Tái cơ cấu các ngân hàng thương mại cổ phần yếu kém trong đó có việc mua lại 3 ngân hàng thương mại (OceanBank, VNCB, GPBank) với giá 0 đồng là một trong những nội dung được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm, cho ý kiến.
Nội dung này cũng đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội bổ sung vào nghị quyết: “Tăng cường công tác giám sát việc chuyển đổi sở hữu và quản lý các tổ chức tín dụng yếu kém; thường xuyên thanh tra, giám sát, xử lý kịp thời, nghiêm minh theo pháp luật đối với các sai phạm; bảo đảm an toàn hệ thống ngân hàng thương mại.”
Bên lề kỳ họp diễn ra sáng 16/11, đại biểu Phan Văn Quý (đoàn Nghệ An), Ủy viên Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội đã có cuộc trao đổi với VietnamPlus về một số nội dung trong việc tái cơ cấu ngân hàng.
- Thưa ông, ông có đánh giá gì về kết quả hoạt động tái cấu trúc hệ thống các tổ chức tín dụng mà Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã triển khai trong thời gian qua? Kết quả này tác động thế nào đến hoạt động phát triển kinh tế xã hội và thị trường tài chính tiền tệ?
Đại biểu Phan Văn Quý: Việc tái cơ cấu ngân hàng giai đoạn 2011-2015 đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Một số ngân hàng yếu kém đã được sáp nhập, nguồn vốn cho vay từng bước được khai thông phục vụ cho nền kinh tế.
Nhiều văn bản pháp luật về ngân hàng và tiền tệ đã được ban hành và sửa đổi, bổ sung, góp phần phát huy tác dụng trong công tác quản lý và xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng, thúc đẩy quá trình đổi mới quản trị, kiểm soát rủi ro trong hệ thống ngân hàng thương mại và tổ chức tài chính.
Sự thành công của việc tái cơ cấu nói trên đã góp phần tạo cho thị trường tài chính, tiền tệ và kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát thấp. Doanh nghiệp đã tiếp cận được tín dụng với lãi suất hợp lý, sản xuất kinh doanh đã ấm dần. GDP hàng năm tăng dần, đơn cử năm 2013 là 5,42%, năm 2014 là 5,98%, năm 2015 dự kiến là 6,5% và năm 2016 dự kiến là 6,7%.
- Một trong những điểm nhấn trong triển khai Chiến lược tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng thời gian qua là Ngân hàng nhà nước Việt Nam đã thực hiện mua lại 0 đồng một số tổ chức tín dụng yếu kém. Vậy dưới góc nhìn của mình, ông đánh giá về giải pháp này như thế nào?
Đại biểu Phan Văn Quý: Theo quy định tại Điều 149 Luật các tổ chức tín dụng năm 2010, Ngân hàng Nhà nước có quyền trực tiếp hoặc chỉ định tổ chức tín dụng khác góp vốn, mua cổ phần của tổ chức tín dụng kiểm soát đặc biệt trong trường hợp tổ chức tín dụng kiểm soát đặc biệt không có khả năng thực hiện yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước như tăng vốn, thực hiện kế hoạch tái cơ cấu hoặc bắt buộc sáp nhập, hợp nhất…
Theo quy định tại Nghị định số 141/2006/NĐ-CP ngày 22/11/2006 và Nghị định số 10/2011/NĐ-CP ngày 26/01/2011 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 141/2006/NĐ-CP, chậm nhất vào ngày 31/12/2011, các Ngân hàng thương mại cổ phần phải bảo đảm có mức vốn pháp định là 3.000 tỷ đồng.
Trên thực tế, trước khi mua lại các tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt, Ngân hàng Nhà nước đã yêu cầu các tổ chức tín dụng này phải tăng vốn điều lệ.
Tuy nhiên, việc tăng vốn điều lệ của tổ chức tín dụng kiểm soát đặc biệt không được các cổ đông của họ thông qua, do vậy không bảo đảm mức vốn điều lệ tối thiểu theo quy định. Vì thế, giải pháp mua lại một số tổ chức tín dụng yếu kém của Ngân hàng Nhà nước là đúng quy định của pháp luật hiện hành.
Mặt khác, tại thời điểm mua lại, vốn điều lệ của các ngân hàng bị mua lại bị âm, nên việc Ngân hàng Nhà nước mua lại với giá 0 đồng là phù hợp với thực tế và là một sáng kiến độc đáo.
- Nếu là cổ đông của Ngân hàng bị Ngân hàng Nhà nước mua lại với giá 0 đồng thì ông sẽ nghĩ như thế nào?
Đại biểu Phan Văn Quý: Mặc dù là một trong những cổ đông của Ngân hàng Thương mại cổ phần bị mua lại với giá 0 đồng và bị mất gần 100 tỷ đồng, nhưng với giải pháp này của Ngân hàng Nhà nước, các tổ chức tín dụng bị mua lại đã được tái cơ cấu và dần trở lại hoạt động bình thường.
Từ đó, góp phần giữ an toàn cho hệ thống tổ chức tín dụng, giữ cho thị trường tài chính trong nước ổn định, cộng đồng doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp chúng tôi nói riêng đã tiếp cận được nguồn vốn giá rẻ, nên công việc đầu tư kinh doanh vẫn phát triển ổn định.
- Để hoạt động ngân hàng an toàn hiệu quả, hỗ trợ tốt hơn cho nền kinh tế, theo ông, trong triển khai Chiến lược tái cấu trúc hệ thống các tổ chức tín dụng, Quốc hội, Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước cần có giải pháp đột phá nào?
Đại biểu Phan Văn Quý: Ngoài các giải pháp chúng ta đã và đang triển khai hiện nay, tôi nghĩ Ngân hàng nhà nước cần xem xét để có thể thúc đẩy quyết liệt các biện pháp như: Xếp hạng tín nhiệm để đánh giá và phân loại các tổ chức tín dụng, công bố rộng rãi kết quả này để mọi đối tượng liên quan được biết.
Giải pháp này hiện nay pháp luật hiện hành cũng đã có quy định, nếu chúng ta thực hiện đánh giá theo định kỳ thì ban lãnh đạo và cổ đông của ngân hàng sẽ phải xây dựng và phát triển ngân hàng theo đúng nghĩa. Quá trình xếp hạng tín nhiệm, chúng ta sẽ tìm ra được những ngân hàng hoạt động yếu kém để có chế độ kiểm tra, kiểm soát phù hợp.
Tiếp đến, cần sửa đổi một số quy định của pháp luật có liên quan như Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật thi hành án dân sự, Luật Đấu giá tài sản… để đảm bảo tính đồng bộ.
Đồng thời, để tháo gỡ khó khăn trong việc xử lý nợ xấu và tài sản bảo đảm các khoản nợ xấu, cần quy định một chương trong dự án Luật Đấu giá tài sản về đấu giá nợ xấu và tài sản bảo đảm các khoản nợ xấu để các tổ chức tín dụng sớm có điều kiện thu hồi các khoản nợ xấu.
- Xin cảm ơn ông!