Đại biểu Quốc hội đề nghị làm rõ tiêu chí xác định nhân tài

Dù khái niệm “nhân tài” được sử dụng phổ biến trong đời sống xã hội nhưng nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, cần có những tiêu chí cụ thể xác định “thế nào là người có tài?”
Nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, cần có những tiêu chí cụ thể để xác định "thế nào là nhân tài." (Ảnh min họa: TTXVN)

Nhiều đại biểu tham dự Kỳ hợp thứ bảy (Quốc hội khóa XIV) bày tỏ băn khoăn về việc thu hút nhân tài và xử lý cán bộ vi phạm liên quan đến dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức.

Thế nào là nhân tài?

Dự thảo sửa đổi, bổ sung quy định chính sách đối với người có tài năng, theo đó giao Chính phủ quy định chi tiết khung cơ chế, chính sách thu hút, trọng dụng và chế độ đãi ngộ xứng đáng đối với người có tài.

Tuy nhiên, câu hỏi “thế nào là nhân tài, người có tài năng” được nhiều đại biểu đặt ra. Đại biểu Tô Văn Tám (đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum) cho rằng, việc thu hút, trọng dụng nhân tài không phải là vấn đề mới. “Nhân tài là thuật ngữ được sử dụng nhiều và có nhiều cách hiểu khác nhau. Tuy nhiên, hiện nay, chưa có văn bản chính thức nào xác định rõ khái niệm này,” ông Tô Văn Tám cho hay.

Từ đó, đại biểu tỉnh Kon Tum đề nghị luật hóa khái niệm nhân tài, đưa ra những tiêu chí cơ bản để xác định thế nào là nhân tài, từ đó làm cơ sở sử dụng, tuyển chọn, đào tạo nhân tài.

['Chống ăn không ngồi rỗi, chứ không loại bỏ đi vị trí thực sự vì dân']

Có cùng quan điểm trên, ông Phan Thái Bình (đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam) cho rằng, người có tài năng không hẳn là người có học hàm, học vị cao. Tài năng có thể được thể hiện ở nhiều lĩnh vực khác nhau: nghiên cứu khoa học, thể dục thể thao, nghệ thuật… Bởi vậy, đại biểu Phan Thái Bình đề xuất xác định những tiêu chí cụ thể về người có tài, chế độ đãi ngộ nhân tài.

Ở góc độ khác, bà Võ Thị Như Hoa (đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng) đề nghị cần có những hướng dẫn cụ thể về chế độ đãi ngộ nhân tài. Nữ đại biểu cho rằng, Chính phủ cần đưa ra quy định khung, tiêu chí đối với việc thu hút nhân tài. Chế độ đãi ngộ cụ thể giao cho các địa phương, bộ, ngành tự xây dựng cho phù hợp với tình hình thực tiễn, yêu cầu công việc.

Tranh luận về hình thức kỷ luật

Bên cạnh đó, một vấn đề khác liên quan đến dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức được các đại biểu Quốc hội quan tâm là hình thức kỷ luật cán bộ vi phạm.

Dự thảo luật đưa ra hai phương án: phương án 1 là không tiếp tục quy định hình thức kỷ luật giáng chức; phương án 2 là giữ hình thức kỷ luật giáng chức như Luật Cán bộ công chức hiện hành.

Nhiều đại biểu cho rằng quy định hình thức xử lý kỷ luật “giáng chức” đối với những người giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý là cần thiết, mang tính răn đe cao. Việc bỏ đi một hình thức kỷ luật sẽ gây khó khăn trong việc áp dụng hình thức kỷ luật tương ứng với hành vi vi phạm của đội ngũ công chức lãnh đạo, quản lý.

Đại biểu Mong Văn Tình (đoàn Nghệ An) là một trong những đại biểu đề nghị giữ hình thức kỷ luật giáng chức đối với cán bộ vi phạm như luật hiên hành. (Ảnh: TTXVN)

Cụ thể, đại biểu Mong Văn Tình (đoàn Nghệ An) đề nghị giữ quy định này như luật hiện hành. “Công chức vi phạm chưa đến mức thôi việc, cách chức nhưng nếu chỉ hạ lương, cảnh cáo thì quá nhẹ, chưa đủ sức răn đe. Bởi vậy, việc áp dụng hình thức giáng chức là hợp lý. Việc áp dụng giáng chức cũng là tiếp tục tận dụng chất xám của cán bộ, tạo cơ hội sửa sai,” ông Tình phân tích.

Có cùng quan điểm trên, đại biểu Tô Văn Tám (đoàn Kon Tum) cho rằng, việc giữ lại quy định về hình thức kỷ luật giáng chức như luật hiện hành phù hợp với thực tế bổ nhiệm, sử dụng cán bộ “có thăng, có giáng” theo đúng năng lực cán bộ. Ngoài ra, ông Tô Văn Tám đề nghị bổ sung quy định, với những cán bộ vi phạm, sau khi áp dụng hình thức kỷ luật giáng chức, cần đưa ra khỏi danh sách quy hoạch cán bộ (nếu cán bộ thuộc diện quy hoạch).

Ở chiều ngược lại, nhiều đại biểu cho rằng, việc quy định đồng thời hai hình thức kỷ luật giáng chức và cách chức áp dụng đối với những người giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý dễ dẫn đến tình trạng nể nang, chỉ áp dụng hình thức “giáng chức” thay vì phải áp dụng hình thức cách chức.

Theo đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp), quy định về hình thức kỷ luật giáng chức là không phù hợp với việc bố trí công chức theo vị trí việc làm. Bởi vì, hình thức giáng chức thực chất là bổ nhiệm vào chức vụ thấp hơn, trong khi đó, vị trí được bổ nhiệm đã xác định đủ số lượng lãnh đạo, quản lý. Vì vậy, để bảo đảm tính nghiêm minh, sự nghiêm khắc đối với các hành vi vi phạm của đội ngũ công chức lãnh đạo, quản lý, tránh tình trạng lợi dụng quy định để xử lý kỷ luật ở mức độ nhẹ hơn thì không nên tiếp tục quy định hình thức kỷ luật giáng chức.

“Hình thức kỷ luật giáng chức có thể mang sự cảm tính, bao che. Thực tế, thời gian qua, hình thức kỷ luật giáng chức có được áp dụng nhưng không nhiều. Tôi cho rằng, các hình thức kỷ luật phải mang tính răn đe. Nếu sau khi bị cách chức, cán bộ tiếp tục phấn đấu, đạt kết quả tốt trong công việc thì có thể bổ nhiệm lại,” ông Phạm Văn Hòa bày tỏ quan điểm.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Tiến Sinh (đoàn Hòa Bình) nói về việc phân loại, đánh giá viên chức:

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục