Đại biểu Quốc hội băn khoăn việc phạm nhân lao động ngoài trại giam

Những quy định của dự thảo Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi) về tổ chức cho phạm nhân lao động ngoài trại giam tiếp tục nhận được nhiều ý kiến góp ý của các đại biểu Quốc hội.
Phạm nhân phân trại số 1, Trại giam Ninh Khánh (Ninh Bình) trong giờ lao động. (Ảnh: Ninh Đức Phương/TTXVN)
Phạm nhân phân trại số 1, Trại giam Ninh Khánh (Ninh Bình) trong giờ lao động. (Ảnh: Ninh Đức Phương/TTXVN)

Chiều 22/5, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi). Trong đó, những quy định của dự thảo về tổ chức cho phạm nhân lao động ngoài trại giam tiếp tục nhận được nhiều ý kiến góp ý của các đại biểu Quốc hội.

Còn nhiều ý kiến về việc tổ chức cho phạm nhân lao động ngoài trại giam

Đa số ý kiến đại biểu tán thành việc dự thảo Luật bổ sung quy định cho phép trại giam phối hợp với doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân để tổ chức cho phạm nhân lao động và có thể tổ chức khu sản xuất, điểm lao động ngoài trại giam, đồng thời cần quy định chặt chẽ các điều kiện để đưa phạm nhân ra lao động ngoài trại giam.

Một số ý kiến cho rằng, việc tổ chức khu sản xuất, điểm lao động ngoài trại giam sẽ phát sinh nhiều vấn đề phức tạp, không bảo đảm tính nghiêm minh của bản án, gây tâm lý lo lắng cho nhân dân ở khu vực phạm nhân lao động, dễ xảy ra tình trạng phạm nhân mang vật cấm vào trại giam và nguy cơ phạm nhân trốn.

Đại biểu Trần Văn Mão (Nghệ An) cơ bản đồng tình, nhất trí đối với các quy định của dự thảo luật về quy định trại giam phối hợp với doanh nghiệp, cá nhân tổ chức cho phạm nhân lao động ở ngoài trại giam.

[Bảo đảm tính khả thi đối với dự án Luật Thi hành án hình sự sửa đổi]

Theo đại biểu Mão, dự thảo quy định thể hiện sự đổi mới trong cải tạo phạm nhân tại các trại giam, tạo điều kiện cho phạm nhân tham gia lao động phù hợp với điều kiện thực tế và khả năng cho phép của tổ chức giam giữ. Bên cạnh đó, quy định nhằm đảm bảo giảm gánh nặng ngân sách Nhà nước cho việc cải tạo phạm nhân; kinh phí để tu sửa, cải tạo cơ sở vật chất, nơi giam giữ; giúp phạm nhân hòa nhập, hướng thiện, chấp hành án tốt, sớm trở về với gia đình.

Bên cạnh đó, đại biểu Trần Văn Mão cũng đồng quan điểm với nhiều đại biểu khác, trong đó còn việc tổ chức khu sản xuất, điểm lao động ngoài trại giam sẽ phát sinh nhiều vấn đề phức tạp, chưa khả thi.

"Tôi vẫn có những băn khoăn về tính khả thi, cũng như khả năng phát sinh nhiều bất ổn trong công tác giáo dục phạm nhân khi tổ chức cho phạm nhân lao động ngoài trại giam. Trước hết, thi hành án tù là phải đảm bảo tính nghiêm khắc của hình phạt, trừng trị và giáo dục người phạm tội. Để thực thi trên thực tế, việc giáo dục phạm nhân thông qua nhiều hình thức, trong đó tổ chức lao động là hình thức cần thiết. Như vậy tổ chức lao động của phạm nhân là một hình thức cải tạo, chứ không phải để phục vụ đời sống của phạm nhân.

Thứ hai, việc đảm bảo an toàn, an ninh vẫn còn những tồn tại kéo dài trong công tác thi hành án hình phạt tù tại các cơ sở giam giữ hiện nay. Khi tổ chức cho phạm nhân lao động ở ngoài trại giam thì phải đảm bảo an ninh, trật tự, phòng ngừa phạm nhân mang các vật cấm, thậm chí điện thoại di động và các vi phạm khác. Vấn đề này là hết sức cần thiết" - đại biểu Trần Văn Mão nêu ý kiến.

Cùng quan điểm, đại biểu Lý Tiết Hạnh (Bình Định) đồng tình với dự thảo quy định trên để tạo điều kiện cho phạm nhân tái hòa nhập cộng đồng, tuy nhiên đại biểu còn băn khoăn như cơ sở pháp lý về việc đưa phạm nhân ra lao động ngoài trại giam thì đã đầy đủ chưa, đồng thời nhấn mạnh đây là vấn đề rất quan trọng.

Theo đại biểu Hạnh, ngay trong báo cáo của Bộ Công an thì việc liên kết, liên doanh với doanh nghiệp chưa được luật hóa, do đó sẽ phát sinh rất nhiều khó khăn trong quá trình thực thi. Đại biểu cho rằng đây là vấn đề phải xem xét hết sức kỹ lưỡng.

Ngoài ra, đại biểu dẫn báo cáo của Bộ Công an, việc tổ chức cho phạm nhân lao động ở ngoài trại giam chủ yếu hiện nay là lao động chân tay, ở nhiều phần việc có nguy cơ về tai nạn lao động... Theo đó, đại biểu cho rằng phải quy định chặt chẽ như đảm bảo tính hiệu quả thì phải có sự ràng buộc chặt chẽ, quy định rõ trách nhiệm của người lao động; đồng thời phải quy định rõ trách nhiệm của người quản lý, người sử dụng lao động để đảm bảo hiệu quả và tránh sự lạm dụng.

Bên cạnh đó, nhiều đại biểu cho rằng, quy định về tổ chức cho phạm nhân lao động ngoài trại giam cần phù hợp với Hiến pháp 2013, Bộ luật Lao động, Bộ luật Hình sự, các luật khác có liên quan, cùng với các điều ước quốc tế về nhân quyền, lao động...

Quy định chặt chẽ về thi hành án hình sự đối với pháp nhân thương mại

Cũng tại hội trường, các nội dung chủ yếu được thảo luận liên quan đến dự thảo Luật về nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của trại giam; về quyền, nghĩa vụ của phạm nhân; về thi hành án hình sự đối với pháp nhân thương mại...

Về thi hành án hình sự đối với pháp nhân thương mại, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, thi hành án hình sự đối với pháp nhân thương mại là vấn đề mới, chưa có thực tiễn ở Việt Nam. Sau khi cân nhắc kỹ, các cơ quan thống nhất nên giao cho cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh, cấp quân khu chịu trách nhiệm chính tổ chức thi hành án là phù hợp với bản chất hoạt động thi hành án đối với pháp nhân thương mại là hoạt động tư pháp.

Đại biểu Quốc hội băn khoăn việc phạm nhân lao động ngoài trại giam ảnh 1Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi). (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)

Theo phương án này sẽ bảo đảm sự tập trung, thống nhất về đầu mối quản lý Nhà nước cũng như tổ chức thực hiện trong lĩnh vực này; kế thừa và phát huy kinh nghiệm về thi hành các hình phạt đối với cá nhân theo Luật hiện hành có tính chất tương tự (các hình phạt bổ sung đối với cá nhân “cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định” có tính chất tương tự hình phạt “cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định” đối với pháp nhân thương mại).

Theo phương án này thì cơ bản không làm tăng biên chế, bộ máy, ngân sách Nhà nước.

Ngoài những nội dung trên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Ủy ban Tư pháp và các cơ quan liên quan nghiên cứu, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, rà soát toàn bộ dự thảo Luật để chỉnh lý nhiều điều, khoản cụ thể khác cả về nội dung và kỹ thuật lập pháp./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục