Đại biểu Quốc hội: “Không vì kinh tế mà quên đi vấn đề môi trường”

Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương cho rằng không nên vì kinh tế mà quên đi vấn đề môi trường. Có như vậy mới tránh được những trường hợp đáng tiếc như Formosa vừa qua.
Đại biểu Quốc hội: “Không vì kinh tế mà quên đi vấn đề môi trường” ảnh 1Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Vấn đề môi trường đang là chủ đề nóng trên diễn đàn Quốc hội, đặc biệt sau vụ Formosa ở Hà Tĩnh. Nhiều ý kiến cho rằng, Quốc hội cần giám sát chặt chẽ các dự án đầu tư, kể cả các dự án của doanh nghiệp trong nước và nước ngoài.

Bên lề kỳ họp thứ 1, Quốc hội Khóa XIV, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương, Phó trưởng đoàn Quốc hội tỉnh Quảng Bình đã trao đổi với phóng viên về việc giám sát của Quốc hội đối với các dự án đầu tư gắn với bảo vệ môi trường.

- Thưa đại biểu, dường như đang có những mối lo ngại về môi trường trong việc thu hút các dự án đầu tư vào các địa phương hiện nay?

Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương: Một trong những vấn đề quan tâm nhất hiện nay là việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài gắn với bảo vệ môi trường. Bài học Formosa không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống kinh tế mà còn ảnh hưởng đến đời sống chính trị và làm mất niềm tin của nhân dân.

- Theo ông thời gian tới cần rút kinh nghiệm gì trong việc thu hút các dự án đầu tư?


Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương:
Thực tế hiện nay tình trạng ô nhiễm môi trường diễn ra ở nhiều nơi, hiện tượng cá chết đang là một ví dụ điển hình và xảy ra ở nhiều tỉnh, thành phố. Trước thực tế trên, việc xử lý môi trường cần phải tính toán một cách bài bản.

Rút kinh nghiệm từ Formosa và tình trạng các doanh nghiệp đã làm ảnh hưởng đến môi trường thời gian qua, theo tôi, sắp tới chúng ta cần chú trọng về kinh tế, nhưng không vì kinh tế mà quên đi vấn đề môi trường.

Chúng ta phải phát huy vai trò của các cơ quan liên quan trong vấn đề bảo vệ môi trường. Phải kiểm tra, kiểm soát và giám sát việc thực hiện dự án của các doanh nghiệp nhằm đảm bảo hài hòa giữa lợi ích kinh tế cũng như bảo vệ môi trường, đặc biệt là phải chấn chỉnh đội ngũ làm về công tác môi trường qua đó củng cố niềm tin của người dân.

- Là đại biểu của Quảng Bình, tỉnh chịu tác động không nhỏ từ ô nhiễm do Formosa gây nên, ông có kiến nghị gì với Quốc hội?

Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương: Trong dự kiến phát biểu về tình hình kinh tế xã hội thì đoàn Quảng Bình sẽ có kiến nghị, tập trung phản ánh hậu quả của Formosa đã khiến người dân Quảng Bình trong thời gian qua gặp rất nhiều khó khăn. Không chỉ là ngư dân mà một số ngành, lĩnh vực như dịch vụ, du lịch, các nhà hàng, khách sạn cũng giảm thu nhập. Như vậy, về hậu quả kinh tế là quá rõ.

- Từ bài học về vấn đề môi trường thời gian qua, theo ông vai trò giám sát của Quốc hội trong thời gian tới như thế nào?


Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương:
Lĩnh vực xã hội thì xảy ra rất nhiều vấn đề còn giám sát của Quốc hội thì có những mức độ. Có những nội dung, trách nhiệm chính vẫn là các cơ quan chức năng quản lý và trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của mình. Lẽ ra cơ quan chức năng phải bám sát, theo dõi, kiểm tra, thẩm định đánh giá tác động của môi trường, còn Quốc hội cũng quan tâm giám sát nhưng có những vấn đề xảy ra bất thường mà Quốc hội không thể lường trước được.

Do vậy, trong thời gian tới thì Quốc hội cần phải quan tâm mạnh mẽ hơn, giám sát kỹ hơn và có những kế hoạch giám sát chuyên đề về môi trường, có như vậy mới khắc phục được tình trạng xảy ra như thời gian vừa qua.

- Có đại biểu cho rằng là nên lập một Ủy ban lâm thời để giám sát các vấn đề về môi trường ở Formosa, ý kiến của ông như thế nào?

Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương: Tôi nghĩ hiện nay chúng ta có đầy đủ cơ quan chức năng để giám sát, không nhất thiết phải thành lập cơ quan lâm thời để làm việc này. Vấn đề ở chỗ là bây giờ đã phát hiện ra rồi và cần phải ​xử lý như thế nào, cách phục trong thời gian tới ra sao chứ không cần phải là cái gì cũng phải thành lập một Ủy ban lâm thời.

- Xin cảm ơn ông./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục