Ngày 2/11, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường, thảo luận về Kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020, kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2016, Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2017.
Bên lề nghị trường, đại biểu Trần Văn Mão (Đoàn Nghệ An) đã trao đổi với báo chí về vấn đề này.
- Thưa đại biểu, điều ông quan tâm nhất trong Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2016 và kế hoạch năm 2017 là gì?
Đại biểu Trần Văn Mão: Các đại biểu Quốc hội rất quan tâm tới việc đánh giá được thực trạng, nguyên nhân, kết quả đạt được trong năm 2016 thể hiện trên tất cả lĩnh vực kinh tế-xã hội của đất nước. Trên cơ sở đó tạo ra định hướng, giải pháp đột phá cho năm 2017.
Năm 2016, Chính phủ đã có nhiều nỗ lực để tạo ra những giải pháp cũng như thực hiện đồng bộ các giải pháp đó thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội. Tuy nhiên, tính đột phá và tính năng động, vào cuộc để thực hiện chưa có sự thống nhất, quyết liệt. Vì thế, một số chỉ tiêu cơ bản chưa đạt được như mong muốn của cử tri.
Trong các vấn đề tồn tại, vấn đề nợ công, đầu tư công, nợ xấu, nợ đọng thuế rất được các đại biểu quan tâm.
Luật đầu tư công ra đời có hiệu lực thi hành và sau một thời gian đã đáp ứng được yêu cầu là tạo ra sự công khai, minh bạch và cải cách thủ tục hành chính cũng như giải quyết vấn đề đầu tư trọng tâm trọng điểm, có hiệu quả hơn, tránh dàn trải. Tuy nhiên quá trình triển khai cũng bộc lộ bất cập, khó khăn đó chính là thủ tục hành chính chưa được cải thiện nhiều. Do đó, cần giải pháp có tính đột phá cho năm 2017 và những năm tiếp theo.
Trong khi đó, nợ xấu tiềm ẩn nhiều nguy cơ tác động trực tiếp tới gia tăng nợ công. Rất nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm vấn đề này và thực tế Chính phủ đã có những giải pháp. Song, đi vào thực tiễn giải quyết thì nợ xấu là vấn đề nan giải, cần có những nghiên cứu, điều chỉnh để có các giải pháp tốt hơn trong thời gian tới.
Về nợ đọng thuế, có thể nói nhìn cấu trúc chung của toàn quốc, từ cơ sở, tỉnh thành, bộ ngành Trung ương, các đơn vị, đối tượng chịu thuế, cơ quan thuế đã có sự thống nhất vào cuộc và triển khai thực hiện đồng bộ, đúng quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, các hoạt động liên quan tới việc kê khai, thực hiện tốt vai trò trách nhiệm theo quy định về nghĩa vụ nộp thuế vẫn còn một số tồn tại. Nhiều doanh nghiệp, đối tượng nộp thuế cố tình chây ì, lợi dụng kẽ hở của pháp luật… dẫn đến tình trạng nợ đọng thuế khá cao, lên tới hàng chục nghìn tỷ đồng. Và, nếu chúng ta có những giải pháp quyết liệt thì có thể giải quyết vấn đề này, tăng thu cho ngân sách, tránh được những tình trạng nợ công cũng như các vấn đề liên quan tới chỉ tiêu kinh tế-xã hội.
- Nhiều ý kiến cho rằng, về hụt nguồn thu cho ngân sách nhà nước có liên quan nhiều tới các cơ sở sản xuất, kinh doanh chưa xuất hóa đơn trong khi người dân chưa hiểu biết đầy đủ về quyền lợi của mình trong vấn đề này. Ông nhận định thế nào về việc này?
Đại biểu Trần Văn Mão: Vấn đề thực hiện các quyền và nghĩa vụ về nộp thuế cũng như hoạt động sản xuất kinh doanh thì hệ thống pháp luật của nhà nước ta có quy định đồng bộ. Tuy nhiên việc triển khai thực hiện ở một số nơi chưa đáp ứng được yêu cầu, chưa đúng tinh thần quy định đó.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến vấn đề này. Một trong số đó là công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt, tập huấn triển khai thực hiện trong các đối tượng (người dân và đối tượng nộp thuế) chưa nhiều. Bên cạnh đó, phương pháp, cách làm chưa được triển khai đồng bộ, phong phú, đa dạng nên dẫn đến hạn chế trong quá trình triển khai thực hiện.
Thực tế đa phần người dân, người thuộc đối tượng điều chỉnh của các cơ chế chính sách còn tự tìm hiểu, nghiên cứu, triển khai thực hiện nên không nắm hết thông tin có liên quan tới lợi ích, nghĩa vụ của mình để khai thác và triển khai thực hiện có hiệu quả. Và, điều này đã ảnh hưởng tới các chỉ tiêu về kinh tế-xã hội và các vấn đề liên quan tới hụt thu, chỉ tiêu kinh tế…
- Một trong những vấn đề được quan tâm chính là tình hình thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Thực tế cho thấy, thời gian vừa qua chương trình này được đánh giá khá cao, song cũng còn nhiều bất cập. Theo ông, đâu là hạn chế của chương trình?
Đại biểu: Trần Văn Mão: Thực tế trong những năm qua, việc triển khai chương trình đã đem lại hiệu quả nhất định như tác động trực tiếp tới đời sống kinh tế xã hội của nông dân-một bộ phận chiếm đa số dân số nước ta. Bộ mặt nông thôn được đổi mới, cơ sở hạ tầng tốt, điện, đường, trường, trạm, văn minh đã về nông thôn. Việc chuyển dịch cơ cấu, tái cơ cấu nông nghiệp nông thôn được thực hiện khá đồng bộ. Điều này khẳng định chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước đã đi vào cuộc sống.
Tuy nhiên, trong giai đoạn 2010-2015, theo báo cáo giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thì chương trình còn bộc lộ những điểm bất cập, hạn chế. Thứ nhất là việc đặt ra các tiêu chí, hệ thống cơ chế chính sách, pháp luật về vấn đề này chưa đồng bộ, chưa phù hợp thực tiễn các vùng miền các địa phương, vùng đặc thù, các dân tộc khác nhau…
Thứ hai là vấn đề phân bổ vốn trái phiếu Chính phủ cho Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Có thể nói rằng Chính phủ đã có giải pháp, cách thức công khai minh bạch trong phân bổ nhưng đối với các đối tượng, vùng miền đặc thù chưa đảm bảo về tính bình đẳng, dẫn đến trong quá trình thực hiện cũng ảnh hưởng chất lượng chương trình nông thôn mới ở các vùng miền khác nhau.
Thứ ba là việc các cấp ủy, chính quyền một số nơi chưa vào cuộc quyết liệt, còn mang tính ép buộc về thời gian, chịu nhiều áp lực về chỉ tiêu thi đua. Do đó, trong quá trình triển khai có nơi còn chạy theo hình thức và các tiêu chí thi đua, chưa đi vào thực chất.
Thứ tư là việc huy động quá sức dân và đây là vấn đề mà cử tri cả nước nói chung, cử tri ở các địa phương xây dựng nông thôn mới có đặt vấn đề.
Do việc triển khai nông thôn mới chạy theo thành tích, chỉ tiêu nên một số nơi huy động sức đóng góp của người dân vượt khỏi khả năng chịu đựng của họ khiến người dân chưa đồng tình. Điều này dẫn đến nợ đọng trong xây dựng nông thôn mới còn cao. Theo báo cáo giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, chúng ta còn nợ 15.277 tỷ đồng trong phạm vi cả nước.
Đây là vấn đề cần phải có giải pháp để năm 2017 và giai đoạn tới năm 2020 điều chỉnh đồng bộ từ hệ thống cơ chế chính sách cho tới các giải pháp cụ thể để được các kết quả mong muốn.
- Xin cảm ơn đại biểu./.