Sáng 24/5, các đại biểu quốc hội thảo luận ở hội trường về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022. Trong số đó, nhiều ý kiến đại biểu đưa ra xung quanh Luật Khám chữa bệnh (sửa đổi) Luật Bảo hiểm y tế (sửa đổi)...
Đề nghị sớm thảo luận, thông qua nhiều luật về y tế
Đại biểu Nguyễn Anh Trí - Đoàn đại biểu thành phố Hà Nội cho hay ông rất thống nhất với báo cáo của Ủy ban Pháp luật, nhưng hiện nay các dự án luật của y tế, dự án liên quan đến sức khỏe rất ít ỏi và rất chậm.
[Bộ Y tế đề nghị thanh toán các dịch vụ kỹ thuật bằng máy đặt, máy mượn]
Theo ông Trí, sự phát triển của xã hội đã khiến thay đổi rất nhiều vấn đề. Ngành y tế đang có rất nhiều thay đổi từ khâu tổ chức, nhân sự, về vấn đề vật tư trang thiết bị thuốc men, công tác khám chữa bệnh thanh toán…
“Đợt chống dịch gần 3 năm vừa qua cả nước đã rất cố gắng, ai cũng thấy được ngành y tế đã rất vất vả, gồng mình trong dịch, nhưng hiện nay rất nhiều sai sót. Đây là sự thật và đang được tiếp tục tìm hiểu thêm, điều tra thêm để xử lý liên tục từ Bộ Y tế cho đến các sở, đến các bệnh viện, các cá nhân. Tôi đau lòng, chia sẻ và tự hỏi vì sao lại như vậy?,” đại biểu Nguyễn Anh Trí tỏ lòng.
Đại biểu Trí phân tích, trong nhiều lý do thì có một lý do rất cơ bản là do luật pháp đã không theo kịp thực tiễn, không hoàn chỉnh, không bao phủ để bảo vệ, để ngăn ngừa tất cả những việc đó cho cán bộ y tế.
Gần đây nhất là câu chuyện bảo hiểm y tế quyết định không cho thanh toán đối với các dịch vụ làm trên máy đặt và máy mượn và gây “hoảng loạn” trong ngành y tế.
Ông Trí dẫn chứng: “Những máy mua theo ngân sách khi đấu thầu không dùng hóa chất, không biết cán bộ y tế sẽ làm như thế nào? Không biết Quốc hội có cách gì để tháo gỡ cho y tế không? Máy đặt, máy mượn tốt như vậy, đấu thầu hóa chất sinh phẩm giá rẻ, đến nay tự nhiên không cho thanh toán bảo hiểm y tế, vì vậy gây chao đảo tại nhiều các bệnh viện. Rất may sau đó đã có sự can thiệp và đến nay về cơ bản Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đã cho thanh toán. Nhưng đó cũng chỉ là 1 giải pháp mang tính tình huống rất thiếu căn cơ, bài bản.”
Bởi thế, Đại biểu Nguyễn Anh Trí mong Quốc hội sớm hoàn thành và đưa ra thảo luận, thông qua Luật Khám chữa bệnh (sửa đổi), Luật Bảo hiểm y tế (sửa đổi) và Luật Hiến, ghép mô tạng (sửa đổi).
Luật mới cần thúc đẩy huy động các nguồn lực
Phát biểu ý kiến liên quan tới lĩnh vực y tế, sức khoẻ, đại biểu Trần Khánh Thu - Thái Bình cho hay Luật Bảo hiểm y tế số 25 được sửa đổi, bổ sung một số điều tại Luật Bảo hiểm Y tế số 46 năm 2014 đã đánh dấu một bước tiến quan trọng trong hệ thống pháp luật về bảo hiểm y tế, là cơ sở pháp lý cao nhất để thể chế hóa quan điểm, định hướng của Đảng và Nhà nước về phát triển bảo hiểm y tế, thực hiện mục tiêu bảo hiểm y tế toàn dân.
Theo đại biểu Thu, sau khi Luật Bảo hiểm y tế thực sự đi vào cuộc sống, khẳng định tính đúng đắn, tính phù hợp trong lựa chọn chính sách tài chính, y tế thông qua bảo hiểm y tế, một trong những chính sách an sinh xã hội, nhân đạo, ưu việt của Đảng và Nhà nước Việt Nam.
Công tác quản lý nhà nước về bảo hiểm y tế ngày càng được tăng cường, công tác tuyên truyền bảo hiểm y tế đã đi vào chiều sâu, đổi mới về hình thức và đã huy động được sự tham gia của cả hệ thống chính trị. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện đã nảy sinh một số vướng mắc, bất cập và để kịp thời đáp ứng với tình hình thực tế cũng như đảm bảo quyền lợi của người tham gia bảo hiểm y tế.
Ngày 13/6/2014, Quốc hội đã ban hành Luật số 46 để sửa đổi một số điều của Luật Bảo hiểm y tế năm 2008. Đây là một bước tiến quan trọng trong quá trình xây dựng, điều chỉnh, hoàn thiện chính sách pháp luật về bảo hiểm y tế và tác động quan trọng đến quá trình tổ chức thực hiện chính sách bảo hiểm y tế. Việc lựa chọn các phương thức thanh toán phù hợp đối với khám chữa bệnh, bảo hiểm y tế mới, thanh toán định xuất, thanh toán nhóm chẩn đoán giúp các cơ sở y tế chủ động hơn trong điều chỉnh kinh phí, nâng cao trách nhiệm của các bên liên quan trong quản lý sử dụng hiệu quả nguồn kinh phí bảo hiểm y tế. Quỹ bảo hiểm y tế được trở thành nguồn tài chính cơ bản phục vụ cho hoạt động của các cơ sở y tế.
“Tuy nhiên một số nội dung trong luật chưa cụ thể, cũng không rõ ràng, có sự mâu thuẫn trong nội tại văn bản luật. Trong khi đó Luật Bảo hiểm y tế vẫn còn có các quy định về phạm vi, quyền lợi cũng như mức bảo hiểm y tế chưa đồng nhất,” đại biểu Trần Khánh Thu cho hay.
Để khắc phục được các tồn tại, bất hợp lý đồng thời cụ thể hóa một số chính sách trên cơ sở có kế thừa, chọn lọc những quyết định hiện hành đang phát huy trong thực tiễn phù hợp với điều kiện kinh tế-xã hội nước ta tạo hành lang pháp lý thuận lợi trong điều chỉnh hoàn thiện các chính sách pháp luật về bảo hiểm y tế phù hợp với các quy định tại các luật có liên quan sẽ được sửa đổi trong thời gian tới như Luật Khám bệnh, chữa bệnh, Luật Giá.
Việc sửa đổi để đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật, bảo đảm an sinh xã hội, bảo đảm quyền lợi của người tham gia bảo hiểm y tế. Giảm tỷ lệ chi trực tiếp từ người sử dụng các dịch vụ y tế.
Theo đại biểu Thu, Luật mới ban hành cần chú trọng hỗ trợ phát triển y tế, thúc đẩy huy động các nguồn lực, tạo tiền đề xã hội hóa y tế nhằm đảm bảo công bằng cho y tế tư nhân, tiếp cận với nguồn khám chữa bệnh, bảo hiểm y tế. Hướng tới chăm sóc sức khỏe người dân được tốt nhất và đa dạng nhất.
“Tôi kiến nghị với các cơ quan soạn thảo sớm hoàn thiện hồ sơ dự án Luật Bảo hiểm y tế (sửa đổi) theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật để đủ điều kiện bổ sung vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2013,” đại biểu Trần Khánh Thu nêu rõ./.