diễn ra trong lịch sử,” ông Cường nói.
Theo vị đại biểu này, để có được đột phá thì phải đẩy mạnh khu vực kinh tế tư nhân để trở thành trụ cột vì hầu hết các nước trên thế giới phát triển nhanh được đều phải dựa vào các tập đoàn tư nhân. Chính các tập đoàn tư nhân tạo được vị thế, chỗ đứng của quốc gia này cạnh tranh so với các quốc gia khác.
Ngoài ra, ông Cường cho rằng cần phải phải đổi mới sáng tạo, đặc biệt là đổi mới ngay từ khu vực công, không chỉ cắt giảm các thủ tục hành chính mà còn để không bị giàng buộc bởi các quy định, quy chế. Nếu làm được việc đó, chúng ta mới khuyến khích được những nhân tài năng động, sáng tạo dám nghĩ dám làm vào khu vực công, từ đó khuyến khích các khu vực khác phát triển.
Trong khi đó, ông Hà Sỹ Đồng, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị lại lo lắng về vấn đề môi trường tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Điển hình là Hà Nội vừa xảy ra hiện tượng nguồn nước sạch sông Đà bị nhiễm bẩn, cháy nhà máy Rạng Đông… nên cử tri rất bất an và chưa tin tưởng vào tăng trưởng kinh tế bền vững.
“Chúng tôi cũng kiến nghị đến Quốc hội, Chính phủ cần đầu tư nguồn lực về cơ sở vật chất, đầu tư về con người, một cách đầy đủ và kiểm soát chặt chẽ các đô thị lớn, các khu công nghiệp nhằm hạn chế xả thải ra môi trường,” ông Đồng cho biết.