Đại biểu Quốc hội: Cần tiến hành thêm nhiều giám sát độc lập

Theo báo cáo của Quốc hội, công tác giám sát trong nhiệm kỳ qua rất được chú trọng, nội dung giám sát có trọng tâm, trọng điểm, bao quát hầu hết các lĩnh vực.
Trong nhiệm kỳ qua, công tác giám sát được chú trọng, nâng cao hiệu quả. (Ảnh minh họa: TTXVN)

Đánh giá cao hoạt động giám sát của Quốc hội trong nhiệm kỳ vừa qua với nhiều phương thức và thực hiện sâu sát, các đại biểu Quốc hội có nhiều kiến nghị để nâng cao hơn nữa hiệu quả của hoạt động này trong nhiệm kỳ tới.

Chất lượng giám sát được nâng cao

Theo báo cáo của Quốc hội, trong nhiệm kỳ qua, công tác giám sát được chú trọng, nội dung giám sát có trọng tâm, trọng điểm, bao quát hầu hết các lĩnh vực, ngày càng nâng cao hiệu lực, hiệu quả, đạt được nhiều kết quả quan trọng, được cử tri và nhân dân đánh giá cao.

Việc xem xét báo cáo của các cơ quan được thực hiện hiệu quả, thảo luận kỹ lưỡng, có sự giám sát của cử tri, công khai, minh bạch, góp phần bảo đảm tổ chức và thực hiện đúng quy định của Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội. Giám sát chuyên đề tiếp tục đi vào chiều sâu, hiệu quả rõ nét với 7 chuyên đề liên quan mật thiết đến phát triển kinh tế-xã hội và đời sống của nhân dân; cách thức tiến hành được cải tiến, ngày càng bài bản, chuyên nghiệp.

Bên cạnh những kết quả đạt được, báo cáo nêu rõ hoạt động giám sát vẫn còn những hạn chế như hiệu quả giám sát việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật chưa cao, nhất là văn bản quy định chi tiết thi hành luật; một số nội dung chất vấn và trả lời chất vấn còn chưa tập trung vào vấn đề lớn liên quan đến thể chế, chính sách vĩ mô, trách nhiệm quản lý nhà nước của các bộ, ngành hoặc chưa đi vào trọng tâm, mới tập trung vào báo cáo thực trạng, chưa xác định rõ trách nhiệm cá nhân và giải pháp khắc phục. Một số yêu cầu tại các nghị quyết về giám sát chuyên đề, chất vấn, báo cáo giám sát của các cơ quan của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội chưa được triển khai nghiêm túc, việc theo dõi, đôn đốc thực hiện chưa thực sự quyết liệt...

Quốc hội xác định nguyên nhân hạn chế là do khối lượng công việc lớn, nhiều việc phát sinh, làm ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả hoạt động giám sát; một số nội dung có phạm vi rộng, tính chuyên sâu cao, trong khi thời gian, nguồn lực thực hiện còn hạn chế.

Đánh giá về hoạt động của Quốc hội nhiệm kỳ vừa qua, đại biểu Ngọ Duy Hiểu cho rằng Quốc hội đã nâng cao chất lượng giám sát, cụ thể là chất lượng chất vấn, khẳng định là cơ quan quyền lực cao nhất của nhà nước.

Đại biểu Nguyễn Thị Lan nhận định: Nhìn chung, các hoạt động giám sát của quốc hội đã dần đi vào chiều sâu, có hiệu quả cao, với nhiều hình thức phong phú, tạo được niềm tin trong nhân dân.

Kỳ họp thứ 11 của Quốc hội khóa XIV. (Ảnh: TTXVN)

Cùng quan điểm này, đại biểu Hoàng Văn Cường cho rằng Quốc hội đã thực hiện tốt vai trò giám sát với nhiều phương thức như giám sắt bằng chất vấn tại nghị trường, giám sát tối cao của Quốc hội, giám sát chuyên đề của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Giám sát phải độc lập, sát thực tế

Đánh giá cao những kết quả đạt được của Quốc hội trong công tác giám sát, các đại biểu cũng có nhiều đề xuất, kiến nghị để phát huy hơn nữa các kết quả đó đồng thời khắc phục những hạn chế trong công tác này.

Theo đại biểu Hoàng Văn Cường, hoạt động giám sát của các đoàn giám sát của Quốc hội chưa đủ thời gian, điều kiện để tiếp cận trực tiếp đối tượng tác động, chủ yếu nghe báo cáo qua tổng hợp văn bản. “Nếu đi độc lập đến kiểm tra thì sẽ hiệu quả hơn,” ông Cường nói.

[Kỳ họp thứ 11: Một nhiệm kỳ thành công dù không được trải hoa hồng]

Đại biểu Nguyễn Quốc Bình cho rằng cần xây dựng chương trình giám sát tối cao cụ thể, tăng cường giám sát cơ chế chính sách vì đây là tài nguyên trí tuệ rất quan trọng đối với bất kỳ nước nào. “Nếu như không thúc đẩy, để tăng cường, giám sát về chính sách thì không thúc đẩy các cơ quan ra chính sách mới đáp ứng sự phát triển,” đại biểu Nguyễn Quốc Bình nói.

Ông Bình cũng kiến nghị tăng cường thêm sự giám sát việc xử lý các vấn đề khiếu kiện của người dân trên tất cả các lĩnh vực, tránh khiếu kiện kéo dài, xử lý của chính quyền chưa đáp ứng được nên người dân vẫn tiếp tục khiếu kiện. Phải giám sát để chỉ ra những việc cần giải quyết triệt để để giải quyết ổn thỏa mong muốn của người dân, tránh khiếu kiện kéo dài mấy chục năm.

Về vấn đề vai trò giám sát thông qua hoạt động của từng đại biểu Quốc hội trên cương vị công tác của mình, đại biểu Thào Xuân Sùng cho rằng một số đại biểu chưa sâu sát, chưa nắm chắc tình hình mọi mặt của đất nước. Vì thế, một số đại biểu mang đến Quốc hội những suy nghĩ rất chủ quan mà vẫn phát biểu, làm việc tiếp thu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cơ quan Quốc hội, Chính phủ có những lúc phải cân nhắc rất nhiều. Điều này không giúp cho hoạch định quyết đoán của Quốc hội.

“Trong báo cáo, Quốc hội cần đánh giá sâu, quan tâm hơn đến vấn đề tăng cường, đổi mới hoạt động tiếp xúc cử tri của Quốc hội và đại biểu Quốc hội,” đại biểu Thào Xuân Sùng kiến nghị.

Quan tâm đến vấn đề hậu giám sát, đại biểu Nguyễn Thị Lan cho rằng hoạt động giám sát của Quốc hội trong thời gian qua đã làm tốt nhưng Quốc hội cần nghiên cứu vấn đề hậu giám sát với các số đo rõ ràng để tạo niềm tin của nhân dân với công tác giám sát của Quốc hội./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục