Sáng nay (24/10), Quốc hội tiếp tục thảo luận ở tổ về các vấn đề kinh tế-xã hội, ngân sách hàng năm và giữa kỳ.
Bên hành lang Quốc hội, đại biểu Trần Hoàng Ngân, đoàn Thành phố Hồ Chí Minh đã có một số trao đổi với VietnamPlus về những nội dung trên.
[Họp Quốc hội: Bảo đảm đổi mới, nâng cao hiệu quả đầu tư công]
- Thưa ông, ông đánh giá thế nào về những kết quả kinh tế năm 2018 và ba năm đầu của giai đoạn 2016-2020 mà chúng ta đạt được đến thời điểm này?
Đại biểu Trần Hoàng Ngân: Trong 9 tháng đầu năm chúng ta tăng trưởng 6,98% là mức tăng trưởng cao nhất từ khi xảy ra khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế năm 2008 đến nay. Do đó, kết quả năm 2018 chúng ta sẽ đạt và vượt so với kế hoạch tăng trưởng là trên 6,7%.
Nhìn lại những năm gần đây cho thấy, năm 2016 nền kinh tế của Việt Nam tăng trưởng 6,21%, còn năm 2017 tăng trưởng 6,8%. Như vậy, bình quân ba năm chúng ta tăng trưởng 6,57% GDP.
Còn xét trong 5 năm, tức là đến thời điểm này, 3/5 chặng đường, chúng ta đã đạt kế hoạch và chúng ta hoàn toàn có thể tự tin cho việc thực hiện trọn vẹn kế hoạch kinh tế xã hội 5 năm 2016-2020.
Điều đáng ghi nhận là chúng ta đạt kết quả kép, vừa đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế nhưng đồng thời đảm bảo được ổn định kinh tế vĩ mô. Ổn định kinh tế vĩ mô thể hiện qua nhiều cân đối lớn trong nền kinh tế.
Cụ thể như vấn đề kiểm soát lạm phát chúng ta đã kéo giảm liên tục ba năm ở mức dưới 4%. Tiếp nữa là bội chi ngân sách cũng theo xu hướng giảm, dự kiến năm nay bội chi ngân sách ở mức khoảng 3,6%/GDP.
Một điểm nhấn nữa chính là thặng dư thương mại 9 tháng đầu năm khá cao, Việt Nam đã xuất siêu hơn 6 tỷ USD, mức cao nhất từ trước đến nay. Do đó cán cân thương mại trong ba năm qua nhờ xuất siêu liên tục đã góp phần giúp cán cân vãng lai, cán cân quốc tế đều thặng dư, tăng dự trữ ngoại hối.
Trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ-Trung diễn ra, tình hình thương mại thế giới dao động rất lớn, nhiều đồng tiền trên thế giới mất giá mạnh so với USD nhưng ở Việt Nam vấn đề tỷ giá được kiểm soát theo mong muốn của Chính phủ và điều hành có lợi cho những người đang giữ tiền đồng Việt Nam.
Với những kết quả nêu trên, có thể thấy 2018 sẽ là năm Việt Nam có nhiều điểm sáng về phát triển kinh tế xã hội.
- Mặc dù tăng trưởng liên tục tăng nhưng báo cáo thẩm tra vẫn đặt ra lo lắng về chất lượng tăng trưởng, cử tri thì lo lắng cắt giảm điều kiện kinh doanh và môi trường kinh doanh còn chậm. Quan điểm của ông về vấn đề trên như thế nào?
Đại biểu Trần Hoàng Ngân: Về chất lượng tăng trưởng chúng ta thấy vừa qua đã có thay đổi rất lớn. Đơn cử, tốc độ tăng năng suất của Việt Nam cao hơn so với giai đoạn 2011-2015, trong đó năng suất lao động bình quân tăng 5,6%/năm so với trước đây chỉ là 4,3%, hay năng suất yếu tố tổng hợp (TFP) cũng được cải thiện rõ rệt.
Nếu so với giai đoạn trước TFP chỉ khoảng 33,5% nhưng hiện giờ đã đạt mức trên 42%, điều này thể hiện chất lượng tăng trưởng của Việt Nam cũng tốt hơn.
Tuy nhiên, điều mà phía cá nhân tôi còn băn khoăn chính là các chỉ số năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp hay vấn đề cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.
Thực tế, chúng ta còn có dư địa để làm tốt hơn nữa, chính vì vậy, phải tiếp tục cải cách hành chính tốt hơn và đặc biệt là trách nhiệm của Quốc hội là tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, tiếp tục hoàn thiện hệ thống luật pháp để việc vận dụng, triển khai pháp luật của doanh nghiệp cũng như bộ máy quản lý Nhà nước được thực thi một cách dễ dàng.
Tôi cũng chia sẻ là trong báo cáo của Chính phủ đã đánh giá rất tốt nhưng cũng có một câu là thiếu bền vững. Tại sao chúng ta tăng trưởng liên tục nhưng chúng ta lại lo lắng thiếu bền vững? Ở góc độ cá nhân, tôi cho rằng, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) ngày càng tăng lên và đóng góp nhiều vào tăng trưởng của Việt Nam. Đó là điều rất mừng, nhưng đầu tư nước ngoài ra vào liên tục nên khi có vấn đề bất lợi thì có thể rút ra nhanh và đến nơi nào họ thấy có lợi nhuận.
Chính vì vậy, Việt Nam phải tranh thủ tận dụng được nguồn vốn FDI nhất là các dòng vốn có công nghệ cao để lan tỏa và kết nối với doanh nghiệp trong nước để từ đó có sự trợ lực từ công nghệ cao của nước ngoài để nâng cao năng lực cạnh tranh trong nước lên lúc đó mới yên tâm. Nên chúng ta thấy số doanh nghiệp ngừng hoạt động nhiều. Giờ làm sao Chính phủ phải kết nối được cái này.
Trước đây chúng ta rất thành công trong việc kết nối doanh nghiệp với ngân hàng để khơi thông dòng vốn, giờ phải kết nối được doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp FDI để làm sao chúng ta có thể tận dụng được công nghệ của các nước tiên tiến để nếu như người ta có rút vốn ra khỏi Việt Nam thì mình vẫn có thể chủ động được.
Điểm thứ hai là dân số Việt Nam có 65% sống ở nông thôn, 40% làm nông nghiệp nhưng nền nông nghiệp vẫn cứ bấp bênh, được mùa mất giá, rồi giải cứu… Vậy chúng ta phải làm sao để nền nông nghiệp phải phát triển một cách bền vững.
Lợi thế cạnh tranh chính của chúng ta là nông nghiệp, đứng nhất nhì là xuất khẩu các mặt hàng tiêu, hạt điều và hàng nông sản. Do vậy, nông nghiệp cần được đầu tư hơn nữa về nguồn lực nhất là đầu tư công để giải quyết bài toán này, có thể là phải triển khai ứng dụng công nghệ cao 4.0 vào lĩnh vực sản xuất nông nghiêp này và Chính phủ phải là đầu tàu để có các giải pháp hỗ trợ.
Cuối cùng là để giải quyết bài toán nông nghiệp thì một trong những động lực để giải quyết chính là giao thông, khi giao thông thuận tiện mới giúp chi phí vận chuyển giảm, có như vậy sẽ tăng giá thu mua của nông sản, khi đó đời sống nông dân mới được cải thiện nên đầu tư vào cơ sở hạ tầng giao thông là cần giải quyêt bài toán giao thông. Hiện nay đang bị điểm nghẽn ở thể chế, ở BOT và cả vấn đề hợp tác.
Nhà đầu tư nước ngoài ngại đầu tư vì phải chi phí quá nhiều là như vậy. Khi giải quyết được vấn đề căn cơ này thì nông nghiệp sẽ phát triển bền vững.
- Vậy ông đánh giá thế nào về mô hình tăng trưởng thời gian qua?
Đại biểu Trần Hoàng Ngân: Chúng ta đã đạt được mục tiêu là nâng cao tỷ trọng của công nghiệp, xây dựng và dịch vụ và nâng cao được năng suất yếu tố tổng hợp (TFP), trong đóng góp vào GDP và giảm vốn trong tăng trưởng.
Bên cạnh đó, chúng ta đã giải quyết được bài toán là cơ cấu về ngân sách tức là tăng chi đầu tư phát triển cao hơn, nếu như trước đây khoảng 23-24% thì hiện giờ là 26% và giảm chi thường xuyên từ 65% xuống mức 64%, tức là bài toán giải quyết về cơ cấu ngân sách, khi giải quyết được cơ cấu ngân sách sẽ giải quyết được bài toán về nợ công trên GDP.
Một điểm khác là chúng ta đã giải quyết được bài toán về tổng vốn đầu tư xã hội. Trước đây mô hình của chúng ta là 4/4/2 tức là 40% Nhà nước, 40% ngoài quốc doanh và 20% của nước ngoài, nhưng giờ đã chuyển sang mô hình 35/42/23… Do đó chúng ta thấy bài toàn tổng vốn đầu tư xã hội đã gảm áp lực cho nguồn vốn ngân sách phải giải quyết.
Hay bài toán về cơ cấu lại đầu tư công, cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, tái cơ cấu các tổ chức tín dụng để giải quyết bài toán sở hữu chéo, nợ xấu. Nhìn tổng thể chúng ta đã đạt được kết quả nhưng sự mong đợi vẫn thấy còn chậm.
- Xin cảm ơn ông./.