Đại biểu Quốc hội chỉ ra nguyên nhân nhiều vụ án tham nhũng bị kéo dài

Đại biểu Nguyễn Quang Dũng (Quảng Nam) cho rằng thời gian vừa qua, việc xử lý nhiều vụ án kinh tế, tham nhũng bị kéo dài, một trong những nguyên nhân do quá trình giám định tư pháp.
Toàn cảnh phiên họp. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)
Toàn cảnh phiên họp. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)

Tiếp tục chương trình làm việc, chiều 7/6, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán Nhà nước; sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 81/2014/QH13 ngày 24/11/2014 của Quốc hội về việc thi hành Luật tổ chức Tòa án nhân dân.

Quốc hội cũng nghe Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc và Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình giải trình ý kiến của đại biểu Quốc hội.

Kiểm toán Nhà nước có đủ năng lực làm giám định tư pháp

Phát biểu tại hội trường, các đại biểu đều nhất trí cần thiết phải sửa đổi, bổ sung Luật Kiểm toán Nhà nước để tăng cường vai trò của Kiểm toán Nhà nước trong hoạt động kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công.

Đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh (Khánh Hòa) cho rằng theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012, chỉ có hành vi vi phạm hành chính được quy định trong luật này mới bị xử lý vi phạm hành chính. Tuy nhiên, trên thực thế, Luật Xử lý vi phạm hành chính chưa đề cập đến hành vi vi phạm hành chính và chế tài xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực Kiểm toán Nhà nước, cũng như thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính và thẩm quyền ra quyết định thi hành của Tổng Kiểm toán Nhà nước. Do đó, hoạt động của Kiểm toán Nhà nước bị ảnh hưởng.

Đại biểu cho rằng có thể chấp nhận cho Kiểm toán Nhà nước có quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực Kiểm toán Nhà nước. Tuy nhiên, cần bổ sung thẩm quyền, chế tài xử phạt trong Luật Sửa đổi, bổ sung, một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính, tạo tương thích giữa các luật với nhau.

Giải trình về nội dung này, Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc cho biết Dự thảo Luật quy định không xử phạt công chức, viên chức. Vì đây là các đối tượng ở các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập đã có Luật cán bộ viên chức điều chỉnh việc này. Luật chỉ xử phạt hành chính những đối tượng ngoài công chức, viên chức ở những đơn vị liên quan đến việc thực hiện kiểm toán.

Theo Tổng Kiểm toán Nhà nước, nếu Quốc hội xem xét, Kiểm toán Nhà nước chỉ xử phạt hai hành vi là cản trở không cung cấp tài liệu và chống đối hoạt động kiểm toán.

Đại biểu Nguyễn Mạnh Cường (Quảng Bình) cơ bản tán thành với nhiều nội dung của dự án Luật Kiểm toán Nhà nước (sửa đổi). Tuy nhiên, đại biểu đề nghị xem xét một số nội dung nhằm đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật.

Đại biểu cho biết khi xây dựng Luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi) đã có sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan soạn thảo, Ủy ban thẩm tra và các cơ quan hữu quan, trong đó có Kiểm toán Nhà nước trong việc đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất của Luật Phòng chống tham nhũng với hệ thống pháp luật.

Theo đại biểu Nguyễn Mạnh Cường, về cơ bản, giữa Luật Phòng chống tham nhũng và Luật Kiểm toán Nhà nước không có sự chồng chéo, mâu thuẫn. Tuy nhiên, một số nội dung được quy định mới hoặc sửa đổi, bổ sung trong Luật Phòng phòng chống tham nhũng nhưng chưa được đề cập trong Luật Kiểm toán Nhà nước. Do đó, những nội dung này cần được bổ sung trong Luật Kiểm toán Nhà nước để bảo bảm tính đồng bộ của hệ thống pháp luật.

Đề cập đến việc bổ sung chức năng giám định tư pháp của Kiểm toán Nhà nước, đại biểu Nguyễn Quang Dũng (Quảng Nam) cho rằng thời gian vừa qua, việc xử lý nhiều vụ án kinh tế, tham nhũng bị kéo dài, một trong những nguyên nhân do quá trình giám định tư pháp.

[Quốc hội thảo luận Công ước số 98 của Tổ chức Lao động quốc tế]

Hiện nay, hoạt động giám định trong lĩnh vực tài chính, kinh tế chủ yếu do Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước thực hiện. Theo đại biểu, trên thực tiễn, số lượng công việc phức tạp và các vụ án kéo dài, nên cần bổ sung thêm một cơ quan có tính độc lập cao hơn như Kiểm toán Nhà nước để giám định tư pháp là phù hợp.

Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc khẳng định cơ quan này có một đội ngũ cán bộ đầy đủ năng lực, hoàn toàn có thể đảm nhận được nhiệm vụ giám định tư pháp. Bên cạnh đó, những kiểm toán viên hiện nay của Kiểm toán Nhà nước có trình độ ở mọi lĩnh vực: tài chính kế toán, quản lý dự án đầu tư, luật, xây dựng giao thông, thuỷ lợi, kiến trúc, công nghệ thông tin...

"Nếu như Quốc hội cho phép bổ sung chức năng giám định tư pháp, chúng tôi sẽ cử cán bộ đi học, đào tạo về giám định tư pháp để có chứng nhận, hay thẻ giám định viên, sau đó ban hành những quy định về giám định, lúc đó mới có thể đảm nhận nhiệm vụ giám định ở các vụ án...," ông Hồ Đức Phớc khẳng định.

Khắc phục tình trạng thiếu nguồn bổ nhiệm Thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao

 Thảo luận về đề nghị sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 81 của Quốc hội về việc thi hành Luật Tổ chức Tòa án nhân dân, đa số các đại biểu bày tỏ sự nhất trí cao với Tờ trình của Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao, đồng thời đồng tình với nhiều nội dung trong Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp.

Các đại biểu đánh giá cao tinh thần, trách nhiệm, sự nghiêm túc, khẩn trương của Tòa án Nhân dân Tối cao và Ủy ban Tư pháp của Quốc hội trong việc chuẩn bị các tài liệu, hồ sơ có liên quan để đáp ứng yêu cầu trình Quốc hội tại kỳ họp này.

Theo quy định, Hội đồng Thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao có 17 thành viên. Thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao do Quốc hội phê chuẩn phải có đủ các tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định của Luật, trong đó, phải có tối thiểu 5 năm là Thẩm phán cao cấp. Trong khi đó, Thẩm phán cao cấp là ngạch Thẩm phán mới được quy định từ năm 2015 sau khi Luật tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014 có hiệu lực thi hành.

Hiện nay, Hội đồng Thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao có 16 thành viên, bao gồm: Chánh án, 4 Phó Chánh án, 11 Thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao. Năm 2019 có 1 thành viên đã nghỉ hưu, đến năm 2020 sẽ có 4 thành viên nghỉ hưu, năm 2021 sẽ có 3 thành viên nghỉ hưu; đến năm 2022, phần lớn Hội đồng Thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao sẽ nghỉ hưu.

Đại biểu Nguyễn Duy Hữu (Đắk Lắk) cho rằng quy định như trên thực sự khắt khe đối với nguồn bổ nhiệm Thẩm phán Tòa án các cấp chứ không chỉ riêng Tòa án Nhân dân Tối cao.

Đại biểu Quốc hội chỉ ra nguyên nhân nhiều vụ án tham nhũng bị kéo dài ảnh 1Đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Duy Hữu phát biểu. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)

Theo đại biểu, để được làm thẩm phán phải mất 5 năm công tác, đi học 6 tháng, sau đó trải qua kỳ thi tuyển chọn thẩm phán quốc gia, trình Chủ tịch nước, thời gian ít nhất phải 6-7 năm.

"Để lên đến thẩm phán cao cấp, tôi cho rằng ít nhất phải 20 năm cộng với hai mươi mấy năm tuổi đời, hơn 40 tuổi lên được thẩm phán cao cấp là đã quá giỏi rồi," đại biểu nêu ý kiến.

Theo Nguyễn Đức Sáu (Thành phố Hồ Chí Minh), tới đây sẽ thêm một số thẩm phán khác là thành viên của Hội đồng Thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao nghỉ hưu. Như vậy, nếu theo Điều 69 Luật Tổ chức Tòa án nhân dân, phải là Thẩm phán Tòa án nhân dân cấp cao 5 năm mới được bổ nhiệm là Thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao sẽ gây trở ngại, khó khăn cho việc bổ sung thành viên của Hội đồng Thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao.

Theo như tài liệu, hồ sơ, Chánh án Tòa án Quân sự Trung ương đã nghỉ hưu từ ngày 1/3. Nếu như thiếu vắng một thành viên là Chánh án Tòa án Quân sự Trung ương tham gia Hội đồng Thẩm phán Tòa án tối cao sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động của ngành Tòa án, đặc biệt là Tòa án Quân sự. Trong trường hợp này, đại biểu cho rằng nếu Nghị quyết 81 không sửa sẽ không thể bổ sung thêm một thành viên.

Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết về sự cần thiết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 81/2014/QH13, Tờ trình đã nêu rõ.

Theo quy định của Luật, Hội đồng thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao phải có đủ 2/3 thành viên mới hoạt động được. Ông Nguyễn Hòa Bình cho biết, đến năm 2020 sẽ có 8 người nghỉ hưu, nếu không đủ bổ sung kịp thì Hội đồng thẩm phán sẽ không làm việc được. Do đó, rất cần thiết phải bổ sung, trong khi nguồn đã hết.

Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao cho hay việc chọn mốc vào năm 2022, vì đợt bổ nhiệm trước 2017, phần lớn được chuyển đổi từ thẩm phán cao cấp cũ sang và các đồng chí chánh án địa phương, số thẩm phán này sau 4 năm sẽ lớn tuổi. Do đó, nguồn bổ sung thẩm phán sẽ hết chỉ có lứa được bổ nhiệm vào tháng 1/2017, mới đủ điều kiện tạo nguồn cho việc bổ nhiệm thẩm phán tối cao cũng như lãnh đạo Tòa án tối cao.

"Theo quy định của Luật, sau 5 năm thâm niên từ tháng 1/2017 đến tháng 1/2022, số này sẽ đủ điều kiện, đó là vì sao chúng tôi lấy mốc là tháng 1/2022 trong sửa đổi này," Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục