Đại biểu Quốc hội: Người dân còn thiếu kỹ năng phòng chống cháy nổ

Người dân cần được phổ biến về kỹ năng thoát hiểm, được thực hành trong từng tình huống sẽ phải xử lý như thế nào. Đây là kỹ năng sinh tồn mà mọi người dân, từ trẻ em đến người già cần biết.
Một vụ cháy xảy ra tại Bình Dương. (Ảnh: TTXVN)
Một vụ cháy xảy ra tại Bình Dương. (Ảnh: TTXVN)

Liên tiếp trong những ngày gần đây đã xảy ra nhiều vụ cháy tại các thành phố lớn Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, gây thiệt hại về tài sản và tính mạng của người dân.

Vụ cháy gần nhất diễn ra ngay rạng sáng hôm qua, ngày 5/4. Lực lượng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ Công an quận Bình Tân (Thành phố Hồ Chí Minh) đã khống chế đám cháy và cứu 4 nạn nhân trong “biển lửa.”

Tuy nhiên, có những vụ cháy mà nạn nhân đã không may mắn được cứu thoát. Ngay trước đó chỉ vài ngày, đã có 13 nạn nhân phải tử vong trong các vụ hỏa hoạn.

Vụ cháy thương tâm xảy ra vào đêm nửa đêm ngày 3/4 tại một ngôi nhà trên phố Tôn Đức Thắng (Hà Nội) khiến cho bốn người trong một gia đình tử vong, trong đó có phụ nữ mang thai. Một trong những nguyên nhân dẫn đến sự việc đau lòng này là do ngôi nhà lại chứa nhiều hàng hóa dễ cháy. Đặc biệt là nhà chỉ có một lối ra vào là cửa chính và được khóa chặt nhiều lớp khiến nạn nhân không thể thoát ra trong khi lực lượng cứu hộ bên ngoài khó tiếp cận.

Chỉ trong 5 ngày cuối cùng của tháng Ba, tại Thành phố Hồ Chí Minh đã xảy ra hai vụ cháy khiến 9 người tử vong. Vụ cháy xảy ra ở phường Cát Lái, thành phố Thủ Đức vào lúc một giờ sáng ngày 30/3 đã cướp đi sinh mạng của 6 người trong một gia đình và khiến một người bị thương. Trước đó, rạng sáng ngày 25/3, một căn nhà cấp 4 ở Quận 8 (Thành phố Hồ Chí Minh) cũng bốc cháy khiến cho ba người trong gia đình tử vong, trong đó có một bé gái ba tuổi.

“Có thể thấy các vụ việc nghiêm trọng đều xảy ra vào ban đêm. Khi đó, có thể người dân đã ngủ say nên không phát hiện kịp thời và không thoát ra được. Đó là những sự việc rất đau lòng,” đại biểu Tăng Thị Ngọc Mai, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Trà Vinh chia sẻ.

Cũng theo đai biểu Tăng Thị Ngọc Mai, mỗi năm Việt Nam đều xảy ra rất nhiều các vụ cháy, trong đó điều đáng buồn nhất là sinh mạng người dân không được đảm bảo.

Đại biểu Quốc hội: Người dân còn thiếu kỹ năng phòng chống cháy nổ ảnh 1Đại biểu Tăng Thị Ngọc Mai, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Trà Vinh. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Nữ đại biểu Quốc hội tỉnh Trà Vinh cho rằng người dân cần được trang bị nhiều hơn về kỹ năng phòng chống cháy nổ. Điều này càng quan trọng hơn với những người dân ở các thành phố lớn, nơi thường có những ngôi nhà ống với không gian khép kín, chỉ có một cửa chính và không có cửa hậu cũng như cửa dự phòng tình huống khẩn cấp.

“Người dân cần được phổ biến về kỹ năng thoát hiểm, được thực hành trong từng tình huống sẽ phải xử lý như thế nào. Đây là kỹ năng sinh tồn mà mọi người, từ trẻ em đến người già, đều phải được phổ biến,” bà Mai nói.

Cũng theo đại biểu Tăng Thị Ngọc Mai, do chưa có ý thức về vấn đề phòng cháy nên người dân chưa có ý thức trong việc phòng ngừa, từ việc bố trí các vật dụng dễ cháy trong nhà đến việc chuẩn bị các vật dụng cần thiết cho phòng chống cháy nổ như bình chữa cháy, mặt nạ phòng độc....

“Thậm chí, ở nhiều nơi dù được trang bị bình chữa cháy nhưng đa số người dân cũng không biết cách dùng. Khi không biết sử dụng thì dù có trang bị cũng không hiệu quả,” bà Mai bày tỏ.

“Đã có nhiều vụ cháy xảy ra. Sau mỗi vụ, chúng ta lại rút kinh nghiệm nhưng rồi vẫn tái diễn. Do đó tôi cho rằng phải tuyên truyền, phổ biến kiến thức về kỹ năng phòng cháy, chữa cháy cho người dân. Điều này là trách nhiệm của chính quyền địa phương,” bà Mai nói  nhấn mạnh.

[Nhà ống nằm sâu trong ngõ nhỏ, phố nhỏ: Mở lối thoát hiểm thế nào?]

Cần chú trọng đến việc trang bị kỹ năng cho người dân cũng là quan điểm của đại biểu Nghiêm Vũ Khải, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Phòng. Điểm lại những câu chuyện thương tâm trong thời gian qua, không chỉ về cháy nổ mà nhiều vụ việc khác như đuối nước hoặc vụ việc em bé 3 tuổi ở Hà Nội rơi từ tầng 12A của tòa chung cư xuống và được cứu sống thần kỳ mới xảy ra gần đây, đại biểu Nghiêm Vũ Khải cho rằng kỹ năng sống của người dân chưa được trang bị đầy đủ.

“Từ nhiều câu chuyện đã xảy ra chúng ta phải giúp cho nhân dân có kỹ năng sống, nề nếp, nội quy an toàn - trong đó có an toàn cháy nổ. Có quá nhiều rủi ro và lẽ ra chỉ cần cẩn thận hơn một chút thôi đã không xảy ra những sự việc đau lòng như vậy,” đại biểu Nghiêm Vũ Khải chia sẻ.

Ông Khải cho rằng phải tuyên truyền mạnh hơn nữa để người dân hiểu được vai trò của việc trang bị các kỹ năng sống cần thiết, đặc biệt là trong những tình huống sinh tồn.

Phân tích từ góc nhìn kỹ thuật, đại biểu Nghiêm Vũ Khải cho hay công tác xây dựng ở Việt Nam cũng sẽ phải chuyên nghiệp hơn và tính toán đến các giải pháp an toàn. Theo ông, hiện với các tòa nhà lớn, yếu tố kỹ thuật đảm bảo công tác phòng cháy đã được tính đến và có giám sát chặt chẽ hơn. “Với thiết kế dân dụng cũng sẽ phải như vậy, phải tính đến yếu tố đảm bảo an toàn cho các tình huống,” đại biểu Nghiêm Vũ Khải lưu ý./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục