Chiều 15/6, các đại biểu Quốc hội làm việc tại hội trường, tiếp tục thảo luận vào về dự án Bộ Luật Tố tụng Dân sự (sửa đổi).
Quy định tại khoản 2, Điều 4 dự thảo Bộ Luật Tố tụng Dân sự (sửa đổi) quy định: “Tòa án không được từ chối yêu cầu giải quyết vụ việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng” tiếp tục là nội dung được nhiều đại biểu Quốc hội cho ý kiến tại phiên thảo luận chiều nay. Vấn đề này qua thảo luận vẫn tồn tại hai luồng quan điểm trái ngược.
Các đại biểu Nguyễn Công Hồng (Đồng Nai), Võ Thị Hồng Thoại (Bạc Liêu), Trần Tiến Dũng (Hà Tĩnh) và nhiều ý kiến khác có quan điểm tán thành với quy định tại khoản 2, Điều 4; coi đây là một điểm mới đáng ghi nhận của dự thảo Bộ Luật. Đại biểu Nguyễn Công Hồng phân tích quy định này hoàn toàn phù hợp với Hiến pháp 2013, không mâu thuẫn với quy định trong xét xử thẩm phán, hội thẩm độc lập chỉ tuân theo pháp luật.
Đại biểu cho rằng việc tuân theo pháp luật cần được hiểu theo nghĩa rộng, pháp luật cho phép toà án phát triển án lệ để toà án nghiên cứu áp dụng đồng thời đây là quy định rất cần thiết trong điều kiện kinh tế-xã hội phát triển như hiện nay, khi đất nước đang xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân, vì thế không thể từ chối giải quyết vụ việc của dân chỉ vì không có điều khoản quy định của pháp luật.
Đại biểu Hồng lo ngại từ sự từ chối này sẽ dẫn đến hậu quả người dân sẽ “tự xử,” gây những hệ quả xấu và rất mạo hiểm.
Cùng quan điểm này, đại biểu Nguyễn Thái Học (Phú Yên) đánh giá, quy định tại khoản 2, Điều 4 sẽ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của người dân khi không biết cơ quan nào có thẩm quyền giải quyết vụ việc của mình. Đại biểu phân tích tòa án là biểu tượng công lý, người dân đến đề nghị giải quyết vụ việc mà lại bị từ chối, thì sẽ rất khó khăn.
Theo đại biểu, quy định này rất chặt chẽ về mặt pháp lý bởi dự thảo quy định “chưa có điều luật để áp dụng” chứ không phải là chưa có pháp luật. Như vậy có thể điều luật thì chưa có nhưng pháp luật để giải quyết thì còn nhiều nguồn khác. Do vậy, đại biểu khẳng định quy định này đáp ứng được yêu cầu mong mỏi của người dân.
Cũng tán thành cần có quy định này trong dự thảo Bộ Luật, tuy nhiên theo đại biểu Võ Thị Hồng Thoại, quy định như Điều 4 dự thảo là quá rộng. Đại biểu băn khoăn bởi trong dự thảo Bộ luật chưa làm rõ các khái niệm về “lẽ công bằng,” tương tự pháp luật…
Điều này dẫn đến tình trạng chủ quan, tùy nghi của thẩm phán trong xét xử đồng thời, theo đại biểu, đương sự cũng cần biết căn cứ vào quy định nào để thực hiện quyền của mình. Do vậy cũng với quy định tại khoản 2, Điều 4, Ban soạn thảo cần làm rõ hơn các khái niệm này.
Trái với quan điểm trên, các đại biểu Trần Đình Nhã (Thừa Thiên-Huế), Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) đề nghị không nên bổ sung quy định nguyên tắc tòa án không được từ chối yêu cầu giải quyết vụ việc dân sự vì lý do không có điều luật để áp dụng tại Điều 4 dự thảo Bộ Luật Tố tụng Dân sự (sửa đổi) vì không có điều luật thì tòa án không có căn cứ để xét xử. Án lệ chưa phải là một nguồn luật chính thức. Việc áp dụng nguyên tắc tương tự và theo lẽ công bằng sẽ dẫn đến tình trạng tùy tiện.
Theo đại biểu, quy định này không phù hợp với Hiến pháp, với quy định tòa án xết xử động lập và chỉ tuân theo pháp luật và mâu thuẫn với ngay dự thảo Bộ Luật về việc đảm bảo pháp chế xã hội chủ nghĩa.
Đại biểu phân tích nguyên tắc nhà nước pháp quyền hay pháp chế xã hội chủ nghĩa luôn đòi hỏi nhà nước trước hết phải có luật để điều chỉnh các quan hệ xã hội, tổ chức và cá nhân phải thượng tôn pháp luật.
Tòa án từ trước đến nay đều phải cầm cân nảy mực trên nguyên tắc xét xử độc lập chỉ tuân theo pháp luật. Trong thực tiễn nhiều năm qua, án hủy, sửa oan sai vẫn chiếm một tỷ lệ nhất định, tuy không nhiều nhưng gây nhắc nhối, bức xúc trong dư luận xã hội - đại biểu Khánh nói -"nay có thêm quy định này có khác nào cho phép tòa án có quyền xét xử kể cả khi không có luật,” chẳng khác gì cho phép cơ quan soạn thảo được giàng quyền thuận lợi, tùy tiện áp dụng pháp luật cho mình, còn nguy cơ rủi ro thì dành cho các đương sự, cho dân.
Còn theo đại biểu Trần Đình Nhã (Thừa Thiên-Huế) thì quy định này chưa thuyết phục bởi chưa căn cứ từ thực tiễn xem có bao nhiêu vụ tòa phải từ chối do không có pháp luật để áp dụng, nội dung không có pháp luật quy định cụ thể là nội dung gì.
Làm rõ hơn nội dung này, Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao Trương Hòa Bình cho biết đây là nội dung gắn với dự thảo Bộ Luật Dân sự (sửa đổi).
Cơ sở để đặt ra quy định này là do Nhà nước Việt Nam là nhà nước pháp quyền của dân, do dân và vì dân, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của nhân dân. Việc gì người dân yêu cầu chính đáng thì Nhà nước sẽ phải giải quyết.
Bên cạnh đó, Việt Nam đã tham gia Công ước quốc tế về các quyền dân sự, trong đó Công ước đã quy định những quyền, lợi ích hợp pháp của người dân. Nếu có vi phạm mà luật pháp chưa quy định thì phải quyết định, bảo đảm quyền của người dân. Công ước này bắt buộc các cơ quan tham gia phải thi hành.
Chánh án cũng cho biết hiện nhiều nước cũng có quy định về nội dung này và đây chính là điểm mạnh, tiến bộ trong việc sửa luật lần này.
Theo Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao, bên cạnh những điểm mạnh cần lường hết những hạn chế của nội dung này.
Giải đáp những băn khoăn mà nhiều đại biểu Quốc hội đặt ra tại phiên thảo luận về việc sẽ có sự lợi dụng quy định này, Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao cho biết sẽ tiến hành nghiên cứu, trong đó lưu ý tới việc tòa án ngoài việc bảo vệ công lý, bảo vệ quyền, lợi ích con người, quyền lợi hợp pháp của cá nhân, tổ chức, phải bảo vệ quyền lợi ích của đất nước.
Vì vậy những việc lợi dụng để khởi kiện xâm phạm chế độ xã hội chủ nghĩa, tòa án nhất định phải từ chối đồng thời nghiêm trị nếu có hành vi vi phạm trái pháp luật, làm ảnh hưởng đến chế độ chính trị.
Thông tin thêm về nội dung này, Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường cho biết qua lấy ý kiến của nhân dân về dự thảo Bộ Luật Dân sự (sửa đổi), tuyệt đại đa số ý kiến các bộ, ngành, đoàn thể Trung ương, các tỉnh, thành phố, tầng lớp nhân dân ủng hộ quy định: “Tòa án không được từ chối yêu cầu giải quyết vụ việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng.” Điều này hoàn toàn phù hợp với quy định của Hiến pháp.
Bộ trưởng nhấn mạnh, sứ mệnh của tòa án là nơi bảo vệ công lý trong quan hệ dân sự, kinh doanh. Nội dung này cũng phù hợp với Bộ Luật Dân sự hiện hành, trong đó quy định: nếu pháp luật không có quy định thì tòa án áp dụng tập quán, nếu không có tập quán thì áp dụng tương tự pháp luật.
Cũng trong phiên thảo luận, Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao và Bộ trưởng Tư pháp cũng giải thích, cho ý kiến thêm về áp dụng án lệ trong xét xử án dân sự; về bảo đảm quyền tranh tụng trong tố tụng dân sự…/.