Đại biểu Quốc hội: Bội chi không quan trọng, vấn đề là chi mục đích gì

Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường cho rằng, bội chi tăng thêm thời gian tới chưa phải điều quan trọng, vấn đề là chi vào đâu, chi vào cái gì cho hiệu quả.
Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) nhấn mạnh, chi cho đầu tư phát triển thời gian tới có thể sẽ làm cho bội chi tăng thêm. Tuy nhiên, bội chi tăng thêm, theo ông chưa phải điều quan trọng, vấn đề là chi vào đâu, chi vào cái gì cho hiệu quả.

Phóng viên VietnamPlus đã có buổi trò chuyện với đại biểu Hoàng Văn Cường bên lề kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa 14.

[Thu từ xổ số, nhà đất góp công lớn vào tiến độ thu ngân sách 9 tháng]

- Thưa ông, ông đánh giá thế nào về việc bội chi ngân sách những tháng vừa qua và cả năm 2017?


Đại biểu Hoàng Văn Cường:
Rõ ràng bội chi ngân sách Nhà nước giữ được trong giới hạn mức mà Quốc hội đã phê duyệt. Đây là điều đáng mừng, chúng ta đã có những biện pháp để tiết kiệm chi, chúng ta đã có biện pháp để đẩy tăng trưởng lên để cùng khối lượng chi đó nhưng không tăng lên tỷ trọng như mọi năm.

Hơn nữa, việc chúng ta tiết kiệm bội chi này có nghĩa là chúng ta tiết kiệm chi thường xuyên và trong tương lai chúng ta sẽ có cơ hội nhiều hơn trong việc tăng chi cho đầu tư phát triển.

- Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng việc giảm bội chi ngân sách nhà nước chẳng qua chúng ta đang thực hiện theo Luật ngân sách nhà nước mới, đó là không tính một số khoản nợ phải trả vào bội chi hoặc giải ngân vốn ODA chậm?


Đại biểu Hoàng Văn Cường:
Giải ngân vốn ODA chậm chúng ta biết là chậm trong 3 quý đầu năm mà thôi còn đến cuối năm chúng ta đều dự toán năm nay sẽ đạt khoảng 90% vốn ODA và cũng không khác gì nhiều so với các năm trước. Cho nên chậm là chậm trong các quý còn tổng chi phí của nó không thay đổi nhiều. Tôi cho rằng đấy không phải là vấn đề khiến tiết kiệm chi nhiều.

Còn với một số khoản nợ, từ trước đến nay chúng ta đều tính phân chia trả nợ, chi trả nợ không nằm trong chi thường xuyên mà là chi riêng.

Đấy là hậu quả của việc chúng ta vay tiền từ nhiều năm trước đây nên chúng ta tách phần chi trả nợ ra, cái đấy không ảnh hưởng đến việc vậy chúng ta tiết kiệm chi thường xuyên hay quản lý tốt chi thương xuyên hay chưa.

Bởi vì khi chúng ta phải trả nợ thì bằng giá nào đi chăng nữa chúng ta vẫn phải chi và phần trả nợ là cái chúng ta không thể thay đổi được, không thể nói chúng ta tiết kiệm cho khoản này được mà vấn đề này chúng ta đã cam kết với các nhà cho vay từ trước.

- Ngoài các vấn đề trên, theo ông còn những yếu tố nào đã giúp giảm bội chi trong năm qua?

Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội). (Ảnh: PV/Vietnam+)

Đại biểu Hoàng Văn Cường: Theo tôi vấn đề giảm bội chi năm vừa rồi có 2 yếu tố mà chúng ta đã đạt được.

Thứ nhất là chúng ta đã tiết kiệm và quản lý chặt chẽ hơn ngân sách Nhà nước và thứ hai là chúng ta đã hạn chế được các khoản chi bất thường. Cho nên Chính phủ đang dự kiến có thể dành được cả 5% phần chi phí dự phòng không dùng đến.

Thực tế, chúng ta không để xảy ra quá nhiều khoản chi bất thường trừ trường hợp quý 4 vừa qua chúng ta đã xảy ra thiên tai thì phải lấy khoản dự phòng chi cho các khoản đó.

Nhưng tôi cho rằng, đạt được kết quả trên là nhờ chúng ta quản lý chặt chẽ hơn trong việc chi ngân sách Nhà nước và tiếp đến là chúng ta tránh được các khoản chi bất thường. Điều này đã làm giảm bội chi.

- Theo dự báo của ông, bội chi các năm tiếp theo sẽ như thế nào và theo ông, Quốc hội cần giám sát như thế nào để bội chi được giữ vững và đạt được mục tiêu đề ra?


Đại biểu Hoàng Văn Cường:
Tôi cho rằng bội chi không phải là vấn đề quan trọng mà vấn đề chi đó nhằm mục đích gì.

Hiện đất nước ta đang nằm trong giai đoạn cần thiết đầu tư phát triển thì chắc chắn nhu cầu chi cho đầu tư phát triển sẽ rất nhiều. Chi cho đầu tư phát triển có thể sẽ làm cho phần bội chi tăng thêm nhưng cái quan trọng là chúng ta phải tiết kiệm chi thường xuyên để làm sao chi thường xuyên giảm xuống và chi đầu tư tăng thêm.

Trong trường hợp này thì chúng ta có thể bội chi nhiều hơn những cũng không ảnh hưởng gì.

Điểm quan trọng khác theo tôi là việc chi cho đầu tư phát triển phải đảm bảo hiệu quả, quản lý hiệu quả và đầu tư vào lĩnh vực nào cũng phải mang lại hiệu quả.

Rõ ràng khi đầu tư hiệu quả thì chi đầu tư phát triển của chúng ta nhiều nhưng trong thời gian ngắn sau đấy sẽ mang lại đóng góp, do vậy chúng ta đừng nên đặt vấn đề cứ phải tiết kiệm chi.

Nếu không chi, chúng ta sẽ không đạt được mục tiêu phát triển. Vấn đề là chi vào đâu, chi vào cái gì cho hiệu quả.

- Thế nhưng trong các báo cáo của Quốc hội, việc giải ngân đầu tư hiện nay đang rất chậm và nhiều đại biểu rất băn khoăn, theo ông thì nên làm gì?

Đại biểu Hoàng Văn Cường: Việc giải ngân vốn đầu tư chậm hiện nay có hai yếu tố, nguyên nhân là những vướng mắc trong luật đầu tư công.

Tôi cho rằng tất nhiên luật đầu tư công có những vướng mắc cần điều chỉnh nhưng cái nhiều hơn lại không nằm ở Luật Đầu tư công mà nằm ở chính thủ tục hành chính và phương thức điều hành chi đó từ trước đến nay chưa đi vào nề nếp.

Thi hành Luật Đầu tư công đòi hỏi phải làm rất bài bản, làm chặt chẽ, chính vì đòi hỏi của Luật đầu tư công chặt chẽ hơn, bài bản hơn thì chuẩn bị phải kỹ hơn nên điều đó sẽ làm cho việc giải ngân chậm lại.

Như vậy, rõ ràng chúng ta phải thay đổi lại phương thức quản lý và phương thức điều hành chứ không hoàn toàn do luật.

Tôi cho rằng sau thời gian thi hành Luật Đầu tư công đó, tôi tin chắc các địa phương sẽ quen dần và chúng ta sẽ điều chỉnh được việc đó.

- Xin cảm ơn ông./.

Báo cáo 9 tháng của Bộ Tài chính cho thấy, trong khi tổng thu ngân sách 9 tháng đạt khoảng 843.000 tỷ đồng thì chi ngân sách là 904.600 tỷ đồng. Đến hết tháng 9/2017, bội chi ngân sách Trung ương khoảng 69% dự toán năm.
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục