Theo đại biểu Nguyễn Thái Học, hiện nhiều chính sách đề ra đúng nhưng khi triển khai thực hiện vẫn chậm hoặc chưa nhận được sự đồng thuận của người dân, do vậy cử tri mong mỏi Chính phủ và các bộ ngành cần làm nhiều hơn, phù hợp với thực tiễn.
Bên lề kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa 13, Đại biểu Nguyễn Thái Học, đoàn Phú Yên đã có trao đổi với VietnamPlus về vấn đề kinh tế xã hội đang được Quốc hội thảo luận.
- Thưa ông, ông đánh giá thế nào về việc điều hành kinh tế xã hội của Chính phủ thời gian qua và cần tập trung vào các lĩnh vực gì?
Đại biểu Nguyễn Thái Học: Theo báo cáo của Chính phủ cũng như qua thảo qua thảo luận ở tổ, đại biểu Quốc hội đánh giá cao sự nỗ lực, cố gắng của Chính phủ và kết quả đã đạt được trên các lĩnh vực trong bối cảnh tình hình kinh tế-xã hết sức khó khăn.
Thế nhưng nhiều đại biểu Quốc hội cũng băn khoăn lắm và thấy rằng có nhiều Nghị quyết của Quốc hội, nó thể hiện sự đúng đắn và quan tâm của Quốc hội nhưng quá trình triển khai thực hiện lại rất chậm, không mang lại hiệu quả.
Đơn cử, Nghị định 67/CP của Chính phủ về quan tâm trợ vốn cho ngư dân nhưng đến giờ theo báo cáo, đến giờ cả nước chỉ được đóng mới 2 tàu và giải ngân được 2 tàu thôi, hoặc gói 30.000 tỷ đồng hỗ trợ cho người thu nhập thấp về nhà ở thì đến giờ này mới chỉ giải ngân được hơn 20% trong khi chỉ còn khoảng 1 năm nữa là lộ trình triển khai thực hiện gói này sẽ hết.
Hoặc nghị quyết của Quốc hội giao Chính phủ, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn nghiên cứu để xây dựng chính sách hỗ trợ cho đồng bào nghèo ở vùng triển khai các dự án thí điểm, nhưng có thể nói rằng qua nhiều năm dù Nghị quyết rất đúng nhưng quá trình triển khai thực hiện đến giờ phút này vẫn chưa có gì.
Như vậy thì đại biểu Quốc hội cảm thấy có nhiều Nghị quyết, chủ trương của Quốc hội, Chính phủ nhưng quá trình triển khai thực hiện không mang lại hiệu quả hoặc là rất chậm.
Còn có những chủ trương mà đại biểu Quốc hội thấy rằng chưa phù hợp với lòng dân nhưng triển khai lại rất nhanh và việc này đã tạo ra sự không đồng tình của cấp ủy Đảng, của Chính quyền đối với người dân.
Đơn cử là việc tổ chức thi tốt nghiệp trung học phổ thông ở các cụm thì thí sinh đi lại rất khó khăn, từ tỉnh này đi tỉnh khác, người dân không đồng tình, lãnh đạo chính quyền địa phương ở những địa bàn có thí sinh phải di chuyển xa như thế cũng không đồng tình nhưng mà quá trình triển khai thực hiện lại rất khẩn trương, rất nhanh trong khi người dân không ủng hộ.
Như vậy cho thấy sự điều hành, chỉ đạo của Chính phủ trên một số lĩnh vực cần phải xem xét, cần đánh giá lại, cái nào đúng, cái nào chưa đúng để điều chỉnh cho phù hợp.
- Theo ông hiện Việt Nam đang tham gia rất nhiều Hiệp định thương mại tự do, vậy ông đánh giá về độ sẵn sàng của các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay?
Đại biểu Nguyễn Thái Học: Về mặt chủ trương, chúng ta có lộ trình và bước đi để hội nhập và không thể không hội nhập bởi lộ trình và bước đi đó chúng ta đã cam kết rồi, không thể dừng được. Thế nhưng trên nhiều lĩnh vực tôi thấy rằng cái khả năng và điều kiện để chúng ta hội nhập sâu vào nền kinh tế quốc tế rất khó khăn và lực của chúng ta còn nhiều hạn chế trong quá trình hội nhập.
Điều này nó thể hiện trên nhiều lĩnh vực, trên nhiều đối tượng, nếu không có giải pháp đồng bộ thì quá trình hội nhập của chúng ta sẽ khập khiễng và không mang lại hiệu quả một cách toàn diện.
- Vậy điều này sẽ đem lại những tác động tiêu cực nếu không được chuẩn bị tốt?
Đại biểu Nguyễn Thái Học: Rõ ràng như thế, nếu điều kiện và khả năng của chúng ta nếu chưa được chuẩn bị, chúng ta không có khả năng cạnh tranh thì việc hội nhập của chúng ta sẽ thua thiệt chúng ta sẽ thua trên những lĩnh vực mà chúng ta thấy rằng khả năng và điều kiện của chúng ta không theo kịp với sự phát triển chung của khu vực và trên thế giới.
- Vậy chúng ta có giải pháp gì cho việc hội nhập không thưa ông? Hiện Việt Nam đã sẵn sàng tham gia một loạt các hiệp định thương mại tự do lớn.
Đại biểu Nguyễn Thái Học: Không còn cách nào khác là nâng cao khả năng của chúng ta, mà khả năng ở đây cần phải được thể hiện ở cả cấp Trung ương và địa phương, nó thể hiện trên các lĩnh vực mà ở đây có thể thấy như: Trên các mặt hàng nông sản chẳng hạn, muốn hội nhập thì mặt hàng này có cạnh tranh được với các mặt hàng cùng loại của các nước không?
Rõ ràng bây giờ nhiều mặt hàng không thể cạnh tranh được, mà muốn cạnh tranh được phải tính toán lại vấn đề quy hoạch, từ quy hoạch vùng đến quy hoạch cho từng loại cây trồng, vật nuôi.
Rồi từ quy hoạch như vậy phải nâng cao chất lượng, mà muốn nâng cao chất lượng thì phải quay lại vấn đề là khả năng, trình độ của người sản xuất, của người nông dân cũng phải áp dụng khoa học kỹ thuật như thế nào? Phải đảm bảo An toàn vệ sinh thực phẩm ra sao? Quy trình đòi hỏi sự đồng bộ rất là cao và đây là quy trình đòi hỏi người sản xuất và người nông dân phải nâng cao chất lượng của mình bằng việc áp dụng khoa học kỹ thuật.
Còn muốn làm được đó thì vai trò của nhà nước phải hướng dẫn, giúp đỡ, định hướng như thế nào. Có thể nói rằng, xoay quanh việc này thì nó còn nhiều yếu tố tác động chi phối.
- Thưa ông chúng ta phải làm thế nào để nâng cao nội lực cho ngành nông nghiệp?
Đại biểu Nguyễn Thái Học: Thực ra mà nói về mặt chủ trương, Nghị quyết chúng ta xác định là phải có những bước đi, lộ trình như thế, nhưng khi đi vào thực tế thì có thể thấy rằng người dân còn tự bơi.
Việc sản xuất, kinh doanh của Người nông dân hiện nay còn mang tính tự phát là chủ yếu, thiếu vai trò định hướng và thiếu vai trò quản lý của nhà nước. Định hướng không thôi chưa đủ mà cần quản lý.
Ví dụ bây giờ nói quy hoạch nhưng để thực hiện theo quy hoạch thì phải quản lý, nếu thả nổi thì sẽ phá quy hoạch cho nên vai trò định hướng rất quan trọng, bằng Nghị quyết thôi chưa đủ mà cần thể hiện sự quản lý của nhà nước trên từng đối tượng và lĩnh vực như thế nào.
Xin cảm ơn ông./.