Đại biểu quan tâm vấn đề gì ở phiên chất vấn thành viên Chính phủ?

Bên lề Quốc hội, một số đại biểu đã có những chia sẻ của mình xung quanh vấn đề thủy sản, giả nhãn mác tinh giản biên chế, điều chỉnh giá điện…
Đại biểu quan tâm vấn đề gì ở phiên chất vấn thành viên Chính phủ? ảnh 1Đại biểu Quốc hội Thái Trường Giang trả lời báo chế bên hành lang Quốc hội. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Từ ngày 6-8/11, các đại biểu Quốc hội sẽ chất vấn 4 Bộ trưởng là ông Nguyễn Xuân Cường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn; ông Trần Tuấn Anh Bộ trưởng Bộ Công thương; ông Lê Vĩnh Tân, Bộ trưởng Bộ Nội vụ; ông Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông.

Bên lề Quốc hội, một số đại biểu đã có những chia sẻ những quan tâm của mình trong các phiên chất vấn này…

Đại biểu Thái Trường Giang (đoàn Cà Mau): Cần xử lý triệt để vấn nạn giả nhãn mác

Tại phiên chất vấn kỳ này tôi quan tâm đến vấn đề thủy sản xuất khẩu ra nước ngoài, mặc dù Chính phủ cũng quy định rất chặt chẽ và tăng mức phạt, thậm chí mức phạt lên đến 1 tỷ đồng, tịch thu phương tiện..., tuy nhiên nhiều ngư dân vẫn vi phạm quy định.

Sắp tới Liên minh châu Âu sang Việt Nam kiểm tra lại, nếu chất lượng không đạt thì một số mặt hàng thủy sản sẽ khó có thể thâm nhập được vào thị trường này. Đây là một nguy cơ đối với các mặt hàng thủy sản của Việt Nam, trong khi đó hiện khai thác thủy sản chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu của ngành nông nghiệp.

Một vấn đề nữa tôi quan tâm là hàng giả, hàng nhái, gian lận thương mại. Hiện nay đã có trường hợp do chiến tranh thương mại Mỹ - Trung nên một số mặt hàng của Trung Quốc xuất sang Mỹ bị đánh thuế cao. Điều này dẫn đến việc có trường hợp chuyển hàng hóa qua Việt Nam để làm giả nhãn mác từ đó xuất qua Mỹ với mức thuế thấp hơn. Nếu chúng ta quản lý không tốt thì một số mặt hàng của Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng. Trong trường hợp Mỹ áp thuế cao hơn nữa thì sẽ rất nghiêm trọng tới xuất khẩu của Việt Nam, đặc biệt là mặt hàng gỗ.

Vừa qua, Tổng cục Hải quan chủ trì phối hợp với các ngành chức năng ngăn chặn thành công lô hàng nguyên liệu nhôm 1,8 triệu tấn trị giá 4,3 tỷ USD của một công ty tại Bà Rịa-Vũng Tàu. Thực chất lô hàng này là của Công ty trách nhiệm hữu hạn Nhôm Toàn Cầu (Trung Quốc) giả mạo xuất xứ Việt Nam để chờ xuất sang Mỹ.

Đây là 2 vấn đề tôi rất quan tâm và sẽ chất vấn 2 bộ trưởng là Bộ Công thương và Bộ Nông nghiệp.

Đại biểu Bùi Văn Phương (đoàn Ninh Bình): Tinh giản biên chế vẫn cơ học

Tôi quan tâm đến việc sắp xếp lại tổ chức bộ máy và tinh giản biên chế và sẽ chất vấn Bộ trưởng Bộ Nội vụ. Qua theo dõi thời gian qua về thực hiện Nghị quyết của Trung ương, tôi thấy việc thực hiện không đồng đều.

Thực tế, chủ trương, nghị quyết đã có nhưng việc thực hiện chưa đồng bộ, không thống nhất giữa các địa phương. Tình trạng tinh giản biên chế còn theo mô hình cơ học, sáp nhập chưa khoa học, không căn cứ vào yêu cầu về quản lý, về việc thực hiện nhiệm vụ của từng bộ ngành, địa phương, vì thế nên nơi thừa vẫn cứ thừa, nơi thiếu vẫn cứ thiếu...

Đại biểu quan tâm vấn đề gì ở phiên chất vấn thành viên Chính phủ? ảnh 2Đại biểu Bùi Văn Phương trả lời báo chí bên hành lang Quốc hội. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Tôi nghĩ là đây là chuyện phải tập trung thực hiện một cách bài bản, đúng tinh thần tinh giản biên chế là giảm những người cần giảm, giảm những tổ chức cần giảm chứ không thể giảm một cách "dàn hàng ngang mà tiến."

Ngoài ra, tôi cũng quan tâm đến vấn đề xem xét trách nhiệm của địa phương trong việc để xảy ra những sai phạm mà dư luận, báo chí quan tâm. Chẳng hạn như vừa qua xảy ra một số vụ việc về đề bạt, luân chuyển cán bộ... gây bức xúc dư luận.

Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp): Cần quy hoạch lại ngành điện

Tôi quan tâm về công tác quản lý, điều tiết điện lực, thực hiện quy hoạch phát triển điện lực, quy hoạch năng lượng mới và năng lượng tái tạo…

Tại kỳ họp thứ 7 tôi đã đưa ra vấn đền này, sau đó Bộ Công Thương, Tập đoàn EVN cũng đã giải thích, giải trình. Về cơ bản, người dân chia sẻ việc tăng giá điện, vì giá điện tại một số nơi ở Việt Nam vẫn còn được bao cấp. Tuy nhiên, giá điện tiêu dùng được chia theo bậc thang cần có sự điều chỉnh lại. Tôi lấy ví dụ, bậc đầu tiên nên điều chỉnh từ 0-100 kwh thay vì 50 kwh. Còn từ 100 kwh trở lên không phản ứng nhiều. Người dân cũng phản ánh việc tiêu thụ điện năng hiện này vẫn còn nhiều bất cập.

Về giá điện, theo tôi thay từ 6 bậc xuống 4 bậc, các bậc còn lại vẫn duy trì như cũ. Về quy hoạch điện lực, nhiều ý kiến không hài lòng vì ngành này hiện vẫn đang độc quyền. Do đó, ngành này cần sớm được xã hội hóa, doanh nghiệp nào có đề án, dự án thấy có tính khả thi, được các cấp chính quyền phê duyệt thì cho phát huy để xã hội hóa và tạo điều kiện để được hòa vào lưới điện quốc gia với mục đích cao nhất là người dân được dùng điện với giá hợp lý, thân thiện môi trường.

Theo báo cáo của Bộ Công Thương, quy hoạch và tổ chức thực hiện thời gian tới sẽ giảm dần sử dụng bằng nhiệt điện, điều này theo tôi là phù hợp. Đối với những nhà máy thủy điện nhỏ gây ảnh hưởng đến môi trường, cuộc sống của người dân vùng dân tộc, miền núi như gây sạt lở, mất diện tích rừng do làm thủy điện thì cũng cần phải xem xét lại, không nên quy hoạch đại trà.

Tất nhiên, việc làm các nhà máy thủy điện nhỏ sẽ có lợi cho người dân vùng sâu, vùng xa. Nhưng điểm bất lợi là mất rừng, gây ra lũ ống, lũ quét… Còn về quy hoạch điện mặt trời, điện gió theo tôi nên khuyến khích phát triển vì thân thiện môi trường./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục