Trao đổi bên lề hành lang Quốc hội ngày 6/1, đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) cho biết gói hỗ trợ 176.000 tỷ đồng đang được các doanh nghiệp quan tâm và mong đợi.
Đặc biệt, ông nhấn mạnh cách thiết kế của gói tài khóa-tiền tệ đi liền với nhau nếu được triển khai sẽ không ảnh hưởng tới kinh tế vĩ mô, đặc biệt là chỉ số nợ công, vay trả nợ công và lạm phát.
Hỗ trợ, kiểm soát lạm phát
- Thưa ông, ông đánh giá thế nào về gói hỗ trợ mà Chính phủ trình Quốc hội tại Kỳ họp này?
Đại biểu Hoàng Văn Cường: Gói phục hồi kinh tế là nội dung chính kỳ họp và cũng là điều mà xã hội, doanh nghiệp rất quan tâm, đặc biệt là chính sách khi thực thi gói này.
Điểm mấu chốt của gói hỗ trợ này chính là sử dụng kết hợp giữa chính sách tài khóa với chính sách tiền tệ, bởi nguồn lực về tài khóa của chúng ta không còn nhiều.
Tuy nói rằng tỷ lệ nợ công còn khá thấp và dư địa để nâng nợ công lên còn khá nhiều, nhưng mục tiêu của chúng ta là phải ưu tiên cho ổn định kinh tế vĩ mô. Chính vì thế, việc huy động nguồn lực thông qua tăng nợ công quá lớn rất có thể sẽ dẫn đến bất ổn về kinh tế vĩ mô và ảnh hưởng tới kiểm soát lạm phát.
Chính vì thế, phải kết hợp chính sách tài khóa và tiền tệ để một mặt sử dụng dư địa tăng nợ công một phần, nhưng đồng thời cũng dữ trự nguồn ngân sách đó để tác động sang chính sách tiền tệ, không phải buộc các ngân hàng thương mại hạ lãi suất, nhưng doanh nghiệp vẫn có thể tiếp cận lãi suất thấp huy động thấp nhờ vào chính sách hỗ trợ lãi suất từ gói tài khóa.
Như vậy chúng ta có thể huy động tốt hơn nguồn vốn của người dân. Khi lượng tiền đưa vào lưu thông nhiều thì chính sách tài khóa như phát hành trái phiếu Chính phủ sẽ thu hút tiền vào, đảm bảo việc hỗ trợ cho nhau và kiểm soát lạm phát.
Trên cơ sở đó, tôi cho rằng cách thiết kế của gói tài khóa-tiền tệ đi liền với nhau là hợp lý. Đây chính là cơ sở để kỳ vọng khi gói này được triển khai sẽ không ảnh hưởng tới kinh tế vĩ mô, đặc biệt là chỉ số nợ công, vay trả nợ công và lạm phát.
Hơn nữa, cũng nhờ vào việc kết hợp, có nhiều chính sách đã thực hiện và sẽ tiếp tục đưa vào sẽ là nguồn hỗ trợ của gói này. Đơn cử, những chính sách mới như miễn, giảm thuế giá trị gia tăng 2% hoặc có phần thuế tiêu thụ đặc biệt với ôtô đồng thời các chính sách tài khóa cũ và đã phát huy khá tốt đối với hỗ trợ doanh nghiệp sẽ vẫn tiếp tục được triển khai.
Điểm bổ sung thêm nguồn lực của gói này chủ yếu từ hệ thống tín dụng, bằng chính sách hỗ trợ doanh nghiệp với lãi suất thấp, còn nguồn tiền mới đưa vào không nhiều.
Thực tế, tính tổng quy mô hỗ trợ là hơn 400.000 tỷ đồng nhưng thực tế đều nằm ẩn trong các chính sách như: Miễn, giãn, hoãn, giảm thuế. Còn lại, tiền mới đưa vào chỉ khoảng chừng 176.000 tỷ đồng, đây rõ ràng không phải đưa một lượng tiền quá lớn trong quãng thời gian 2 năm.
Như vậy, tôi cho rằng chúng ta không coi đây là bơm tiền vào nền kinh tế. Nếu quan niệm như vậy, nhiều người sẽ nghĩ rằng lượng tiền được bơm vào lưu thông rất nhiều, đẩy tình trạng lạm phát lên, hoặc có thể chuyển sang đầu tư vào chứng khoán, bất động sản để đầu cơ, sẽ rất nguy hiểm.
Tăng thêm hỗ trợ cấp bù lãi suất cho những lĩnh vực ưu tiên
- Có quá nhiều lĩnh vực phải đầu tư sau đại dịch COVID-19 vừa qua, vậy theo ông cần chú trọng ưu tiên như thế nào để phát huy hiệu quả?
Đại biểu Hoàng Văn Cường: Con số 176.000 tỷ đồng giải ngân trong 2 năm và nhiều khoản có thể giải ngân kéo dài vài năm sau, như vậy lượng tiền thực tế chỉ vào khoảng hơn 80.000 tỷ đồng mỗi năm, quá nhỏ so với vốn đầu tư công giải ngân hằng năm.
Chính vì nhỏ nên gói này cần tập trung vào các lĩnh vực đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi đại dịch hoặc các vấn đề cấp bách cho việc phòng chống dịch để phục hồi kinh tế.
[Đề xuất gói hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế tới 291.000 tỷ đồng]
Hơn nữa, với gói nhỏ như thế mà dàn trải ra nhiều dự án sẽ không mang lại hiệu quả đúng nghĩa là giúp cho phục hồi, hoặc kéo quá dài thì cũng không phát huy được hiệu quả, vì đầu tư dở dang chưa kết thúc sẽ không mang lại hiệu quả cho nền kinh tế.
Do vậy, làm sao phải xác định rất rõ ưu tiên là đầu tư vào đâu và lĩnh vực nào thực sự phải cần đầu tư gói 176.000 tỷ đồng.
Theo tôi, các lĩnh vực ưu tiên gồm có các trung tâm phòng chống dịch vùng, một số cơ sở y tế ở các vùng đông dân cư cũng cần tăng cường. Ngoài ra, một số các ngành như du lịch, vận tải... cũng bị tác động rất mạnh bởi đại dịch, nếu không được ưu tiên thỏa đáng thì rất khó quay trở lại phục hồi.
Ngoài ra, cũng cần hỗ trợ về nhà ở cho công nhân tại các khu công nghiệp hay thành lập một số trung tâm về giao thông vận tải như các trung tâm trung chuyển logistics, bởi khi dịch xảy ra, các tỉnh ngăn chặn dòng di chuyển thì ngay lập tức hàng hóa bị ứ đọng...
Do vậy, khi có các trung tâm này thì dù có khoanh vùng ở các tỉnh, hàng hóa vẫn về trung tâm, sau đó hàng hóa sẽ kết nối về các địa bàn nhỏ, tránh đứt gãy chuỗi cung ứng do dịch… đồng thời tăng hiệu suất di chuyển của phương tiện vận tải.
Trên thực tế, một số dự án được đưa vào trong danh mục dự kiến chưa liên quan nhiều lắm đến công tác phòng chống dịch, thậm chí có dự án đầu tư kéo dài, trong khi nguồn lực ít, vì vậy nếu đầu tư vào các dự án đó sẽ bị phân tán nguồn lực, không mang lại tác động cho phục hồi.
Đơn cử, giao thông là quan trọng, nhưng cần mở ra điểm tắc, điểm nút chứ không phải tất cả đều được đưa vào phục hồi. Các dự án không nằm trong diện đó thì nên đưa vào chương trình đầu tư công.
Bên cạnh đó, cần lưu ý hơn nữa chính sách hỗ trợ lãi suất. Theo đánh giá, hiện các doanh nghiệp hoạt động chưa đem lại hiệu quả ngay. Trong khi đó, các ngân hàng thương mại phải đảm bảo nguyên tắc hiệu quả kinh doanh.
Thực tế, chúng ta đang thực hiện các chính sách giãn, hoãn các khoản nợ đến hạn phải trả, cơ cấu lại nợ. Nếu không có chính sách đó thì nhiều khoản nợ của doanh nghiệp hiện nay đã trở thành nợ xấu. Khi thành nợ xấu thì trích lập dự phòng rủi ro phải rất lớn nên tiềm ẩn nợ xấu của ngân hàng rất cao và ngân hàng phải trích lập dự phòng lấy từ lãi suất kinh doanh nên khó kỳ vọng vào việc các ngân hàng phải giảm lãi suất.
Từ thực tế đó, không thể nói rằng tất cả các doanh nghiệp với việc được hỗ trợ lãi suất 2% đều có thể tiếp cận được gói tín dụng không bị rủi ro. Do đó, một số lĩnh vực đang bị ảnh hưởng nặng cần được ưu tiên mức hỗ trợ tín dụng cao hơn, thậm chí có thể lên tới 4%.
Bởi nếu hỗ trợ 4% cho một số lĩnh vực (như kinh doanh du lịch hay lĩnh vực vận tải,) khách hàng sau khi được trợ cấp khoảng 4-5%, trong khi mặt bằng lãi suất thương mại trên thị trường hiện khoảng 8-9%, thì lãi suất thực sự phải trả chỉ tương đương tỷ lệ tăng giá lạm phát nên dù kinh doanh không hiệu quả, cũng không phải bù lỗ vốn vay.
Như vậy, doanh nghiệp vẫn đảm bảo kinh doanh có hiệu quả, nhưng sẽ không phải chịu sức ép khi những ngành đó mở cửa một cách bình thường ngay.
- Vậy làm thế nào để vừa huy động được tiền nhàn rỗi, vừa thực hiện hiệu quả gói hỗ trợ này, thưa ông?
Đại biểu Hoàng Văn Cường: Trong gói 176.000 tỷ đồng này, nếu dành 40.000 tỷ để cấp bù lãi suất với mức hỗ trợ 4% thì sẽ có 1 triệu tỷ đồng trong nền kinh tế được các doanh nghiệp sản xuất-kinh doanh hấp thụ, góp phần làm tăng nguồn lực rất lớn và có tính lan tỏa cao. Do vậy, theo tôi cần tăng thêm gói này.
Nhưng để giúp các ngân hàng thương mại có điều kiện kinh doanh, duy trì ở mức lãi suất hợp lý thì việc quy mô dư nợ tín dụng ngân hàng thương mại tăng lên nhờ doanh nghiệp tiếp cận vốn nhiều hơn sẽ tạo điều kiện để các ngân hàng cắt giảm bớt chi phí vận hành tính trên tổng dư nợ tín dụng. Đó là điều kiện để ngân hàng tăng lãi suất huy động.
Hiện nay, lãi suất cho vay cao nhưng lãi suất huy động lại thấp, điều đó không tốt cho nền kinh tế bởi người dân có tiền nhàn rỗi sẽ không đưa vào hệ thống ngân hàng mà đầu tư sang bất động sản, chứng khoán…. Chỉ khi nào ngân hàng tăng lãi suất huy động lên thì mới có thể hút vốn vào, tránh tình trạng tiền trôi nổi trong các lĩnh vực đầu cơ, giảm thiểu nguy cơ khủng hoảng kinh tế. Đó là điều rất là cần thiết.
- Xin cảm ơn ông!