Thảo luận tại hội trường Quốc hội về dự án Luật Kinh doanh Bất động sản (sửa đổi) vào chiều 23/6, các đại biểu Quốc hội nhấn mạnh việc sửa đổi luật này phải tạo ra tính ổn định về chính sách, trong đó chú trọng đến vai trò điều tiết của Nhà nước.
Cần chính sách điều tiết từ Nhà nước
Phát biểu góp ý về dự thảo luật, đại biểu Trần Văn Khải, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Nam nêu ra thực tế thị trường bất động sản luôn rình rập tình trạng "sốt nóng" hoặc "đóng băng," xảy ra thường xuyên theo chu kỳ từ những năm 1990 trở lại đây.
“Nếu chính sách Nhà nước không điều tiết kịp thời cũng như có giải pháp hữu hiệu thì sự rối loạn của thị trường bất động sản có thể ảnh hưởng gây khủng hoảng tài chính, cao hơn nữa là khủng hoảng kinh tế. Rất nhiều doanh nghiệp bất động sản hiện nay đang đứng trước bờ vực phá sản, người dân khốn đốn nên việc xây dựng chính sách của Nhà nước với thị trường bất động sản là rất quan trọng,” đại biểu Khải nhìn nhận.
Chỉ ra Nghị quyết số 18-NQ/TW và Đại hội Đảng khóa XIII có nêu rõ phải quản lý chặt chẽ, sử dụng hiệu quả tài nguyên đất và các tài nguyên khác, tuy nhiên, theo ông Khải, hiện thể chế chưa cụ thể và chưa điều tiết được thị trường bất động sản. Vì vậy, đã đến lúc cần phải có cơ chế để cơ cấu lại thị trường này.
“Cử tri mong muốn sửa đổi luật này làm sao xóa bỏ được tư duy ‘không buôn gì lãi bằng buôn đất’, người nghèo không nghèo hơn vì bất động sản, để làm sao thế hệ sau không vô vọng ước mơ có được căn nhà của mình,” đại biểu Khải bày tỏ chính kiến.
Do đó, đại biểu đề nghị ban soạn thảo cần bổ sung các quy định ở Điều 8 của dự thảo luật cho toàn diện và cụ thể hơn, từ đó thể chế hóa đầy đủ hơn chủ trương của Đảng cũng như thực tiễn đặt ra.
[Gỡ điểm nghẽn cho thị trường bất động sản trong năm 2023]
Để đảm bảo chính sách của Nhà nước, vị đại biểu đoàn Hà Nam cho rằng cần có 4 yếu tố là tính ổn định của chính sách; tạo được sự thông thoáng, thu hút các nhà đầu tư vào thị trường này; điều tiết lại phân khúc nhà ở (phân khúc nhà ở cao cấp tồn dư trong khi nhu cầu nhà ở công nhân thiếu); quản lý chặt chẽ thị trường bất động sản, ứng phó kịp thời và chủ động với tình trạng nóng-lạnh của thị trường.
Nhất trí cao sự cần thiết ban hành Luật Kinh doanh Bất động sản (sửa đổi), đại biểu Phạm Văn Hòa, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp cho biết thời gian qua, không ít chủ đầu tư có vốn sở hữu thấp, chủ yếu là vốn ngân hàng nên khi có sự cố xảy ra sẽ gây hậu quả lớn cho người mua và ngân hàng. Vì vậy, dự thảo luật cần có quy định cụ thể về năng lực tài chính của nhà đầu tư, bảo vệ quyền lợi của bên mua cũng như bên thuê nhà.
Về điều kiện nhà ở, công trình xây dựng đưa vào kinh doanh, đại biểu Hòa cho rằng cần quy định các công trình xây dựng trên đất được Nhà nước giao đất hoặc cho thuê đất, trả tiền một lần cho cả thời gian thuê thì được phép bán, cho thuê; còn trả tiền cho thuê hàng năm thì chỉ được cho thuê, không được bán, để bảo vệ quyền lợi của người mua khi Nhà nước thu hồi đất.
Nhìn nhận các dự án kinh doanh nhà ở, bất động sản có liên quan đến Luật Đất đai, Luật Nhà ở, đại biểu Hòa đề nghị cần thống nhất luật nào là chủ đạo, các luật khác có liên quan chỉ dẫn tham chiếu để đảm bảo thống nhất trong hệ thống pháp luật.
Giới hạn tối đa tiền đặt cọc mua nhà
Về nguyên tắc kinh doanh nhà ở, công trình xây dựng hình thành trong tương lai quy định tại điểm d khoản 4 Điều 24, đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương cho rằng cần cân nhắc cho phép chủ đầu tư nhận đặt cọc từ khách hàng và bổ sung quy định về giới hạn tối đa số tiền đặt cọc để tránh việc các chủ đầu tư lạm dụng hình thức đặt cọc nhằm huy động chiếm dụng vốn của khách hàng trong thời gian dự án chưa hoàn tất các điều kiện mở bán.
Đối với quy định về giao dịch thông qua sàn giao dịch bất động sản được quy định tại Điều 57, đại biểu Trân kiến nghị để bảo vệ quyền lợi ích chính đáng hợp pháp của người dân, đề nghị tất cả các giao dịch bất động sản có ít nhất một bên là cá nhân tham gia thì bắt buộc phải công chứng. Riêng các trường hợp giao dịch bất động sản giữa các tổ chức với nhau thì có quyền lựa chọn giao dịch thông qua công chứng hoặc và sàn giao dịch bất động sản.
[ĐBQH: Các sàn giao dịch bất động sản hiện chỉ mang tính chất môi giới]
Thảo luận về dự án luật này, đại biểu Huỳnh Thị Phúc, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu nêu ý kiến việc mua bán nhà ở phải gắn liền với không gian, với đất. Chủ đầu tư phải làm các thủ tục liên quan đến nhà đất cho người mua, đảm bảo trách nhiệm của các chủ đầu tư.
Vì vậy, nữ đại biểu Phúc đề nghị Ban soạn thảo quan tâm bổ sung khoản 3 Điều 18 về thời hạn 50 ngày kể từ ngày bàn giao nhà ở, công trình xây dựng là các nội dung liên quan đến các loại hình như căn hộ du lịch, biệt thự du lịch, văn phòng kết hợp lưu trú, đảo đảm đồng bộ về trách nhiệm của chủ đầu tư trong các loại hình dự án bất động sản cũng giống như bảo đảm tính thống nhất với các điều khoản có liên quan của luật này.
Để góp phần hoàn chỉnh dự thảo luật, đại biểu Điểu Huỳnh Sang, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Phước đề nghị dự thảo luật cần tiếp tục rà soát các quy định nhằm đảm bảo thể chế hóa đầy đủ các chủ trương lớn của Đảng, đặc biệt là Nghị quyết 18 và Nghị quyết 11 để hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển và quản lý chặt chẽ thị trường bất động sản, quyền sử dụng đất; đảm bảo an toàn, ổn định, vận hành thông suốt cho thị trường bất động sản và các thị trường có liên quan như thị trường tiền tệ, tín dụng.
Ngoài ra, đại biểu Sang cũng nhấn mạnh luật này cần cơ cấu lại thị trường bất động sản, sử dụng nguồn lực tiết kiệm, hiệu quả; xây dựng hệ thống thông tin thị trường bất động sản gắn với thông tin đất đai; phát triển đô thị, các dự án bất động sản gắn với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất hợp lý; khắc phục tình trạng đầu cơ về đất đai, bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp và người dân, tăng cường thực hiện giao dịch không dùng tiền mặt trong giao dịch bất động sản…/.