Ngày 2/6, Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2021 và tổng kết thực hiện nghị quyết 42/2017/QH14.
Nhiều ý kiến của các đại biểu đã đưa ra thảo luận xung quanh các vấn đề của ngành giáo dục như sách giáo khoa, sách tham khảo và tăng học phí.
Nhân rộng mô hình thư viện sách giáo khoa
Tham gia tranh luận tại phiên họp về vấn đề sách giáo khoa, Đại biểu Thái Văn Thành, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An, nêu rõ có thể khẳng định Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo ngành giáo dục, các cơ sở giáo dục, nhà trường triển khai một cách đồng bộ, bài bản, khoa học, chương trình giáo dục phổ thông 2018 theo đúng tinh thần chỉ đạo của Đảng, Quốc hội và Chính phủ.
[Đề nghị bổ sung SGK vào danh mục hàng hóa được Nhà nước định giá]
Chương trình hướng vào mục tiêu phát triển toàn diện nhân cách, hình thành và phát triển kỹ năng hiện đại như là tin học, ngoại ngữ cho học sinh. Đặc biệt là tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống, giá trị sống và khơi dậy khát vọng cống hiến cho quê hương, đất nước và xây dựng xã hội phồn vinh, hạnh phúc. Có thể nói, chương trình bước đầu đã đáp ứng được yêu cầu đổi mới giáo dục, hội nhập quốc tế vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Theo đại biểu Thành, tại phiên thảo luận ngày 1/6, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết đang trình Chính phủ khung giá sách giáo khoa. Đại biểu bày tỏ đồng tình với quan điểm của bộ trưởng là phải đưa sách giáo khoa vào danh mục quản lý giá, đảm bảo quyền lợi của học sinh cũng như điều kiện kinh tế-xã hội hiện nay của người dân.
Ông cũng đồng tình với việc Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục tăng cường công tác truyền thông rộng rãi trong nhân dân để phụ huynh học sinh hiểu là có 2 loại sách giáo khoa: Thứ nhất là sách giáo khoa, đó là sách bắt buộc học sinh có đi học. Thứ hai là sách bổ trợ, tham khảo, loại sách này tuỳ thuộc vào điều kiện, nhu cầu của học sinh, phụ huynh nên không bắt buộc phải mua.
Dẫn chứng về thực tiễn tại địa phương, đại biểu Thái Văn Thành cho biết ngành giáo dục Nghệ An đã tham mưu ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng mô hình thư viện sách giáo khoa trên phương thức nhà nước và nhân dân cùng làm. Theo đó, tỉnh sẽ dành một phần kinh phí để trang bị sách giáo khoa cho nhà trường; kêu gọi, huy động doanh nghiệp, các nhà xuất bản sách giáo khoa cho nhà trường, kêu gọi học sinh khóa trước học xong tặng lại sách để xây dựng thư viện sách giáo khoa. Việc làm này giúp cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi có sách để học và sách dùng nhiều lần sẽ tránh được lãng phí.
Qua đó, đại biểu Thái Văn Thành đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo nhân rộng mô hình này trong các địa phương trên cả nước để hỗ trợ cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn, học sinh vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi có sách để học.
Nên cấm bán sách tham khảo trong nhà trường
Tranh luận với đại biểu Thái Văn Thành về vấn đề sách tham khảo, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định, cho biết đề xuất của đại biểu Thái Văn Thành là “cần nói cho người dân hiểu rằng sách tham khảo không cần mua.”
Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu cho rằng vấn đề đặt ra là nếu bán sách tham khảo thì tất cả phụ huynh đều sẽ mua cho con bằng bạn, bằng bè.
Ông Hiếu nhấn mạnh: “Sách tham khảo này chính là nguồn lợi rất lớn cho các nhà xuất bản. Vì vậy, tôi nghĩ cần hạn chế tối đa loại hình sách này. Rất nhiều nhà giáo dục kinh nghiệm trên thế giới đã chỉ ra rằng sách tham khảo chỉ dùng cho các thầy cô giáo sử dụng để phong phú cho bài giảng của mình. Còn học sinh tiểu học không cần có sách tham khảo.”
Do đó, Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu đề nghị nên cấm bán sách tham khảo trong nhà trường.
“Đổi mới sách giáo khoa là rất đúng đắn, nhưng cách làm chưa tạo sự cạnh tranh lành mạnh. Sẽ có các sản phẩm tốt và rẻ hơn và đứng vững theo thời gian, chọn cách làm tường minh và khoa học thì sách giáo khoa sẽ trở lại đúng vị trí, trang trọng của mình,” ông Hiếu chỉ rõ.
Đề xuất tạm hoãn tăng học phí
Thảo luận tại phiên họp, đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi - Đoàn đại biểu quốc hội tỉnh Bến Tre cho hay Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo đã giải trình về lộ trình tăng học phí, trong đó có 3 công văn gửi các cơ sở giáo dục thực hiện Nghị định 81 về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục. Tuy nhiên, trước kỳ họp, cử tri cũng phản ánh mức học phí trong Nghị định 81 cao hơn từ 3-5 lần trong năm học vừa qua.
Mặc dù Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có công văn gửi các địa phương cân nhắc, xem xét lộ trình tăng học phí, tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi cho rằng trong điều kiện hiện nay, đời sống của người dân còn nhiều khó khăn, đặc biệt do ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19 vừa qua, đại biểu kiến nghị Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo có chỉ đạo thống nhất tạm hoãn việc tăng học phí trong năm học tới, tạo điều kiện cho các em được đến trường, đời sống của người dân cũng đỡ cơ cực hơn./.