Sáng 15/4, Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách đã khai mạc tại Hà Nội.
Trong thời gian 3 ngày (từ ngày 15-17/4 tới), các đại biểu Quốc hội chuyên trách sẽ đóng góp ý kiến vào một số dự thảo luật quan trọng phục vụ chương trình Kỳ họp thứ chín, Quốc hội khóa XIII sẽ khai mạc vào cuối tháng Năm tới đây.
Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh, những dự thảo luật được lấy ý kiến các đại biểu Quốc hội chuyên trách tại hội nghị lần này là những đạo luật lớn, liên quan đến nhiều lĩnh vực quan trọng trong chương trình xây dựng pháp luật của Quốc hội tại Kỳ họp thứ chín tới.
“Kỳ họp có thành công hay không tùy thuộc vào sự chuẩn bị của các cơ quan của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và đặc biệt là các đại biểu Quốc hội chuyên trách,” Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Đánh giá cao cố gắng của các cơ quan của Quốc hội và các cơ quan phối hợp đang khẩn trương tiến hành các nội dung chuẩn bị cho Kỳ họp thứ chín, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nêu rõ: Kỳ họp thứ chín và những kỳ họp tiếp theo có trọng tâm là công tác xây dựng pháp luật; nhằm khẳng định quyết tâm của Quốc hội và nhân dân nhằm tiếp tục triển khai thi hành Hiến pháp, đưa Hiến pháp vào đời sống.
Với tinh thần đó, Chủ tịch Quốc hội mong muốn các đại biểu Quốc hội chuyên trách nghiên cứu sâu, đóng góp tích cực các ý kiến trên nhiều khía cạnh về những vấn đề liên quan đến các dự thảo luật.
Trong ngày làm việc đầu tiên, dưới sự điều khiển của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, các đại biểu Quốc hội chuyên trách đã cho ý kiến về một số vấn đề lớn, còn nhiều ý kiến khác nhau của dự án Luật ban hành văn bản pháp luật.
Đây là dự thảo luật đã được các đại biểu Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ tám vào cuối năm 2014 và đã được chỉnh sửa, góp ý tại Phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa qua.
Liên quan đến thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật của chính quyền địa phương, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, có ý kiến đề nghị giao cho chính quyền cấp huyện, cấp xã ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Có ý kiến đề nghị chỉ giao cho chính quyền cấp huyện ban hành văn bản quy phạm pháp luật; một số ý kiến khác đề nghị không giao cho chính quyền cấp huyện, cấp xã ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, để bảo đảm chính quyền cấp huyện thực hiện những nhiệm vụ, quyền hạn được giao và phù hợp với đặc điểm của địa phương thì việc giao cho chính quyền cấp này thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật là cần thiết, nhưng phải xác định rõ phạm vi, thẩm quyền và hình thức văn bản; đồng thời, quy định chặt chẽ quy trình ban hành nhằm khắc phục hạn chế hiện nay là cấp chính quyền này ban hành nhiều văn bản nhưng nội dung lại ít chứa quy định mới, hiệu lực, hiệu quả không cao.
Theo đó, Dự thảo quy định Hội đồng Nhân dân cấp huyện ban hành nghị quyết; Ủy ban Nhân dân cấp huyện ban hành quyết định để quy định những vấn đề mà luật, nghị quyết của Quốc hội giao ban hành.
Đối với cấp xã, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị không giao cho cấp này thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật vì đây là cấp cơ sở có trách nhiệm triển khai thực hiện pháp luật. Hơn nữa thực tế cho thấy, trước đây, có nhiều văn bản quy phạm pháp luật loại này chỉ sao chép văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên, thậm chí không đúng với văn bản cơ quan cấp trên.
Tuy nhiên cũng có một số ý kiến không tán thành với đề nghị này và cho rằng, chính quyền cấp xã là đại diện cơ quan quản lý Nhà nước tại cơ sở vì vậy vẫn cần có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật để đảm bảo chức năng của cơ quan quản lý Nhà nước.
Các ý kiến cho rằng, việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật ở cấp xã còn hạn chế là do năng lực cán bộ, chứ không phải do không có nhu cầu ban hành văn bản quản lý Nhà nước ở địa phương. Do đó, cần quy định thẩm quyền này cho cấp xã.
Các đại biểu Quốc hội chuyên trách tại các địa phương nhấn mạnh, cần phải có sự cân nhắc thận trọng đối với vấn đề này để tránh tình trạng chính quyền cấp xã gặp nhiều khó khăn trong thực thi chức trách, nhiệm vụ bởi không có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Nếu cho rằng chất lượng ban hành của Ủy ban Nhân dân cấp xã còn thấp, chưa đảm bảo, còn sao chép thì phải tạo cơ chế tìm giải pháp khắc phục chứ không phải là ngừng giao quyền.
Một số ý kiến cho rằng, Dự thảo luật sửa đổi lần này cần xác định rõ nguyên tắc về thẩm quyền ban hành văn bản lập pháp với thẩm quyền lập quy. Cụ thể, thẩm quyền lập quy thuộc cơ quan nào dưới Quốc hội phải được quy định chi tiết trong chính Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật./.