Đại biểu Quốc hội: Đô thị cứ mưa là ngập, không mưa cũng ngập

Tại phiên chất vấn chiều 3/11, đại biểu Quốc hội Trần Văn Lâm (đoàn Bắc Giang) đặt vấn đề tình trạng ngập úng đô thị xảy ra ở khắp nơi, thậm chí đô thị cứ mưa là ngập, không mưa cũng ngập.
Đại biểu Quốc hội: Đô thị cứ mưa là ngập, không mưa cũng ngập ảnh 1Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang Trần Văn Lâm đặt câu hỏi chất vấn. (Ảnh: An Đăng/TTXVN)

Chưa giải quyết được ngập úng đô thị là một thực trạng được nhiều đại biểu quan tâm trước, trong và sau phiên chất vấn tại nghị trường Quốc hội liên quan đến lĩnh vực xây dựng.

Đại biểu Trần Văn Lâm (đoàn Bắc Giang) đặt vấn đề tình trạng ngập úng đô thị xảy ra ở khắp nơi, thậm chí đô thị cứ mưa là ngập, không mưa cũng ngập.

Nhiều đại biểu khác cũng chỉ ra thực tế, việc nâng cấp đường cao hơn nền nhà dân diễn ra ở nhiều nơi, nhất là trong các đô thị làm ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống của người dân và đây cũng là một phần nguyên nhân dẫn đến ngập úng xâm lấn thời gian qua.

Về phía Bộ Xây dựng, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cho biết có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Do biến đổi khí hậu, đô thị hóa quá nhanh; lấp hồ, kênh rạch, bêtông hóa gây khó cho tiêu thoát nước.

Bên cạnh đó, quy hoạch chưa đáp ứng được tầm nhìn và yêu cầu phát triển nhanh của đô thị. Các dự án tiêu thoát nước còn nhiều hạn chế, hạ tầng phát triển đô thị chưa đảm bảo theo yêu cầu.

Để tình trạng này không tiếp tục ảnh hưởng đến đời sống người dân, Tư lệnh ngành xây dựng khẳng định thời gian tới, ngành xây dựng tập trung nâng cao chất lượng quy hoạch, rà soát, điều chỉnh quy hoạch cho phù hợp với tình hình thực tiễn, tính tới các yếu tố về biến đổi khí hậu, nước biển dâng; hoàn thiện hệ thống hạ tầng đô thị đồng bộ.

Làm rõ thêm về nội dung này, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng cho biết Bộ Giao thông Vận tải có trách nhiệm quản lý đường quốc lộ và đường ngoài đô thị.

[Nhiều tuyến đường trung tâm Đà Nẵng bị ngập, nước tràn vào nhà dân]

Hiện nay, tình trạng ngập úng thường xảy ra ở 2 khu vực. Ở khu đô thị cũ, do cốt đường thấp, khi sửa chữa đường thường sử dụng thi công cũ nên cốt đường sau khi sửa chữa cao hơn cốt nhà. dẫn tới ngập úng. Thứ nữa, hệ thống cống rãnh tại khu đô thị cũ nhỏ, chưa đồng bộ nên xảy ra tình trạng ngập úng khi mưa.

Đối với khu đô thị mới, ngập úng do vấn đề kết hạ tầng đô thị và hạ tầng giao thông, kỹ thuật khác chưa đồng bộ. Có khu đô thị xây dựng ở khu vực chưa có đường sá, cầu cống. Hay trong quá trình vận hành, nhà đầu tư chưa không quan tâm đến xử lý vướng mắc về hệ thống cống rãnh khu đô thị.

Đại biểu Quốc hội: Đô thị cứ mưa là ngập, không mưa cũng ngập ảnh 2Mưa ngập tuyến phố Dương Đình Nghệ, Hà Nội. (Ảnh: Hoàng Hiếu/TTXVN)

Bộ trưởng Bộ Giao thông đề xuất thời gian tới, các cơ quan quản lý cần phối hợp quản lý chặt giữa quy hoạch đô thị và quy hoạch giao thông, bảo đảm đồng bộ; lưu ý kiểm soát vấn đề cốt xây dựng, không để cốt khu đô thị cao hơn cốt đường.

Trước đó, bên lề kỳ họp, đại biểu Vũ Trọng Kim (Đoàn Nam Định) cho rằng việc phát triển hạ tầng chưa đáp ứng với phát triển đô thị. Hạ tầng chưa kết hợp tốt giữa công trình xây dựng cũ và mới, thậm chí cái mới chồng lên cái cũ, không có sự thông tuyến, gây ách tắc cục bộ.

Hiện quy hoạch mang tính chắp vá, chưa bảo đảm đồng bộ. Trong trường hợp quy hoạch đồng bộ nhưng tổ chức thực hiện không đồng bộ, quy hoạch trước quy hoạch sau, ngành này thế này ngành khác thế khác. Việc này đòi hỏi vai trò chính trị từ Trung ương đến địa phương để giải quyết hài hòa mối quan hệ này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục