Chiều 12/11, chia sẻ bên lề Quốc hội về vấn đề nước sạch, nhiều đại biểu đề nghị Nhà nước cần có hành lang pháp lý, quản lý chặt chẽ hoạt động xã hội hóa đầu tư các công trình cấp nước sạch, đảm bảo chất lượng nước khi cấp cho người dân.
Đáng chú ý là, sự cố nước sạch sông Đà bị nhiễm dầu bẩn xảy ra vừa qua tuy không gây hậu quả quá nghiêm trọng nhưng cũng đủ để nhà chức trách "giật mình" và cần có những giải pháp cấp bách, cụ thể trong công tác quản lý, không để xảy ra sự cố tương tự.
Theo đại biểu Nguyễn Quốc Khánh (Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội), ở các nước phát triển có nền hành chính công minh bạch thường phân biệt rõ dịch vụ công và dịch vụ công ích. Theo đó, những dịch vụ công ích như cấp nước sạch, xử lý ô nhiễm môi trường, đều do nhà nước đứng ra để tập trung lo cho người dân.
Còn ở Việt Nam thì sao? Ông Khánh khẳng định ở Việt Nam không phân biệt đâu là dịch vụ công, đâu là dịch vụ công ích mà gộp chung lại nên mới xảy ra những bất cập trong hoạt động cấp nước sạch thời gian qua. Việc ô nhiễm nguồn nước ở Công ty Cổ phần đầu tư Nước sạch Sông Đà là một ví dụ điển hình.
Theo ông Khánh, việc xã hội hóa đầu tư các công trình cấp nước sạch là việc cần thiết trong điều kiện hiện nay, nhưng Nhà nước phải có hành lang pháp lý, quản lý chặt chẽ để đảm bảo chất lượng nguồn nước khi cấp ra cho người dân.
Ông Khánh cũng cho rằng khi đã xã hội hóa thì dù là nhà đầu tư trong hay ngoài nước đều được, quan trọng là hành lang pháp lý phải được nêu rõ trong hợp đồng để hai bên đảm bảo và chịu trách nhiệm về chất lượng nguồn nước cũng như những vấn đề bất cập nảy sinh trong quá trình cung cấp, đảm bảo an toàn.
[Sự cố nước sạch sông Đà, cháy Rạng Đông: Sao lời xin lỗi khó thế?]
Đồng tình với quan điểm trên, đại biểu Nguyễn Quang Tuấn (Đoàn thành phố Hà Nội) khẳng định an ninh nguồn nước hiện nay là việc rất quan trọng.
Vị đại biểu dẫn chứng sự cố ô nhiễm nguồn nước sạch của Công ty Cổ phần đầu tư nước sạch Sông Đà vừa qua được phát hiện do có mùi và có vị, nếu xảy ra những trường hợp chất ô nhiễm không màu, không mùi thì sẽ nguy hiểm thế nào?
Phân tích rộng hơn, ông Tuấn cho biết ở các nước phát triển, việc đảm bảo chất lượng nguồn nước sạch rất được quan tâm. Ví dụ như hồ cấp nước sạch ở Mỹ được bảo vệ rất nghiêm ngặt, một phần để tránh khủng bố.
Khẳng định việc xã hội hóa công tác đầu tư các công trình cung cấp nước sạch với mục đích thoái vốn doanh nghiệp nhà nước là chủ trương hoàn toàn đúng đắn, song đại biểu Trương Trọng Nghĩa (Đoàn Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh) cũng lưu ý đây là loại hình dịch vụ có liên quan đến đời sống của hàng triệu người dân ở các đô thị nên cần phải được Nhà nước quan tâm, quản lý chặt.
Theo ông Nghĩa, trên thế giới ở không ít nơi, nguồn nước được coi là mục tiêu quan trọng mà lực lượng khủng bố luôn hướng tới, những sự cố xảy ra thời gian qua cho thấy lỗ hổng rất lớn trong công tác quản lý nhà nước.
Do đó, đại biểu Trương Trọng Nghĩa cho rằng Thủ tướng Chính phủ nên cân nhắc tới việc xã hội hóa hoạt động đầu tư các công trình cấp nước, thoái vốn nhưng cần phải giữ lại quyền chi phối của cơ quan quản lý nhà nước.
“Đồng ý tư nhân hóa nhưng khi chuyển nhượng, sang tay phải có quy định, kiểm soát chặt chẽ tránh để việc cung cấp các mặt hàng thiết yếu rơi vào tay của các thế lực thù địch,” vị đại biểu nhấn mạnh.
Trước đó, trả lời chất vấn đại biểu Lưu Bình Nhưỡng về vấn đề nước sạch vào chiều 8/11, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, nói về vấn đề nước sạch, Thủ tướng yêu cầu các cấp, các ngành thực hiện đúng pháp luật về Luật Quản lý tài nguyên nước năm 2012 đã được Quốc hội thông qua.
Trong đó, phải làm tốt hơn nữa công tác quy hoạch và quản lý chặt chẽ, đảm bảo an ninh nguồn nước, an toàn cho người dân, tránh tình trạng như vừa qua./.