Đại biểu Quốc hội đã thể hiện sự quan tâm với công tác quy hoạch

Trong phiên thảo luận chiều, nhiều đại biểu Quốc hội bày tỏ sự quan tâm đến chất lượng quy hoạch; những bất cập hiện nay, từ đó nêu ra những kiến nghị đề xuất nhằm đưa công tác quy hoạch thông suốt.
Đại biểu Quốc hội đã thể hiện sự quan tâm với công tác quy hoạch ảnh 1Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng giải trình những vấn đề có liên quan. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, chiều 30/5, Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường về việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành.

Trong phiên thảo luận chiều, nhiều đại biểu Quốc hội bày tỏ sự quan tâm đến chất lượng quy hoạch; những bất cập hiện nay, từ đó nêu ra những kiến nghị đề xuất nhằm đưa công tác quy hoạch thực sự thông suốt, đồng bộ, tạo thuận lợi cho các ngành, địa phương và quốc gia phát triển.

Cuối phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã có phát biểu giải trình tổng hợp các ý kiến của đại biểu Quốc hội.

Tiếp sau đó, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương phát biểu kết luận kết thúc phần thảo luận.

Quy hoạch là nhiệm vụ chung của cả hệ thống chính trị

Thay mặt cho cơ quan được giao nhiệm vụ quản lý nhà nước về công tác quy hoạch, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng thể hiện sự đồng tình, đánh giá rất cao việc Quốc hội đã lựa chọn chuyên đề về việc thực hiện các chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành, để giám sát tối cao trong năm 2022.

Theo Bộ trưởng, đây là một quyết định đúng đắn, sát thực tiễn, kịp thời và cũng là một sự đổi mới trong công tác giám sát của Quốc hội khóa XV; thể hiện sự chia sẻ, đồng hành của Quốc hội đối với Chính phủ trong việc kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, đặc biệt là những vấn đề khó, vấn đề mới, vấn đề phức tạp, giúp cho công tác điều hành của Chính phủ thuận lợi hơn.

[Quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam]

Đối với công tác quy hoạch đó là đẩy nhanh công tác quy hoạch, nâng cao chất lượng quy hoạch đáp ứng được yêu cầu phát triển của đất nước trong tình hình mới.

Đồng tình với ý kiến của nhiều đại biểu Quốc hội đã nêu, việc xây dựng, tổ chức thực hiện Luật Quy hoạch có một vai trò hết sức quan trọng, Bộ trưởng nhấn mạnh đây là một nhiệm vụ chung của cả hệ thống chính trị, đồng thời phải xác định đây là cơ hội để bố trí, sắp xếp lại không gian phát triển của Quốc gia nhằm đạt được những mục tiêu, khát vọng Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã xác định.

Qua thảo luận, Bộ trưởng ghi nhận nhiều đại biểu Quốc hội đã thẳng thắn chỉ rõ những tồn tại, vướng mắc trong triển khai Luật Quy hoạch, xuất phát từ nguyên nhân do khối lượng công việc lớn, nhiều vấn đề mới, phức tạp, từ hệ thống quy hoạch cho đến khái niệm tích hợp quy hoạch, mối quan hệ giữa các quy hoạch, trình tự lập các quy hoạch, nội dung quy hoạch đến phương pháp tiếp cận, phối hợp trong công tác lập quy hoạch cũng như sự thay đổi sâu sắc về vai trò quản lý nhà nước trong nền kinh tế thị trường.

Để đẩy nhanh, nâng cao chất lượng lập quy hoạch thời gian tới, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận trách nhiệm tiếp tục tham mưu cho Chính phủ chỉ đạo những bộ, ngành liên quan, các địa phương tiếp tục rà soát, đánh giá hoàn thiện hệ thống pháp luật về quy hoạch, thể chế hóa các quan điểm chỉ đạo, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước phù hợp với tình hình thực tiễn, bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất trong các văn bản quy phạm pháp luật, quy hoạch.

“Chất lượng quy hoạch cần được ưu tiên hàng đầu và có tính dẫn dắt trong việc cụ thể hóa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước để phát huy được tiềm năng, lợi thế cạnh tranh của Quốc gia, phải khắc phục được hạn chế, khó khăn, mâu thuẫn, chồng chéo, yếu kém, đáp ứng được yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tạo động lực phát triển bền vững đất nước,” Bộ trưởng phát biểu.

Khắc phục ngay khó khăn, vướng mắc, bất cập trong công tác quy hoạch

Kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nêu rõ, sau một ngày làm việc tích cực, khẩn trương, đã có 39 đại biểu phát biểu ý kiến và 1 ý kiến tranh luận.

Đại biểu Quốc hội đã thể hiện sự quan tâm với công tác quy hoạch ảnh 2Đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh Trương Trọng Nghĩa phát biểu. (Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN)

Đại diện Chính phủ có 5 Bộ trưởng (Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công Thương, Bộ Xây dựng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư) đã phát biểu trước Quốc hội.

Phó Chủ tịch Quốc hội đánh giá nội dung thảo luận đã bao quát toàn diện, các ý kiến phong phú, sâu sắc, có giá trị cao về lý luận, thực tiễn, thể hiện sự quan tâm, tâm huyết, trách nhiệm của đại biểu đối với công tác quy hoạch. Không khí thảo luận sôi nổi, thẳng thắn, đầy trách nhiệm và mang tính xây dựng.

Về các nội dung cụ thể, các đại biểu Quốc hội đều đánh giá cao nỗ lực, trách nhiệm, quyết tâm của Đoàn giám sát để hoàn thành tốt mục đích, yêu cầu, nhiệm vụ giám sát chuyên đề của Quốc hội; đồng thời đánh giá cao sự phối hợp chặt chẽ của Chính phủ, các cơ quan Chính phủ, sự tham gia tích cực, hiệu quả của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội đồng nhân dân, Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố, Kiểm toán Nhà nước, các chuyên gia, các nhà khoa học và các đại biểu Quốc hội góp phần nâng cao chất lượng giám sát tối cao của Quốc hội, bước đầu tác động tạo chuyển biến trong nhận thức, hành động của các cấp, ngành.

Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết qua thảo luận, một số đại biểu Quốc hội đã phát biểu nhiều ý kiến có giá trị bổ sung cho những nhận định, đánh giá trong Báo cáo giám sát và góp ý kiến trực tiếp vào các nội dung của dự thảo Nghị quyết giám sát.

Ý kiến của các Bộ trưởng đã giải trình, làm rõ thêm những vấn đề về quản lý Nhà nước thuộc lĩnh vực được phân công.

Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, trước mắt cần khắc phục ngay những khó khăn, vướng mắc, bất cập nhằm tạo điều kiện thuận lợi trong triển khai các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Về các giải pháp trong trung và dài hạn, Quốc hội giao Chính phủ tổng kết, đánh giá toàn diện việc thực hiện Luật Quy hoạch và các luật, văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến quy hoạch để kiến nghị sửa đổi, bổ sung quy hoạch, các luật có liên quan đến quy hoạch nhằm đáp ứng yêu cầu công tác quản lý nhà nước về công tác quy hoạch, bảo đảm đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật.

Trên cơ sở ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, Trần Quang Phương cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo Đoàn giám sát phối hợp các cơ quan liên quan nghiên cứu kỹ lưỡng, tiếp thu đầy đủ ý kiến của đại biểu Quốc hội và hoàn thiện các nội dung dự thảo Nghị quyết để trình Quốc hội xem xét, thông qua./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục