Đại biểu Quốc hội: Nhà nước không hỗ trợ vốn mà hỗ trợ về chính sách

Trong bối cảnh hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, các doanh nghiệp phải tự khẳng định mình. Trong khi đó, nhà nước vào cuộc bằng cách tạo ra các hành lang pháp lý để doanh nghiệp phát triển.
Đại biểu Quốc hội: Nhà nước không hỗ trợ vốn mà hỗ trợ về chính sách ảnh 1Đại biểu Nguyễn Ngọc Bảo: "Nhà nước nên có thái độ phục vụ, tạo hành lang pháp lý giúp doanh nghiệp phát triển trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng khốc liệt." (Ảnh: T.H/Vietnam+)

Trao đổi với phóng viên VietnamPlus bên lề kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIII, Đại biểu Nguyễn Ngọc Bảo (Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế Quốc hội) cho rằng, trong bối cảnh hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, các doanh nghiệp dù nhỏ đến mấy cũng phải tự khẳng định mình. Trong khi đó, nhà nước phải vào cuộc bằng cách tạo ra các hành lang pháp lý để doanh nghiệp phát triển.

Tìm cơ hội trong thách thức

- Thưa ông, thời gian qua ghi nhận sự nỗ lực của toàn hệ thống chính trị, trong đó có Quốc hội khóa XIII tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp. Ông có nhận định gì về việc này?

Đại biểu Nguyễn Ngọc Bảo:
Trong khóa XIII, Quốc hội đã hoàn thiện nhiều luật để phát triển kinh tế như kinh doanh bất động sản, đầu tư công, các luật về doanh nghiệp… Như vậy, chúng ta đã cơ bản hoàn thiện hành lang pháp lý để có điều kiện phát triển kinh tế một cách toàn diện, vững chắc.

Trong bối cảnh hội nhập sâu rộng như hiện nay, các đạo luật này đang đi vào cuộc sống, đang phục vụ cho sự phát triển kinh tế của các doanh nghiệp trong nước, ngoài nước cũng như tạo được một sân chơi bình đẳng giữa các thành phần kinh tế. Tôi cho rằng, đó là thành tựu rất lớn trong những năm vừa rồi.

Hiện nay, Hiệp định TTP đang được Quốc hội xem xét. Song song với hiệp định này, chúng ta ký rất nhiều hiệp định song phương với các quốc gia, khu vực. Những hiệp định này liên quan tới phát triển kinh tế một cách sâu rộng và đây là tiền đề tốt với một nền kinh tế. Chúng ta sẽ có thử thách lớn và đó sẽ là một cú hích, đòn bẩy để hội nhập sâu rộng hơn.

Những hiệp định này không phá vỡ các hiệp định trước chúng ta đã ký mà nó là thế hệ mới. Điều này đồng nghĩa với việc chúng ta hội nhập sâu rộng hơn và vĩ mô hơn. Doanh nghiệp cần cập nhật, phát huy lợi thế sẵn có, phải biết chúng mạnh ở điểm gì, yếu ở điểm gì để phát triển nền kinh tế.

- Nhiều chuyên gia cho rằng, khi hội nhập các doanh nghiệp của Việt Nam sẽ bộc lộ nhiều điểm yếu, đặc biệt với các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ. Ông có khuyến cáo gì về việc này?

Đại biểu Nguyễn Ngọc Bảo: Đây là câu chuyện chúng ta đang bàn. Bản thân các doanh nghiệp khi hội nhập phải hiểu mình đang ở đâu, lợi thế là gì cũng như khi ra chợ chúng ta phải biết cần mua bán cái gì?

Tôi cho rằng chúng ta không thể chạy theo phong trào mà các nước đã làm. Chúng ta cần phải tìm ra một thế mạnh riêng. Việt Nam có thế mạnh về nông nghiệp, trí tuệ, biển, du lịch, song đây lại là các thế mạnh đang tiềm ẩn, đặc biệt là về con người. Con người Việt Nam được đánh giá có tư duy sáng tạo, tư duy công nghệ và chúng ta đang hướng tới một nền kinh tế tri thức. Tôi cho rằng tất cả các doanh nghiệp khi phát triển đều phải đặt kinh tế tri thức, khoa học công nghệ lên hàng đầu.

Chúng ta muốn phát triển nhanh, "đốt cháy giai đoạn" thì không thể đi theo đường mòn, buộc các doanh nghiệp cũng như các nhà quản lý kinh tế phải có tư duy mới trong hội nhập thì mới khắc phục được điểm yếu. Chúng ta đi theo người ta tức là chúng ta đã tụt hậu nên phải có bước đột phá, mà muốn đột phá phải có con đường đi riêng, tìm ra cái mạnh nhất mình có để phát triển.

Đại biểu Quốc hội: Nhà nước không hỗ trợ vốn mà hỗ trợ về chính sách ảnh 2Ảnh chỉ có tính minh hoạ. (Nguồn: TTXVN)

- Khi gia nhập cộng đồng kinh tế ASEAN và các hiệp định có hiệu lực, hàng hóa của các quốc gia sẽ tràn vào Việt Nam, trong khi đó có vẻ người Việt chưa thật sự “toàn tâm toàn ý” với hàng Việt. Chúng ta sẽ phải giải quyết vấn đề này như thế nào?

Đại biểu Nguyễn Ngọc Bảo: Quan điểm của tôi là khi chúng ta mở cửa sâu rộng, người tiêu dùng có quyền lựa chọn và không thể áp đặt với họ. Đây là quy luật kinh tế thị trường và doanh nghiệp phải cạnh tranh để mang lại lợi nhuận, hiệu quả cho người tiêu dùng.

Chúng ta không thể dùng các biện pháp ngăn hàng nước ngoài vào để giúp hàng trong nước bởi đó là tư duy không đúng và sẽ không bao giờ phát triển được.

Nhà nước phục vụ doanh nghiệp

- Để cạnh tranh, một trong những yếu tố quan trọng là phải đầu tư khoa học công nghệ phát triển sản phẩm, nhưng có vẻ hiện doanh nghiệp của chúng ta đang gặp hạn chế trong việc này, thưa ông?

Đại biểu Nguyễn Ngọc Bảo: Hội nhập là sức ép, đòn bẩy buộc doanh nghiệp dù nhỏ đến mấy nhưng khi bước vào sân chơi thì cũng phải tự đứng lên để khẳng định mình và không còn con đường nào khác.

Chúng ta không hội nhập, không phát triển thì chúng ta tự thụt lùi. Bởi vậy, cần có những đường hướng, hành lang phát triển phù hợp.

Việc hội nhập sâu rộng chính là cơ hội lớn để thay đổi tư duy quản lý, phát triển kinh tế, giúp tránh chụp giật mà đi từ bản chất. Mỗi một doanh nghiệp, con người phải chọn con đường đi riêng cho mình và không đổ lỗi cho điều này, điều kia mà đặt mình trong hoàn cảnh hội nhập để phát triển.

Muốn phát triển không còn con đường nào khác mà phải đặt mình trong cơ chế thị trường. Nông nghiệp kém, chúng ta phải đầu tư phát triển nông nghiệp, giao thông kém phải phát triển giao thông, du lịch kém phải phát triển du lịch…


- Theo ông, vai trò của nhà nước trong việc hỗ trợ doanh nghiệp trước bối cảnh kinh tế hiện nay như thế nào?

Đại biểu Nguyễn Ngọc Bảo: Nhà nước không hỗ trợ về vốn mà hỗ trợ về chính sách. Theo tôi, thái độ của nhà nước với doanh nghiệp bây giờ nên là thái độ phục vụ, kiến tạo cho doanh nghiệp phát triển.

Nhà nước không chỉ đạo bằng mệnh lệnh hành chính mà phải vào cuộc cùng doanh nghiệp bằng cách kiến tạo, tạo ra các hành lang pháp lý để doanh nghiệp phát triển.

Tôi lấy ví dụ đang có phong trào khởi nghiệp, nhưng doanh nghiệp muốn khởi nghiệp thành công thì phải trên nền tảng quốc gia khởi nghiệp nếu không sẽ chỉ trở thành phong trào như người tốt, việc tốt. Mà muốn chuyển phong trào sang thực chất thì phải đi từ điều gốc, từ quản lý kinh tế, cơ chế, tư duy và bản thân Chính phủ phải kiến tạo để phát triển.

- Xin cảm ơn ông!

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục