Đại biểu Quốc hội: Gói hỗ trợ rất cần thiết nhưng phải 'đúng và trúng'

Theo đại biểu Vũ Tiến Lộc (đoàn Hà Nội), việc ổn định kinh tế vĩ mô là nền tảng, nên khi đưa ra các gói chính sách và hỗ trợ cần rất chú ý tới vấn đề lạm phát và nợ xấu.
Các đại biểu Quốc hội Đoàn Hà Nội thảo luận ở tổ về dự thảo Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội. (Ảnh: Xuân Quảng/Vietnam+)

Việc triển khai gói hỗ trợ để giúp doanh nghiệp và nền kinh tế hồi phục do ảnh hưởng của đại dịch là voi cùng cần thiết, song "liều thuốc bổ" này cần “đúng và trúng” đối tượng, đảm bảo hiệu quả cao.

Tránh "nơi ồ ạt, nơi manh mún"

Phát biểu tại phiên thảo luận ở tổ về dự thảo Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội chiều 4/1, đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) đồng tình cao với việc xây dựng một chính sách nhằm tạo động lực cho phát triển kinh tế-xã hội ở giai đoạn này.

Theo ông, ngoài các chính sách đã, đang triển khai về hoãn, giãn, giảm một số loại thuế thì lần này còn bổ sung thêm một số chính sách như giảm thuế giá trị gia tăng thêm 2%.

[Đề xuất gói hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế tới 291.000 tỷ đồng]

Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh đến việc triển khai từng gói hỗ trợ nhằm đảm bảo hiểu quả cao nhất.

Đơn cử, gói 176.000 tỷ đồng được ví như nội lực cho phát triển, song riêng đầu tư cho hạ tầng giao thông đã là 103.000 tỷ đồng (chiếm 2/3 gói này), trong khi các dự án khác còn lại rất ít.

Đáng chú ý, theo ông, không phải tất cả các dự án hạ tầng giao thông ở đây đều là dự án bị đình trệ do dịch bệnh xảy ra, mà có dự án được phân bổ vốn từ trước, có dự án chưa được phân bổ nhưng có gói hỗ trợ này nên đưa vào, do vậy cần phải xem xét lại.

Quan trọng hơn, những dự án này cũng không phải tạo ra điểm then chốt để tháo gỡ những nút thắt của nền kinh tế, vì vậy việc để một lượng vốn rất lớn cho đầu tư hạ tầng giao thông cần phải cân nhắc.

“Chúng ta không có nhiều tiền nên việc giải ngân vốn cho các gói hỗ trợ  thậm chí phải hy sinh và chấp nhận rủi ro. Vì vậy, để có nguồn lực cho phát triển thì cần phải lựa chọn lĩnh vực ưu tiên để hỗ trợ,” ông Cường nói.

Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Anh Trí (Đoàn Hà Nội) cho rằng việc dành 14.000 tỷ đồng cho công tác phòng, chống dịch, đầu tư xây mới, cải tạo, nâng cấp, hiện đại hóa hệ thống y tế cơ sở, y tế dự phòng, trung tâm kiểm soát bệnh tật cấp vùng, viện và bệnh viện cấp trung ương cũng còn khiêm tốn.

“Trong lĩnh vực này còn rất nhiều vấn đề cần tập trung, nếu không làm đến đầu đến đũa thì khó đạt hiệu quả,” đại biểu Nguyễn Anh Trí nói.

Bảo đảm đúng mục tiêu

Mục tiêu tại dự thảo Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội là khôi phục nhanh chuỗi sản xuất, cung ứng, lao động.

Đặc biệt, nghị quyết này cũng hướng tới việc bảo đảm an sinh xã hội và đời sống của người dân, người lao động, nhất là người nghèo, người yếu thế, đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh, góp phần giữ vững an ninh trật tự, an toàn xã hội...

Với những mục tiêu đưa ra, theo đại biểu Nguyễn Thị Minh Trang, Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Long, trước những biến động khó lường của đại dịch COVID-19, Chính phủ đã kịp thời triển khai nhiều chính sách tài chính, tiền tệ gắn với cân đối ngân sách Nhà nước… Những chính sách này bước đầu giúp hạn chế sự suy giảm của nền kinh tế, hỗ trợ người dân, người lao động, doanh nghiệp ổn định sản xuất và đời sống, nhanh chóng phục hồi sau giai đoạn dịch bệnh.

Tuy nhiên, trên thực tế, nhu cầu và kỳ vọng phục hồi kinh tế-xã hội của đất nước sau đại dịch COVID-19 là rất lớn, bởi ảnh hưởng của đại dịch đã khiến tăng trưởng GDP quý 3/2021 giảm sâu chưa từng có (-6,17%).  Sản xuất, kinh doanh bị đình trệ, chuỗi cung ứng bị đứt gãy, đời sống của nhân dân gặp rất nhiều khó khăn.

Vì vậy, về phân bổ nguồn lực, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Long đề nghị Chính phủ tăng nguồn lực hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực thực hành các quy tắc tổ chức lao động an toàn trong tình hình dịch COVID-19 để duy trì sản xuất an toàn. Điều này không chỉ bảo đảm sức khỏe, việc làm và thu nhập cho người lao động, mà còn giảm bớt gánh nặng về an sinh xã hội cho các địa phương.

“Đây không chỉ là cầu nối giữa duy trì sản xuất với phòng, chống đại dịch mà còn là cơ sở quan trọng để doanh nghiệp tăng cường năng lực, nguồn lực đào tạo lao động hiện có để đáp ứng kịp thời tiến trình chuyển đổi lĩnh vực, ngành nghề và cách thức tổ chức công việc. Đây cũng là giải pháp căn cơ để doanh nghiệp phục hồi, phát triển nhanh và bền vững,” đại biểu đoàn Vĩnh Long nói.

Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai, đoàn Hà Nội phát biểu tại phiên thảo luận. (Ảnh: Xuân Quảng/Vietnam+)

Trong khi đó, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (đoàn Hà Nội) đề nghị tính toán kỹ lưỡng gói 38,4 nghìn tỷ đồng, về hạn mức phát hành trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh cho Ngân hàng Chính sách Xã hội để cho vay ưu đãi hỗ trợ giải quyết việc làm; học sinh, sinh viên; các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập; nhà ở xã hội…

“Trong Chương trình mục tiêu quốc gia được thông qua gần đây, Nhà nước đã bố trí một nguồn lực không nhỏ về giáo dục, đào tạo nghề song vẫn chưa hoàn tất thủ tục và chưa giải ngân. Do vậy, nếu tiếp tục bố trí nguồn vốn như vậy thì tính hợp lý cũng không đảm bảo và cần hết sức cân nhắc,” đại biểu Vũ Thị Lưu Mai đề xuất.

Còn theo đại biểu Vũ Tiến Lộc (đoàn Hà Nội), việc ổn định kinh tế vĩ mô là nền tảng, nên khi đưa ra chính sách cần rất chú ý tới lạm phát và nợ xấu.

Đồng tình việc phải ban hành gói 291.000 tỷ đồng, đại biểu Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh đây là chính sách phù hợp với khả năng hấp thụ của nền kinh tế, nhằm đảm bảo an sinh xã hội và ổn định kinh tế vĩ mô.

Song, ông cũng đề nghị khi triển khai cần đảm bảo tháo gỡ các vướng mắc về thủ tục, giúp doanh nghiệp và các đối tượng có thể thụ hưởng gói hỗ trợ được nhanh nhất./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục