Đại biểu Quốc hội kiến nghị đẩy mạnh đầu tư cho giao thông vùng khó

Thảo luận về kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, nhiều đại biểu cho rằng cần ưu tiên cho đầu tư giao thông ở vùng sâu, vùng xa; trong đó cần xóa bỏ cầu đường bộ đi chung với đường sắt.
Ảnh chỉ có tính chất minh họa. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Ảnh chỉ có tính chất minh họa. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Nêu thực tế về nhiều vụ tai nạn giao thông thảm khốc đã xảy ra giữa tàu hỏa và các phương tiện khác trong thời gian qua, nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 cần ưu tiên cho đầu tư hạ tầng giao thông ở các tỉnh vùng sâu, vùng xa.

Đặc biệt, cần là bổ sung ngân sách để xây dựng cây cầu mới nhằm xóa bỏ tình trạng "cầu đường bộ đường sắt đi chung" tại một số nơi, nhằm đảm bảo an toàn cho người tham gia giao thông.

Nỗi lo cầu đường bộ chung đường sắt

Tại phiên thảo luận tổ về Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 và dự kiến kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 diễn ra ngày 24/7, đại biểu Phạm Văn Thịnh (đoàn Bắc Giang) cơ bản tán thành với kế hoạch, song ông cũng đề nghị bổ sung ngân sách để xây dựng cây cầu mới nhằm xóa bỏ tình trạng cầu đường bộ đường sắt đi chung tại một số nơi.

Ông cho hay từ khi xảy ra vụ tai nạn giao thông thảm khốc giữa tàu hỏa và các phương tiện khác tại cầu Ghềnh ở tỉnh Đồng Nai, Chính phủ đã cho phép đầu tư 9 cây cầu mới để xóa bỏ tình trạng đi chung đường sắt và đường bộ.

Đến nay gần 11 năm trôi qua, 8 cây cầu đã được xây dựng, chỉ còn duy nhất cây cầu Cẩm Lý trên địa bàn tỉnh Bắc Giang là vẫn đang mòn mỏi chờ đợi.

[Cần đưa danh mục nhà ở công nhân, lao động vào kế hoạch đầu tư công]

Theo đại biểu Phạm Văn Thịnh, số lượng phương tiện tham giao giao thông qua cầu Cẩm Lý rất lớn, kết nối các tỉnh Lạng Sơn-Bắc Giang-Hải Dương-Quảng Ninh-Hải Phòng. Tuy nhiên, cây cầu đường sắt này đã trên 40 năm tuổi, nguy cơ mất an toàn và gây tai nạn rất cao.

“Tôi đề nghị với Chính phủ ghi vốn cho công trình này. Có thể có 2 phương án, một là Bộ Giao thông vận tải làm Chủ đầu tư, thứ hai là để tỉnh Bắc Giang làm,” Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy Bắc Giang nhấn mạnh.

Cùng đoàn Quốc hội tỉnh Bắc Giang, đại biểu Dương Văn Thái, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang (Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang) cho rằng cần phải tháo gỡ vướng mắc trong các dự án BOT trong đầu tư hạ tầng giao thông hiện nay.

Lấy ví dụ trên tuyến đường cao tốc Hà Nội-Bắc Giang hiện còn 2 “nút thắt cổ chai” là cầu Như Nguyệt và cầu Xương Giang không triển khai được, đại biểu Dương Văn Thái cho rằng BOT là hình thức gọi vốn đầu tư cho giao thông nhanh nhất.

Thế nhưng, hiện nay có cái khó là Nghị quyết 437 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về triển khai dự án BOT yêu cầu các dự án BOT phải làm trên tuyến đường mới, không được làm ở đường cũ.

Đại biểu Quốc hội kiến nghị đẩy mạnh đầu tư cho giao thông vùng khó ảnh 1Các đại biểu thảo luận tại tổ về Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)

Từ thực tế trên, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang kiến nghị Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội có giải pháp tháo gỡ vấn đề này.

Cần quan tâm hạ tầng giao thông vùng xa

Cùng đề cập đến việc đầu tư hạ tầng giao thông, đại biểu Dương Khắc Mai, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông cho rằng trong kế hoạch đầu tư công trung hạn ở thời gian tới cần phải cân đối các vùng miền, ưu tiên vùng sâu, vùng xa. Trong đó có Tây Nguyên, nhất là trong lĩnh vực giao thông.

Tuy vậy, đại biểu Dương Khắc Mai cũng lưu ý tới việc ưu tiên đầu tư, nhất là hạ tầng giao thông cần phải được xây dựng có tính kết nối các vùng, đặc biệt là các vùng kinh tế trọng điểm. “Đầu tư đường cao tốc thì phải tính đến là kết nối được bao nhiêu tỉnh,” ông nói.

[Đại biểu Quốc hội: Dự án đầu tư không hiệu quả thì ‘đau cũng phải cắt’]

Đồng tình với ý kiến trên, đại biểu Ngô Thanh Danh, Bí thư Tỉnh ủy Đắk Nông nhiệm kì 2020-2025, Bí thư Đảng ủy Quân sự tỉnh Đắk Nông (Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông) cũng cho rằng cần đầu tư hạ tầng giao thông cho vùng Tây Nguyên, nhất là những tuyến đường cao tốc.

Theo đại biểu Ngô Thanh Danh, để Tây Nguyên là vùng kinh tế động lực thì phải có kết cấu hạ tầng đảm bảo, đặc biệt là giao thông kết nối với Đông Nam Bộ và Thành phố Hồ Chí Minh. Do đó, Chính phủ nên cho vào kế hoạch đầu tư cao tốc qua Tây Nguyên trong giai đoạn này.

“Còn hình thức thì có thể là BOT, hay PPP, lưu ý cần phải điều chỉnh về chính sách để khi thực hiện không bị vướng,” đại biểu Ngô Thanh Danh nêu quan điểm.

Góp thêm ý kiến, đại biểu Ngô Văn Tuấn, Bí thư Tỉnh ủy Hòa Bình, Bí thư Đảng ủy Quân sự tỉnh Hòa Bình đề nghị Chính phủ cần quan tâm đến giao thông ở vùng Tây Bắc bởi hạ tầng giao thông vùng Tây Bắc đang rất khó khăn.

Theo đại biểu Ngô Văn Tuấn, các tỉnh Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu chỉ có duy nhất trục Quốc lộ 6. Theo thống kê thì đường Quốc lộ 6 có nhiều vụ tai nạn và điểm đen nhiều nhất. Vì thế, trong bố trí vốn lần này, ông Tuấn mong dành một phần để tu sửa, khắc phục điểm đen trên Quốc lộ 6./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục