Đại biểu Quốc hội: Nhiều nơi vẫn tồn tại tư tưởng trọng nam khinh nữ

Để thực hiện bình đẳng giới theo đại biểu Quốc hội Nguyễn Việt Phương, một số quá trình triển khai phải đặt thành "chỉ tiêu cứng" và coi như một chỉ tiêu pháp lệnh.
Đại biểu Quốc hội: Nhiều nơi vẫn tồn tại tư tưởng trọng nam khinh nữ ảnh 1Đại biểu Bùi Việt Phương đang trao đổi về vấn đề bình đẳng giới. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Theo Báo cáo thẩm tra của Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội, nhìn chung phụ nữ được khuyến khích tham gia các hoạt động kinh tế, khởi nghiệp, làm chủ doanh nghiệp...

Tuy nhiên, các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ phần lớn là doanh nghiệp nhỏ và vừa, phải đối mặt với nhiều rào cản như thiếu kiến thức và kỹ năng quản lý kinh doanh, khó tiếp cận các nguồn lực và thị trường, cơ hội tham gia hoạt động thúc đẩy thương mại còn hạn chế do mạng lưới kinh doanh nhỏ hẹp và ảnh hưởng của vai trò giới liên quan đến trách nhiệm công việc gia đình.

Báo cáo của Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội cũng cho thấy, Người lao động nữ cũng gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận cơ hội việc làm tốt, lựa chọn ngành nghề và vị trí việc làm so với lao động nam.

Đa số lao động nữ làm việc trong những ngành, nghề thâm dụng lao động, trình độ chuyên môn thấp, chất lượng việc làm thiếu bền vững hoặc làm việc trong khu vực phi chính thức, điều kiện vệ sinh, an toàn lao động không đảm bảo...

Bên lề kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa 14 diễn ra ngày 9/11, đại biểu Bùi Việt Phương, đoàn Ninh Bình đã có một số chia sẻ với VietnamPlus ​về Báo cáo mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới ​lần đầu tiên được Quốc hội thảo luận.

[Tính toán phương án bảo đảm quyền lợi cho lao động nghỉ hưu]

- Xin ông cho biết những nét ​nổi bật ​trong việc thực hiện mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới?

Đại biểu Bùi Việt Phương: Chương trình bình đẳng giới theo tôi điều này thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với vấn đề bình đẳng giới.

Có thể nói sau các Nghị quyết của Đảng và luật bình đẳng giới được ban hành chúng ta đã đạt được nhiều thành tựu, từ chỗ bị phân biệt thì nay các mức độ trong chỉ tiêu bình đẳng giới cơ bản đã đạt được và là bước tiến bộ.

Hơn nữa, nhận thức của xã hội đã thay đổi làm cho bình đẳng giới ngày một tốt hơn, đặc biệt là phụ nữ được tiếp cận và quan tâm nhiều hơn đối với tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội và sự chia sẻ của xã hội.

Cụ thể là nhiều phụ nữ đã được tham gia công tác quản lý, tham gia vào lãnh đạo hay tham gia vào Quốc hội, Hội đồng nhân dân và cấp ủy... cũng như được chăm lo hơn về các dịch vụ, đay là sự tiến bộ đáng ghi nhận.

Tuy nhiên, nhận thức trong xã hội ở một số nơi vẫn còn tư duy cũ, tức là vấn đề trọng nam khinh nữ vẫn còn và cũng không phải ít, đây chính là yếu tố cản trở vấn đề bình đẳng giới. Thậm chí một số nơi còn có tư tưởng phải sinh được con trai để có người kế thừa.

​Có thể thấy, tất cả vấn đề bình đẳng giới nếu không giải quyết được vấn đề nhận thức sẽ không làm được.

Trước tiên, nhận thức phải từ các cấp các ngành, thể hiện ở đường lối, chính sách pháp luật và hoạt động thực tiễn rồi đến nhận thức của từng gia đình và vai trò của việc bình đẳng giới chính là mỗi người phụ nữ trong gia đình đó mới có tác dụng lan tỏa trong xã hội.

Hiện đã có đầy đủ các văn bản pháp luật kể cả nghị quyết của Đảng về bình đẳng giới, vấn đề chính vẫn là tổ chức thực hiện và trách nhiệm chính vẫn là ở các cấp, các ngành.

Theo tôi, một số quá trình triển khai phải đặt thành "chỉ tiêu cứng" và coi như một chỉ tiêu pháp lệnh, nếu không đạt được chỉ tiêu đó thì đơn vị đó không hoàn thành nhiệm vụ.

Đơn cử, việc bố trí cấp ủy là nữ, bố trí đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân là nữ phải là chỉ tiêu cứng như một pháp lệnh, nếu cơ quan hay địa phương nào không thực hiện được thì cấp trên sẽ không duyệt, có như vậy các mục tiêu đề ra mới thực hiện được.

Đại biểu Quốc hội: Nhiều nơi vẫn tồn tại tư tưởng trọng nam khinh nữ ảnh 2Ảnh chỉ mang tính minh họa. (Nguồn: TTXVN)

- Ông có nói đề ra "chỉ tiêu cứng", vậy điều này có dẫn đến bệnh thành tích trong quy hoạch cán bộ không, thưa ông, vì nhiều địa phương có thể không đủ nguồn lực để đạt được như vậy?

Đại biểu Bùi Việt Phương: Khi đã có kế hoạch như vậy thì địa phương phải lo từ xa, để chuẩn bị một cán bộ vào được cấp ủy thì phải đào tạo, bồi dưỡng từ trước đó 10-15 năm và đưa vào quy hoạch, chứ không thể sát nút mới chọn vì như vậy thời gian quá ngắn chắc chắn không thể làm tốt được.

Quốc hội cũng có cơ cấu rất rõ ở trong các giai tầng và phải đại diện theo đúng tinh thần của hiến pháp, vậy thì tầng lớp này người ta sẽ chọn người đại diện tiếng nói của họ, trí tuệ cho họ.

Đơn cử như có cơ cấu là nông dân thì phải giao cho Hội Nông dân và họ sẽ có chân rết từ xã đến Trung ương, thì phải chọn đúng người thể hiện đúng ý chí, trí tuệ của người nông dân và các đối tượng khác cũng như vậy, sẽ có thể chọn đúng.

- Hiện nay các đối tượng là nữ giới trong ngành dệt may, da giày rất lớn, theo ông làm thế nào để họp có thể bắt nhịp với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0?

Đại biểu Bùi Việt Phương: Thực tế hiện nay, người phụ nữ trong những ngành này cũng phải đón đầu được xu thế của thời đại, hiện công nghiệp 4.0 đang lan rộng và thế giới phẳng thì toàn bộ những kỹ năng để phục vụ cho hội nhập đòi hỏi người phụ nữ cũng phải cập nhật và thích ứng.

Mặt khác Nhà nước cũng phải lo chính sách, tạo điều kiện cho phụ nữ, nhưng chính bản thân phụ nữ phải vươn lên, tiếp cận vấn đề đó chứ không thể ngồi chờ sự thay đổi đó.

- Xin cảm ơn ông./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục