Theo chương trình kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, ngày 25/5, Quốc hội thảo luận ở tổ nhằm đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước; phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2020 và công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2021. Trong số đó, vấn đề chứng khoán, trái phiếu và giá xăng tăng... được nhiều đại biểu đặc biệt quan tâm.
Tạo điều kiện để thị trường vốn phát triển
Đại biểu Nguyễn Ngọc Bảo (đoàn Bắc Ninh) cho biết việc phát triển thị trường chứng khoán, trái phiếu, bất động sản được đánh giá là chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước để hình thành thị trường vốn, trên cơ sở đó có kênh huy động song song với kênh huy động tín dụng của ngân hàng nhằm hỗ trợ cho các doanh nghiệp và hỗ trợ cho việc phát triển của nền kinh tế.
Tuy nhiên, theo ông Bảo, trong thời gian vừa qua, các lĩnh vực này đang rất 'nóng', công tác quản lý cũng như một số việc tham mưu văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến nội dung này chưa bảo đảm được điều kiện để cho đối tượng có thể thao túng, bắt tay với một số quan chức thiếu trách nhiệm tạo ra những sai phạm lớn.
[Bộ Công Thương: Đảm bảo đủ nguồn cung xăng dầu cho tiêu dùng quý 2]
Vì thế, ông Bảo cho rằng cơ quan chức năng cần phải đưa ra những điều kiện để nâng cao chất lượng trái phiếu riêng lẻ của doanh nghiệp như quy định kết quả sản xuất kinh doanh, điều kiện của doanh nghiệp, khối lượng phát hành so sánh với lượng vốn của doanh nghiệp hiện có.
"Chúng ta cần nâng cao chất lượng trái phiếu doanh nghiệp thay vì chỉ định là họ phải bán ra cho nhà đầu tư chuyên nghiệp. Như vậy là thông qua một cấp trung gian đồng thời tạo ra kẽ hở cho việc hợp tác giữa nhà đầu tư chuyên nghiệp khi huy động vốn của người dân tham gia mua trái phiếu doanh nghiệp," ông Bảo góp ý.
Cần kiểm soát giá xăng dầu
Phân tích tình hình kinh tế thế giới và Việt Nam những tháng cuối năm, Đại biểu Trần Hoàng Ngân (Đoàn Thành phố Hồ Chí Minh) lưu ý đến nhiều yếu tố không thuận lợi, nhất là đối với những nền kinh tế có độ mở lớn như Việt Nam.
Theo ông Ngân, lạm phát đang tăng, cộng hưởng với xung đột tại Ukraine và chính sách zero COVID của Trung Quốc đang dẫn đến tình trạng khủng hoảng năng lượng, lương thực, đói nghèo…
Phân tích sâu về nhiều đợt lạm phát mà nước ta phải đối mặt, buộc phải “dùng thuốc liều cao” là thắt chặt chính sách tài khóa, chặt chẽ chính sách tiền tệ để ổn định kinh tế vĩ mô và đảm bảo an sinh xã hội nên với dấu hiệu giá xăng dầu vẫn đang có xu hướng tăng, ông Ngân kiến nghị Chính phủ, Quốc hội cần có "tiếng nói" để nhanh chóng kiểm soát ngay giá xăng xầu.
Theo ông Ngân, chấp nhận theo cơ chế thị trường nhưng Chính phủ cần có công cụ kiểm soát, kìm hãm độ tăng giá xăng dầu như tiếp tục giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu, thuế tiêu thụ đặc biệt nên không có lý do gì mặt hàng này liên tục tăng khi xăng dầu là mặt hàng thiết yếu.
“Nếu không kiểm soát giá xăng dầu thì sẽ dẫn tới hiệu ứng domino tăng giá đến các mặt hàng khác, tác động đến từng bữa ăn của người dân, trong khi sau hơn 2 năm dịch bệnh đã lấy đi hết tiền tiết kiệm của họ và hiện người dân rất khó khăn,” ông Ngân nhấn mạnh.
Cũng liên quan đến giá xăng, đại biểu Nguyễn Thị Sửu (Đoàn Thừa Thiên-Huế) cũng cho rằng xăng hay nhiên liệu nói chung, kể cả giá vật tư nông nghiệp, sản phẩm nông nghiệp đều đang có xu hướng tăng. Vì vậy, bà Sửu cho rằng cần có sự điều tiết của Nhà nước để tạo sự bình ổn xăng dầu nói riêng và giá giá cả phục vụ cho cuộc sống, nhu cầu thiết yếu nói chung vì đối tượng thiệt thòi nhất vẫn là người dân, người lao động ở vùng sâu, vùng xa, người có thu nhập thấp.
Tiếp tục hỗ trợ cho ngành du lịch
Đóng góp về lĩnh vực du lịch, đại biểu Bùi Hoài Sơn (đoàn Hà Nội) cho biết sau đại dịch ông đã đến hai địa phương là Quảng Nam và Đà Nẵng, hình thức thì thấy du lịch có vẻ "hân hoan" khi lượng khách du lịch rất đông, thậm chí nhiều khi quá tải nhưng trên thực tế lại không "tươi sáng" như thế.
Lý do được ông Sơn đưa ra là 70% khách du lịch của Việt Nam đến từ Đông Bắc Á, nhưng số khách này lại chưa quay trở lại Việt Nam.
Nhấn mạnh ngành du lịch là ngành có sức lan tỏa lớn, khi du lịch phát triển thì các ngành liên quan như ẩm thực, giao thông, khách sạn sẽ phát triển theo. Chính vì vậy, đại biểu Sơn mong muốn các chính sách hỗ trợ cho ngành du lịch sẽ tiếp tục được kéo dài, bởi không có sự hỗ trợ tiếp các doanh nghiệp sẽ còn đóng cửa nhiều.
Trên cơ sở đó, ông Sơn kiến nghị Chính phủ có thể thực hiện chính sách giảm thuế VAT từ 10% xuống 8% không chỉ áp dụng trong năm 2022 mà kéo dài trong các năm tiếp theo đồng thời cho phép các doanh nghiệp du lịch được cơ cấu lại thời gian trả nợ, miễn giảm lãi vay, khoanh nợ, miễn lãi chậm trả nợ đến hết năm 2022.
Đối với chính sách miễn visa, theo ông Sơn đây là một trong những yếu tố quyết định thu hút khách du lịch quốc tế đến Việt Nam. Vì vậy cần tính đến việc miễn visa với nhiều quốc gia hơn và thời gian dài hơn, ví dụ như 30 ngày thay vì 15 ngày./.