Đại biểu Quốc hội: ‘Ngành giáo dục càng cải cách lại càng kém đi’

Một số đại biểu Quốc hội bày tỏ sự lo ngại khi những cải cách trong giáo dục chưa đạt hiệu quả cao, nhiều người dân mất niềm tin vào hệ thống giáo dục hiện nay.
Kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia luôn thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận. (Ảnh minh họa: Vietnam+)

Tại buổi thảo luận ở hội trường sáng 30/5 trong khuôn khổ Kỳ họp thứ bảy (Quốc hội khóa XIV), nhiều đại biểu bày tỏ sự lo ngại về những cải cách trong giáo dục chưa đạt hiệu quả cao, nhiều người dân mất niềm tin vào hệ thống giáo dục.

“Ngành giáo dục càng cải cách thì lại càng kém đi, bộc lộ nhiều bất cập,” ông Nguyễn Lân Hiếu (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang) nhìn nhận.

Cách giải quyết không triệt để

Ông Nguyễn Lân Hiếu cho rằng, thực tế thời gian qua cho thấy, nhiều địa phương trong cả nước liên tiếp phát hiện gian lận thi cử, tiêu cực trong giáo dục. Liên quan đến vụ gian lận điểm thi tại Trung học phổ thông quốc gia 2018, cách giải quyết của Bộ Giáo dục và Đào tạo rất mờ nhạt, chưa quyết liệt.

“Bộ Giáo dục và Đào tạo không đánh giá được kết quả thi hàng năm tại các địa phương. Nếu tiến hành phúc tra kết quả thi trong cả nước, tôi tin rằng, sai phạm sẽ còn được phát hiện nhiều hơn nữa. Vấn đề này là lỗi hệ thống,” đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang bày tỏ.

[Đại biểu Quốc hội đề nghị nghiên cứu bỏ thi Trung học phổ thông]

Có cùng quan điểm trên, ông Nguyễn Sỹ Cương (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Thuận) nhấn mạnh, sai phạm ở kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia 2018 đã để lại hậu quả nghiêm trọng. Với cách giải quyết hiện nay của Bộ Giáo dục và Đào tạo, hệ quả nặng nề này sẽ còn kéo dài, làm mất niềm tin của nhân dân.

Ông Nguyễn Sỹ Cương chỉ rõ, Bộ Giáo dục và Đào tạo là đơn vị tổ chức kỳ thi do chính mình xây dựng. Thế nhưng, khi sai phạm xảy ra, Bộ không phải là đơn vị trực tiếp phát hiện. Đến khi một nhóm giáo viên phát hiện và tố giác, đơn vị này mới vào cuộc.

“Điều đáng nói hơn là, khi làm rõ được sai phạm, Bộ Giáo dục và Đào tạo không có chính kiến rõ ràng đối việc công khai danh tính phụ huynh và thí sinh liên quan vì cho rằng đây là vần đề nhạy cảm,” đại biểu Nguyễn Sỹ Cương chỉ rõ.

Từ đó, vị đại biểu này cho rằng, chỉ khi xử lý triệt để những vụ việc như vậy thì mới lấy lại được niềm tin của nhân dân. “Sau sai phạm tại kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia 2018, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang rất nỗ lực tổ chức một kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia 2019 nghiêm túc, an toàn nhưng ai dám bảo đảm sai phạm sẽ không xảy ra nữa?” ông Nguyễn Sỹ Cương đặt vấn đề.

“Cần một nền giáo dục không nói dối”

Nhìn rộng ra những tồn tại, bất cập hiện nay của giáo dục, ông Nguyễn Lân Hiếu nói: “Thời gian gần đây, nhiều chuyên gia, đại biểu nói về triết lý giáo dục. Tuy nhiên, tôi cho rằng, dù bàn ở góc độ nào thì nguyên tắc, yếu tố quan trọng cần đặt lên hàng đầu là sự chân thực. Chúng ta cần một nền giáo dục không nói dối!”

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Lân Hiếu nhấn mạnh: "Chúng ta cần một nền giáo dục không nói dối." (Ảnh: TTXVN)

Phân tích rõ hơn, đại biểu tỉnh An Giang cho rằng, thực tế ở nhiều địa phương thời gian qua (học sinh tiểu học đạt loại giỏi chiếm hơn 90%, thậm chí có nơi đạt 100%) phản ánh phương pháp giáo dục chưa đúng. “Chúng ta không thể tạo ra sản phẩm giáo dục tốt, kỳ vọng vào sự tiến bộ, hoàn hảo khi chúng ta nói dối, đưa ra những bảng điểm, sự đánh giá không đúng thực chất ngay từ năm đầu tiên con trẻ cắp sách tới trường,” ông Nguyễn Lân Hiếu cho hay.

Ở góc độ khác, đại biểu Nguyễn Sỹ Cương cho rằng: “Giáo dục là lĩnh vực lớn, quan trọng, được cả xã hội quan tâm. Thế nhưng, Bộ Giáo dục và Đào tạo vẫn loay hoay với hàng loạt vấn đề, chưa giải quyết được triệt để, rốt ráo những bất cập. Cải tiến nối tiếp cải tiến nhưng cải tiến không mang lại hiệu quả rõ ràng, chưa đáp ứng được sự phát triển của xã hội.”

Đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Thuận cho biết, cử tri bày tỏ sự mất niềm tin vào giáo dục: “Họ phàn nàn về bệnh thành tích, những sai phạm trong thi cử, những vụ bạo lực học đường liên tiếp xảy ra. Người dân không yên tâm, mất niềm tin vào giáo dục nước nhà.”

Ông Nguyễn Sỹ Cương đưa ra dẫn chứng cụ thể về những tiêu cực trong lĩnh vực giáo dục. Đầu tháng Năm vừa qua, Công an quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) cho biết, đơn vị này đã triệt phá đường dây chuyên làm giả bằng tốt nghiệp của các trường đại học với quy mô lớn. Lãnh đạo Công an quận Nam Từ Liêm đánh giá đây là đường dây làm giả con dấu, văn bằng có quy mô lớn với hàng nghìn con dấu của các trường đại học, cao đẳng và tiêu thụ tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước. Cơ quan công an phát hiện, thu giữ hơn một tấn phôi bằng, 1.200 con dấu của các trường đại học, cao đẳng, trung cấp cùng nhiều máy móc, thiết bị.

“Nền giáo dục sẽ đi về đâu khi thể trạng giáo dục như vậy?” ông Bùi Sỹ Cương đặt câu hỏi./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục