Đại biểu Quốc hội: Hãy điều chỉnh Luật để ‘ươm’ những thiện lành

Hãy cho mỗi cá nhân cơ hội để làm việc thiện, cơ hội để cứu giúp chính đồng bào mình trong lúc nguy khốn, cũng là cơ hội cho con người thêm niềm tin vào những điều tốt đẹp, tử tế ở đời.
Đại biểu Nguyễn Mai Bộ, Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội. (Ảnh: Xuân Mai/Vietnam+)

Mưa lũ miền Trung và vụ sạt lở nghiêm trọng ở thủy điện Rào Trăng 3 vừa qua đã đẩy hàng nghìn hộ dân lâm cảnh trắng tay, người mất, nhà cửa tan hoang trôi theo dòng nước dữ.

[Đại biểu Dương Trung Quốc: ''Lòng tin không thể có từ sự áp đặt…'']

Trước cảnh tang thương ấy, có rất nhiều cá nhân cùng các mạnh thường quân đã lập tức lên đường cứu trợ đồng bào nhưng cũng lại xuất hiện những kẻ lợi dụng lúc “nhá nhem” để lừa đảo chiếm đoạt tiền cứu trợ của người dân.

Cần tìm và xử nghiêm kẻ lừa tiền vợ nạn nhân thủy điện Rào Trăng 3

Trước thông tin về sự việc vợ nạn nhân bị tử nạn ở thủy điện Rào Trăng 3 bị lừa gạt 100 triệu đồng qua tài khoản trong tổng số tiền 250 triệu đồng được hỗ trợ, bên hành lang kỳ họp thứ X, Quốc hội khóa XIV chiều nay (ngày 22/10), đại biểu Nguyễn Mai Bộ, Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội đã chia sẻ nỗi bức xức của mình.

“Khi nghe được tin này như có gì đó rất mạnh chạy trong người, tôi cảm thấy như bị xúc phạm. Đã không ủng hộ được thì thôi đằng này người ta lại lừa đảo chiếm đoạt của bà con nhân dân trong lúc đang chịu cảnh bão lụt, khốn khó. Có thể nói đây là hành vi vi phạm không thể chấp nhận được, kể cả trên phương diện đạo lý lẫn phương diện pháp luật,” đại biểu Mai Bộ bày tỏ.

Theo đại biểu này, về đạo lý, cần phải cùng nhau chung sức lên án để những hành vi tương tự không xảy ra. Còn trên phương diện pháp luật, đây là hành vi phạm tội lợi dụng mạng internet, mạng viễn thông, phương tiện điện tử để chiếm đoạt tài sản, được quy định tại điều 290 Bộ Luật Hình sự.

Lực lượng cứu hộ tiếp cận hiện trường vụ sạt lở núi tại Thủy điện Rào Trăng 3. (Ảnh: TTXVN)

“Đó là một trong những tội phạm thuộc lĩnh vực công nghệ cao. Chính vì thế tôi đề nghị cơ quan có thẩm quyền của Bộ Công an nhanh chóng vào cuộc điều tra để tìm ra tội phạm. Thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản trong trường hợp này có một tình tiết tăng nặng ở điều 52 Bộ Luật Hình sự, tôi đề nghị cơ quan tòa án phải xử thật nặng và trước mắt ngân hàng nên có biện pháp để hoàn lại cho nạn nhân số tiền đã bị chiếm đoạt. Nếu giải quyết được đồng bộ những việc như vậy thì sự việc sẽ sớm được giải quyết,” ông Mai Bộ nhấn mạnh.

Đặc biệt, ông Bộ cho rằng riêng vụ án này nên xử lưu động, tức là xử công khai ở một sân vận động lớn, cho nhiều người xem nhằm sự lên án về mặt đạo đức cũng coi như một hình phạt của tòa án lương tâm đối với người phạm tội.

“Những ngày qua, chúng ta hàng ngày, hàng giờ xem hình ảnh người dân và cán bộ hy sinh như thế mà còn đang tâm chiếm đoạt tiền như vậy thì thật không còn gì để nói,” Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội bức xúc.

Đại biểu Quốc hội nói về vụ lừa tiền vợ nạn nhân ở Thủy điện Rào Trăng 3:

Điều chỉnh Luật để “ươm” những thiện lành

Không chỉ người dân liên quan đến thủy điện Rào Trăng 3 chịu cảnh khốn cùng mà người dân của dải đất miền Trung cũng đang trải qua những ngày tang thương. Chứng kiến sự mất mát ấy nhiều cá nhân là những người có tiếng nói và ảnh hưởng trong xã hội đã đứng lên kêu gọi sự ủng hộ của cộng đồng.

Tuy nhiên, sự việc này lại vấp phải một số ý kiến cho rằng các cá nhân thực hiện việc cứu trợ không thông qua Mặt trận Tổ quốc là sai Luật.

Trao đổi bên hành lang Quốc hội sáng 22/10, đại biểu Lê Thanh Vân, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau cho rằng nên tách bạch quyền cá nhân với tổ chức thực hiện cứu trợ nhân đạo. Và theo ông, Nghị định 64/2008/NĐ-CP tuy vẫn còn hiệu lực, nhưng nhiều nội dung đã lỗi thời, lạc hậu.

Theo Nghị định 64/2008/NĐ-CP chỉ có 3 nhóm tổ chức, đơn vị được phép huy động các quỹ tài chính để phục vụ cho mục tiêu xã hội; các tổ chức xã hội, Mặt trận Tổ quốc chia sẻ trách nhiệm với nhà nước trong công tác xã hội.

Cũng theo Điều 5 của Nghị định này, Chính phủ nhấn mạnh: Ngoài các tổ chức, đơn vị nêu trên, không một tổ chức, đơn vị, cá nhân nào được quyền tổ chức tiếp nhận tiền, hàng cứu trợ.

Đại biểu Lê Thanh Vân, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau. (Ảnh: Xuân Mai/Vietnam+)

Khi đó, hành động cứu trợ nhân đạo, "tương thân tương ái" chia sẻ của các cá nhân hảo tâm với đồng bào khó khăn thiên về quy phạm pháp luật dân sự. Đó là hoạt động cho, tặng trên cơ sở tự nguyện hoặc ủy thác cho người mà mình tin tưởng trao, tặng.

Đại biểu Lê Thanh Vân lấy ví dụ, trường hợp ca sỹ Thủy Tiên nhận được ủy thác của rất nhiều người. Có những người ủng hộ tiền triệu, cũng có những em học sinh chỉ ủng hộ 30.000 đồng từ tiền nhịn ăn sáng.

Nhưng dù con số ấy là bao nhiêu cũng không quan trọng bằng niềm tin tưởng mà họ trao cho Thủy Tiên. Cô đã hành động đúng với tôn chỉ, mục đích của hai chữ “từ thiện.” Hành động đó có ý nghĩa bởi đó vừa là ký gửi, ủy thác, tín thác vừa là nơi gửi gắm niềm tin.

Đại biểu Lê Thanh Vân cho rằng cần phải xem xét dưới góc độ chế định cho, tặng của Luật dân sự, không phải trong Luật huy động tài chính phục vụ cho mục đích khác.

Thủy Tiên trong chuyến cứu trợ bà con miền Trung. (Ảnh: FBNV)

Qua hành động cứu trợ kịp thời mà Thủy Tiên và một số người nổi tiếng khác đang làm cho đồng bào miền Trung, đại biểu Lê Thanh Vân cho rằng Luật nên củng cố lại cơ sở pháp lý, mà trước hết là ghi nhận hình thức tham gia hoạt động từ thiện xã hội của các cá nhân. Bởi chính họ đang làm rất tốt công tác cứu trợ.

Theo đại biểu Lê Thanh Vân, Luật cần điều chỉnh ở chỗ: Các cá nhân chỉ cần đăng ký với chính quyền địa phương nơi họ đến thiện nguyện, rồi chính quyền địa phương thông báo các đối tượng, cách thức cứu trợ.

Đại biểu đến từ Cà Mau chia sẻ câu chuyện vừa qua có đoàn cứu trợ nhân dân đã nấu bánh chưng, nấu cơm, điều đó thể hiện tinh thần “lá lành đùm lá rách,” “tương thân tương ái” của dân tộc.

“Truyền thống tốt đẹp như vậy pháp luật cần phải bảo hộ để mọi công dân thực hiện quyền của mình, phát huy được tinh thần dân tộc,” đại biểu Lê Thanh nhấn mạnh.

Những cá nhân ấy đã và đang làm rất tốt công tác cứu trợ kịp thời và chia sẻ gánh nặng với Mặt trận Tổ quốc, với nhà nước... Do đó, hãy tạo điều kiện hơn nữa để mỗi cá nhân cơ hội để làm việc thiện, cơ hội để cứu giúp chính đồng bào mình trong lúc nguy khốn, cũng là cơ hội cho con người thêm lòng tin và niềm tin vào những điều tốt đẹp, tử tế ở đời./.

Đại biểu Lê Thanh Vân đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau chia sẻ về việc từ thiện tại miền Trung: 

Tóm tắt sự việc vợ nạn nhân bị tử nạn ở thủy điện Rào Trăng 3 bị lừa tiền:

Theo đơn trình báo, sau khi được các nhà hảo tâm giúp đỡ gia đình hơn 250 triệu đồng, chị Lê Thị Thu Thảo (thôn Nam Tiến, xã Nâm Nung - vợ anh Trần Văn Lộc, nạn nhân vụ thủy điện Rào Trăng 3) bị một người lạ lừa chiếm đoạt 100 triệu đồng trong tài khoản ngân hàng, sau khi nhập thông tin cá nhân vào một đường link người lạ gửi.

Chị Thảo cho biết trưa 20/10, một số điện thoại tự giới thiệu tên N., trú tại Đà Nẵng gọi cho chị thăm hỏi, động viên và cho biết sẽ gửi ủng hộ 6 triệu đồng từ một tài khoản quốc tế, yêu cầu xác nhận đúng số điện thoại và số tài khoản của chị Thảo.

Sau đó, người này lại gửi tin nhắn chứa đường link và đề nghị chị Thảo nhập thông tin cá nhân (gồm cả mật khẩu tài khoản).

Ngay khi nhập đủ thông tin, tài khoản của chị Thảo báo có 2 lần trừ tổng cộng 150 triệu đồng. Đến lần thứ 3, người đàn ông lạ gọi điện lại nhưng chị Thảo không bắt máy. Do tắt máy nên số tiền 50 triệu đồng bị rút lần 3 chuyển không thành công nên trả lại vào tài khoản.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục