Đại biểu Quốc hội tán thành phê chuẩn hai Công ước của LHQ

Nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội thể hiện sự tán thành với việc Việt Nam phê chuẩn hai Công ước của Liên hợp quốc về chống tra tấn và quyền của người khuyết tật.
Đại biểu Quốc hội tán thành phê chuẩn hai Công ước của LHQ ảnh 1Các tình nguyện viên giúp đỡ người khuyết tật sau khi nhận xe lăn mới. Ảnh minh họa. (Ảnh Nguyễn Công Hải/TTXVN)

Tại phiên thảo luận chiều nay 4/11, nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội thể hiện sự tán thành với việc Việt Nam phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người và Công ước của Liên hợp quốc về quyền của người khuyết tật.

Công ước Quyền của người khuyết tật là một điều ước quốc tế về nhân quyền. Công ước xác định các quyền của người khuyết tật và nghĩa vụ của các quốc gia tham gia Công ước nhằm bảo vệ và đẩy mạnh các quyền này.

Việc phê chuẩn Công ước vào thời điểm hiện nay của Nhà nước là rất quan trọng, nhằm thực hiện đúng cam kết của quốc gia, tạo cơ sở cho việc tăng cường đối thoại về nhân quyền và trao đổi với các nước, các tổ chức quốc tế về nhân quyền.

Việc phê chuẩn Công ước Quyền của người khuyết tật sẽ là một cam kết chính trị mạnh mẽ của Việt Nam trong bảo vệ và thúc đẩy sự phát triển vì lợi ích dành cho người khuyết tật. Đây cũng là một trong những căn cứ pháp lý để Việt Nam khẳng định quan điểm của mình đối với thế giới trong lĩnh vực người khuyết tật nói riêng và nhân quyền nói chung, có ý nghĩa quan trọng khi Việt Nam đã trở thành thành viên Hội đồng nhân quyền của Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2014-2016.

Khi phê chuẩn Công ước Quyền của người khuyết tật, Chính phủ kiến nghị không bảo lưu điều khoản nào của Công ước và kiến nghị nên tuyên bố như sau: "Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tuyên bố tôn trọng và bảo vệ quyền và lợi ích của người khuyết tật phù hợp với pháp luật trên tất cả các lĩnh vực bình đẳng như người không có khuyết tật."

Nhiều ý kiến cho rằng điều quan trọng nhất là việc đưa các quy định của Công ước đi vào cuộc sống. Đại biểu Phùng Khắc Đăng (Sơn La) đề nghị cần nghiên cứu để đảm bảo quyền tiếp cận của người khuyết tật đối với môi trường vật chất, giao thông, thông tin và truyền thông.

Điều này sẽ đòi hỏi phải thúc đẩy việc thực hiện lộ trình cải tạo môi trường vật chất, giao thông, thông tin và truyền thông theo quy định của Luật Người khuyết tật đồng thời nâng cấp các công trình cũ để đáp ứng yêu cầu của Công ước.

Để đảm bảo thực thi đầy đủ Công ước Quyền của người khuyết tật vào thực tiễn, cần đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện lộ trình cải tạo nhà chung cư, trụ sở làm việc, công trình công cộng theo quy định tại Luật Người khuyết tật để phù hợp với quy định tại Điều 9 của Công ước.

Tăng cường hơn nữa việc thực hiện chính sách ưu đãi đối với cán bộ, giáo viên, giảng viên tham gia giáo dục hoà nhập, giáo dục bán hoà nhập người khuyết tật. Xây dựng quy định cụ thể về giáo dục hòa nhập ở tất cả các cấp....

Việc phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người phù hợp với chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước Việt Nam nhằm đảm bảo ngày càng tốt hơn các quyền con người cơ bản ở Việt Nam, góp phần vào việc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa với mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; phù hợp với quy định của Hiến pháp năm 2013, trong đó khẳng định mọi người có quyền không bị tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm (Điều 20).

Đây là cơ sở pháp lý quan trọng không những đối với công tác bảo vệ và thực thi quyền con người tại Việt Nam mà còn góp phần hiệu quả vào công tác đấu tranh chống các luận điệu vu cáo, xuyên tạc về việc tra tấn, ngược đãi phạm nhân, người bị tạm giữ, tạm giam của các thế lực thù địch nhằm chống phá Nhà nước Việt Nam.

Với việc trở thành thành viên đầy đủ của Công ước chống tra tấn, chúng ta có thêm điều kiện tranh thủ sự ủng hộ của dư luận tiến bộ thế giới, tạo cơ sở cho việc tăng cường đối thoại về nhân quyền với các nước, các tổ chức quốc tế và tham gia hiệu quả hơn vào các thiết chế bảo vệ nhân quyền của Liên hợp quốc.

Việc phê chuẩn Công ước chống tra tấn càng có ý nghĩa khi Việt Nam đã trở thành thành viên Hội đồng nhân quyền của Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2014-2016, thể hiện quyết tâm và cam kết của Việt Nam trong việc ghi nhận và đảm bảo thực thi các quy định và chuẩn mực của Liên hợp quốc về nhân quyền đồng thời việc phê chuẩn Công ước chống tra tấn giúp Việt Nam có điều kiện tiến hành rà soát để sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật có liên quan, cụ thể là quyền không bị tra tấn, đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hay hạ nhục con người cho phù hợp hơn với Công ước và các quy chuẩn chung của pháp luật quốc tế về quyền con người.

Nhiều ý kiến cho rằng việc trở thành thành viên chính thức của Công ước cũng đặt ra yêu cầu về việc nội luật hóa một số quy định của Công ước cũng như tăng cường năng lực của các cơ quan nhà nước trong việc thực thi đầy đủ các quy định của Công ước.

Theo chương trình, sáng mai 5/11, Quốc hội làm việc tại Hội trường nghe Tờ trình về dự án Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân và thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật dạy nghề./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục