Đại biểu Quốc hội đề nghị bổ sung quy định tố cáo cán bộ đã nghỉ hưu

Đại biểu Quốc hội cho rằng cần bổ sung quy định về tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong thực hiện nhiệm vụ, công vụ của cán bộ, công chức, viên chức đã nghỉ hưu.
Đại biểu Quốc hội đề nghị bổ sung quy định tố cáo cán bộ đã nghỉ hưu ảnh 1Đại biểu Quốc hội thành phố Hải Phòng Lã Thanh Tân phát biểu ý kiến. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)

Tiếp tục chương trình làm việc, chiều 23/11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Tố cáo (sửa đổi). Nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật với nhiều nội dung quan trọng như làm rõ hơn khái niệm tố cáo, hình thức, thời hiệu tố cáo, tố cáo nặc danh, bổ sung quy định tố cáo cán bộ, công chức đã nghỉ hưu...

Bổ sung quy định tố cáo cán bộ, công chức đã nghỉ hưu

Qua thảo luận, các đại biểu cho rằng đây là dự án Luật quan trọng, cử tri đặc biệt quan tâm và còn nhiều vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu tiếp thu chỉnh lý.

Nhiều đại biểu cho rằng dự thảo Luật cần quy định về tố cáo và giải quyết tố cáo đối với hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của cán bộ, công chức, viên chức đã nghỉ hưu.

Đại biểu Nguyễn Hữu Cầu (Nghệ An) ủng hộ việc bổ sung các quy định về tố cáo và giải quyết tố cáo với cán bộ, công chức đã về hưu. Đại biểu này nêu thực tiễn một số cán bộ lãnh đạo cận kề thời điểm nghỉ hưu đã không vượt được qua sự cám dỗ, làm việc sai trái, tạo nên "hội chứng nhiệm kỳ cuối," "chuyến tàu vét cuối cùng"...

Bên cạnh đó, Luật Phòng chống tham nhũng năm 2005 đã quy định, người có hành vi tham nhũng đã nghỉ hưu, chuyển công tác vẫn bị xử lý. Dự án Luật Phòng chống tham nhũng sửa đổi cũng hướng tới việc xử lý này. Nhân dân cả nước đang rất phấn khởi, tin tưởng, đồng thuận cao khi Đảng, Nhà nước xử lý nghiêm những sai phạm của quan chức đã nghỉ hưu, xử lý sai phạm không có vùng cấm, vừa có tác dụng răn đe, phòng ngừa được tham nhũng.

Ban soạn thảo dự thảo Luật Tố cáo sửa đổi cho rằng trong Luật Cán bộ, công chức, viên chức không quy định cán bộ nghỉ hưu để loại bỏ trách nhiệm của người đã nghỉ hưu là không thuyết phục, đại biểu Nguyễn Hữu Cầu nêu ý kiến.

Đồng tình với ý kiến của đại biểu Nguyễn Hữu Cầu, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cho rằng cần bổ sung quy định về tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong thực hiện nhiệm vụ, công vụ của cán bộ, công chức, viên chức đã nghỉ hưu.

Theo đại biểu Phạm Văn Hòa, Luật Cán bộ, công chức, viên chức chưa có quy định xử lý vấn đề này, nhưng nếu dự thảo Luật Tố cáo không quy định thì sẽ bỏ sót, dẫn đến tình trạng "hạ cánh là an toàn."

Nên bổ sung tố cáo qua điện thoại, thư điện tử, fax...

Nhiều đại biểu đề nghị không nên chỉ giới hạn ở 2 hình thức tố cáo như hiện hành để phù hợp hơn với trình độ phát triển của xã hội, công nghệ như hiện nay.

Việc tố cáo qua thư điện tử, fax, điện thoại thực chất cũng là các phương thức thể hiện khác nhau của 2 hình thức tố cáo mà dự thảo Luật đã quy định là tố cáo bằng đơn và tố cáo trực tiếp. Vì vậy, các đại biểu đề nghị chỉnh lý dự thảo Luật theo hướng quy định tố cáo có thể thực hiện bằng đơn và các hình thức khác theo quy định của pháp luật (bao gồm thư điện tử, fax, điện thoại mà các luật khác đã quy định).

Quy định này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho cá nhân thực hiện quyền hiến định và thống nhất với quy định của một số luật hiện hành. Ví dụ như Luật Phòng, chống tham nhũng, Bộ luật Tố tụng hình sự đều có quy định về việc tiếp nhận tố cáo, tố giác, tin báo tội phạm qua điện thoại, qua mạng thông tin điện tử hoặc phương tiện thông tin khác; Luật Giao dịch điện tử cũng đã quy định về giá trị của văn bản điện tử và chữ ký điện tử.

Về hình thức tố cáo, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) thống nhất bổ sung các hình thức tố cáo qua thư điện tử, fax... vì các hình thức trên có địa chỉ cụ thể của người gửi tố cáo, tạo điều kiện thuận lợi cho các cá nhân thực hiện quyền tố cáo, cung cấp thông tin, tránh bỏ sót hành vi vi phạm, phù hợp với thực tiễn phát triển công nghệ thông tin hiện nay.

Khi nhận được thông tin tố cáo qua các hình thức trên, người tiếp nhận phải đề xuất, báo cáo với thủ trưởng cơ quan, xem xét quyết định.

Luật phòng chống tham nhũng 2005 đã quy định cơ quan chức năng tạo điều kiện cho người dân tố cáo bằng các hình thức trong đó có qua điện thoại, thư điện tử, fax...

Đại biểu Quốc hội đề nghị bổ sung quy định tố cáo cán bộ đã nghỉ hưu ảnh 2 Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái báo cáo giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)

Về đơn tố cáo, đại biểu Hòa thống nhất không nhận tố cáo nặc danh nhằm đề cao trách nhiệm của người tố cáo, cũng như hạn chế tình trạng tố cáo tràn lan, thiếu căn cứ, lợi dụng quyền tố cáo để trả thù riêng, hoặc cứ đến kỳ bầu cử, bổ nhiệm lại có nhiều đơn tố cáo, ảnh hưởng quyền lợi của người khác.

Đương nhiên trong thực tiễn, có những trường hợp sợ trù dập nên người làm đơn tố cáo không nêu tên nhưng nếu đơn tố cáo có nội dung cụ thể, có bằng chứng chứng minh như băng ghi hình, ghi âm, tài liệu... thì người tiếp nhận tố cáo phải báo cáo thủ trưởng cơ quan xem xét, kiểm tra, phân công người thẩm tra, xác minh. Nếu đúng như theo đơn tố cáo thì giải quyết theo quy định để sót hành vi phạm tội.

Tổng Thanh tra Chính phủ giải trình về tố cáo cán bộ, công chức đã nghỉ hưu

Báo cáo giải trình tại phiên họp, Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái cho rằng về nguyên tắc mọi hành vi vi phạm pháp luật cần được phát hiện và xử lý nghiêm theo quy định pháp luật, kể cả hành vi vi phạm của cán bộ, công chức trong thời gian công tác trước đây nhưng nay đã nghỉ hưu. Dự thảo luật không quy định cụ thể mà quy định một cách khái quát.

Khoản 4 điều 12 của dự thảo Luật quy định cụ thể về thẩm quyền giải quyết giải quyết tố cáo đối với hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của cán bộ, công chức, viên chức xảy ra trong thời gian công tác trước đây nay đã chuyển công tác đến cơ quan, tổ chức khác, bị mất chức, cho thôi việc, bị buộc thôi việc, tự ý thôi việc hoặc không còn là cán bộ, công chức. Quy định như vậy đảm bảo tính toàn diện trong xử lý hành vi vi phạm pháp luật, không chỉ đối với người nghỉ hưu, mà còn với người không còn là cán bộ, công chức, viên chức.

Về hình thức tố cáo, theo Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái, đây là công tác rất phức tạp, cần phải được cân nhắc một cách kỹ lưỡng, thấu đáo, đảm bảo tính khả thi. Một mặt phải tạo điều kiện thuận lợi cho công dân thực hiện quyền tố cáo, nhưng mặt khác phải hạn chế việc lợi dụng quyền tố cáo để gây rối, vi phạm pháp luật.

"Nếu mở rộng các hình thức tố cáo, nhất là tố cáo qua điện thoại sẽ dẫn đến tình trạng tố cáo tràn lan, gây khó khăn cho các cơ quan nhà nước trong quá trình xác minh, kết luận đối với các trường hợp tố cáo. Trong trường hợp không xác định chặt chẽ thì sẽ tạo kẽ hở để các thế lực thù địch, phản động lợi dụng gây mất ổn định, an ninh xã hội. Bên cạnh đó, trong bối cảnh hiện nay, việc mở rộng hình thức tố cáo qua fax, điện thoại, thư điện tử... là rất khó khả thi. Tuy không quy định, nhưng những hình thức tố cáo này sẽ được các cơ quan chức năng tiếp nhận, xử lý phục vụ cho công tác quản lý, công tác thanh tra, kiểm tra," Tổng Thanh tra Chính phủ cho biết.

Thanh tra Chính phủ sẽ tổng hợp, tiếp thu các ý kiến đóng góp của đại biểu Quốc hội để tiếp tục hoàn thiện dự án Luật Tố cáo sửa đổi./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục