Sáng 4/11, tại Nhà Quốc hội, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội đã tiến hành thảo luận tại hội trường về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2024; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2025.
Đăng đàn phát biểu đầu tiên tại hội trường, đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội) nhấn mạnh hiện nay hạ tầng giao thông, đặc biệt là đường cao tốc Bắc-Nam đã được quy hoạch và từng bước triển khai thực hiện, nên áp lực sử dụng đất đắp, cát sỏi thông thường để san lấp, khả năng thiếu vật liệu là rất lớn. Trong khi đó, tình trạng khoáng sản đi kèm (như đất, đá, xỉ than lẫn lộn với khoáng sản quý) vẫn đang phải đổ thải, chưa được sử dụng, gây lãng phí rất lớn.
Vì thế, Chính phủ và các bộ, ngành liên quan cần có giải pháp sử dụng đất, đá thải ra từ các mỏ khoáng sản để sử dụng thay thế cho cát xây lấp làm đường đồng thời nghiên cứu kỹ lưỡng cát biển và có đánh giá tác động để khi sử dụng để khi sử dụng không ảnh hưởng đến môi trường.
Xót xa khoáng sản bị thất thu, lạm thu, lãng phí
Trước đó, từ ngày 18-20/10/2024, Báo Điện tử VietnamPlus đã đăng tải loạt bài phóng sự chuyên đề “Chảy máu” - lãng phí tài nguyên khoáng sản: Gánh nặng đè lên “vai” xã hội, phản ánh: Tài nguyên khoáng sản là tài sản công của quốc gia - bấy lâu nay đang bị “chảy máu” do gian lận trong khai thác; hàng tỷ m3 khoáng sản đi kèm trị giá hàng nghìn tỷ đồng đã và đang phải mang “thân phận” đất đá thải bỏ chất cao thành những dãy núi khổng lồ, trong khi nhiều dự án, công trình trọng điểm của quốc gia đang “đói, khát” vật liệu san lấp. Thực trạng “cơm thừa gạo thiếu” này không chỉ khiến Nhà nước thất thoát nguồn thu, mà còn tiềm ẩn nguy cơ xảy ra thảm họa sạt lở, ô nhiễm môi trường, đe dọa khu dân cư, làm tắc nghẽn “mạch máu” lưu thông của nền kinh tế, đẩy gánh nặng lên “vai” xã hội.
“Chảy máu” - lãng phí tài nguyên khoáng sản: Gánh nặng đè lên “vai” xã hội
Thực trạng "chảy máu" và lãng phí tài nguyên khoáng sản không chỉ khiến Nhà nước thất thoát nguồn thu, mà còn tiềm ẩn nguy cơ xảy ra thảm họa sạt lở, đe dọa khu dân cư, đẩy gánh nặng lên “vai” xã hội.
Ngay sau khi đọc loạt bài trên, đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa cho biết bản thân rất xót xa khi khoáng sản bị thất thu, lạm thu, lãng phí đồng thời nhấn mạnh sẽ nghiên cứu, phát biểu ở hội trường Quốc hội về vấn đề trên.
Nêu ý kiến tại hội trường sáng nay, 4/11, đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa nhấn mạnh khoáng sản là tài sản công, tài nguyên quý giá của đất nước, hầu hết không được tái tạo, nên đòi hỏi phải được quản lý, khai thác, sử dụng tiết kiệm, đóng góp tương xứng với giá trị của nó vào ngân sách Nhà nước, góp phần vào sự phát triển của đất nước. Vì thế dự án Luật Địa chất và Khoáng sản dự kiến sẽ được Quốc hội thông qua tại kỳ họp này đã sửa đổi, bổ sung nhiều điểm mới về quản lý, tổ chức thực hiện khai thác,... nhằm khai thác, bảo vệ và sử dụng có hiệu quả.
Tuy nhiên, đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa cũng lưu ý thực tiễn diễn ra tại nhiều nơi cho thấy hiện còn nhiều vấn đề cần phải nghiên cứu thấu đáo vì “khoáng sản là miếng mồi ngon mà những người biết cách sẽ khai thác triệt để, bất chấp hệ quả, miễn là có lợi cho họ.” Thực tế thời gian qua cho thấy nhiều loại khoáng sản quý giá nằm lẫn lộn trong đất đá, nên tổ chức, cá nhân đã lợi dụng sơ hở của luật pháp, quản lý, để lách luật, khai thác hàng quý hiếm tiêu thụ, mà không bị xử lý; tình trạng khai thác khoáng sản quý trái phép vẫn diễn ra cục bộ ở một số nơi.
Theo đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa, tình trạng trên không những khiến tài nguyên của quốc gia bị thất thoát mà còn kéo thêm hệ lụy khiến nhiều người tử nạn do khai thác thủ công, lén lút không an toàn. Mặt khác, việc kê khai lượng khoáng sản được thu hồi phụ thuộc vào tính tự giác của tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân; cơ quan quản lý nhà nước rất khó kiểm soát. Chưa kể đến các mỏ khoáng sản được cấp phép khai thác theo cơ chế “xin - cho” cũng làm thất thu ngân sách nhà nước.
Ngoài ra ở một số địa phương có nhiều khoáng sản, nhất là các tỉnh vùng cao, còn có tình trạng khoáng sản đi kèm (như đất, đá, xỉ than lẫn lộn với khoáng sản quý) vẫn chưa được sử dụng, khai thác, bị thải bỏ gây lãng phí; có những nơi chất thành “núi” cao, nguy cơ sạt lở, ô nhiễm môi trường, đe dọa đến khu dân cư. Trong khi đó, đất đá để phục vụ xây lấp cho các công trình thì không đủ để sử dụng.
Ở đồng bằng, theo đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa, việc khai thác cát sỏi, vật liệu xây dựng thông thường cũng không kém phức tạp, bất cập, vì cát sỏi được hình thành theo qui luật tự nhiên của dòng sông, phụ thuộc lưu lượng, dòng chảy, địa hình tích tụ, độ bồi lắng. Vì thế, việc quy hoạch, đánh giá trữ lượng rất khó khăn, độ chính xác không cao; cát tặc thường khai thác ở những nơi giáp ranh, địa hình phức tạp giữa các địa phương để dễ lẩn trốn…
Cần sử dụng đất đá thải từ các mỏ khoáng sản để phục vụ san lấp
Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa cũng nêu thực tế hiện nay hạ tầng giao thông, đặc biệt là đường cao tốc Bắc-Nam đã được quy hoạch và từng bước triển khai thực hiện, nên áp lực sử dụng đất đắp, cát sỏi thông thường để san lấp, khả năng thiếu vật liệu là rất lớn, sẽ ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện các dự án công trình.
Tuy nhiên, có điều nghịch lý ở khu vực nhiều tỉnh phía Bắc là khối lượng đất đá thải ra từ các mỏ khoáng sản lại chưa được sử dụng phổ biến do chưa có nghiên cứu cụ thể để sử dụng cho công trình; nếu có thì chỉ được sử dụng cho công trình tại chỗ, chưa được phép di chuyển sang các công trình khác, lo ngại có tiêu cực.
Cục Khoáng sản Việt Nam phản hồi về loạt bài khoáng sản của VietnamPlus
Cục Khoáng sản Việt Nam cho biết sẽ rà soát, tiếp thu các ý kiến góp ý mà Báo Điện tử VietnamPlus phản ánh để đề xuất cơ quan có thẩm quyền hoàn thiện cơ chế, chính sách trong thời gian tới.
Ở khu vực miền Trung, nhu cầu vật liệu san lấp càng khó khăn hơn khi các mỏ vật liệu được quy hoạch lại do tư nhân quản lý, đơn vị thi công phải thoả thuận lại để mua rất khó khăn về giá cả. Riêng ở Đồng bằng sông Cửu Long, thực tế khan hiếm vật liệu xây lấp đã xảy ra. Điều này không những cho các dự án đường cao tốc mà cả đường tỉnh, huyện, xã, chưa kể đến san lấp các công trình dân dụng; thậm chí người dân có tiền cũng chưa chắc mua được vật liệu để sử dụng dù giá rất đắt đỏ.
Trong khi đó, tro xỉ của các nhà máy nhiệt điện thải ra hằng năm là rất lớn, nhưng vẫn chưa được sử dụng thay thế vật liệu xây lấp vì chưa được nghiên cứu kỹ càng và hướng dẫn thực hiện; nhiều nơi chôn lấp tro xỉ thành bãi lớn rất lãng phí và cũng có khả năng sẽ ảnh hưởng đến môi trường về lâu dài…
“Do vậy, kính mong Chính phủ, các bộ, ngành cần có giải pháp cần thiết để sử dụng đất đá thải ra từ các mỏ khoáng sản và xỉ than, tro xỉ của các nhà máy nhiệt điện, để sử dụng thay thế cho cát sông phục vụ xây lấp, làm đường. Đối với cát biển thì cần nghiên cứu kỹ lưỡng và có đánh giá tác động để khi sử dụng không ảnh hưởng đến môi trường. Riêng việc nghiên cứu xây dựng cầu cạn trên vùng đất yếu, trũng ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, cần nhanh chóng thực hiện (có thể thí điểm đoạn cao tốc Cần thơ, Cần thơ - Châu đốc) để rút kinh nghiệm,” đại biểu Phạm Văn Hòa nhấn mạnh./.