Đại biểu Đỗ Văn Vẻ: “Đại biểu Quốc hội cần được coi là một nghề”

"Đại biểu Quốc hội cũng coi như một nghề. Mà nghề thì không phải ai cũng làm được mà cần tố chất. Ngoài năng lực, trình độ phải dám mạnh dạn, dám chịu trách nhiệm, dám nói, dám làm, dám phát biểu."
Đại biểu Đỗ Văn Vẻ cho rằng, đại biểu ngoài năng lực, trình độ còn phải dám mạnh dạn, dám chịu trách nhiệm, dám nói, dám làm, dám phát biểu. (Ảnh: T.Hiền/Vietnam+)

Kỳ họp thứ 11 chứng kiến nhiều tâm tư của các đại biểu bởi đây là kỳ họp cuối của Quốc hội khóa XIII. Ghi nhận nhiều thành tựu trong 5 năm qua, song nhiều đại biểu vẫn còn trăn trở, gửi gắm tới các đại biểu khóa kế tiếp.

Bên hành lang Quốc hội, Đại biểu Đỗ Văn Vẻ (đoàn Thái Bình) đã có những chia sẻ với báo giới về vấn đề này.

- Thưa Đại biểu Đỗ Văn Vẻ, trong nhiệm kỳ khóa XIII, Quốc hội đã làm được một khối lượng công việc rất lớn. Theo ông, để tạo nên một nhiệm kỳ thành công, các đại biểu Quốc hội phải làm gì?

Đại biểu Đỗ Văn Vẻ: Để Quốc hội thực sự có hiệu quả, chất lượng thì các đại biểu phải có tinh thần trách nhiệm rất cao, phải đọc nghiên cứu nhiều, phải tâm huyết và dành rất nhiều thời gian để hoạt động. Bởi trước các Luật, Nghị quyết, các vấn đề quan trọng…, các đại biểu phải bấm nút thông qua. Trước lúc bấm, đại biểu phải đọc, nghiên cứu để thể hiện quan điểm đồng ý hay không đồng ý. Điều đó đòi hỏi đại biểu phải có năng lực.

Chuẩn bị cho Quốc hội khóa XIV, tôi nghĩ là các đại biểu phải có sức khỏe, có trình độ, có tâm, có tầm, lắng nghe ý kiến của cử tri, trọng dân, gần dân, phải tâm huyết. Đó là những yếu tố mà đại biểu Quốc hội cần phải có.

Ngoài ra, đại biểu Quốc hội cũng coi như một nghề. Mà, nghề thì không phải ai cũng làm được mà cần tố chất. Ngoài năng lực, trình độ còn phải dám mạnh dạn, dám chịu trách nhiệm, dám nói, dám làm, dám phát biểu.

Có người có trình độ nhưng ít xuất hiện trên công chúng, phát biểu hạn chế. Vậy nên đại biểu Quốc hội cần mạnh dạn chịu trách nhiệm trước những vấn đề mình cho rằng nó có lợi cho dân, cho nước và phải bảo vệ bằng được và thể hiện rõ quan điểm bằng nhiều cách: phát biểu thảo luận tổ, thảo luận hội trường, chất vấn, gửi văn bản kiến nghị, thông tin cho báo chí...

- Ông nghĩ sao về vấn đề cơ cấu đại biểu trong Quốc hội?

Đại biểu Đỗ Văn Vẻ: Cơ cấu là cần thiết, nhưng chất lượng còn cần hơn. Bởi lẽ, nếu như chúng ta chỉ tập trung vì cơ cấu mà không để ý chất lượng đại biểu thì hiệu quả hoạt động của Quốc hội sẽ thấp.

Ngoài ra, Quốc hội cần có sự kế tục giữa các nhiệm kỳ trước và sau. Hiện quy định tỷ lệ tái cử hơn 30% tôi cho là thấp. Bởi lẽ, Quốc hội như trường Đại học Tổng hợp, vào rồi cái gì cũng phải đọc, phải nghiên cứu. Trong 5 năm, các đại biểu tham gia đã có kinh nghiệm, nhưng khi có rồi thì lại nghỉ trong khi đại biểu mới lại phải đào tạo vài năm mới quen.

Bên cạnh đó, các đại biểu địa phương cũng rất quan trọng. Các biểu Trung ương ứng cử ở địa phương bận nhiều việc nên việc đi giám sát, khảo sát, lấy ý kiến cho các dự luật còn ít mà việc này trực tiếp là các đại biểu địa phương. Tuy nhiên, có địa phương thậm chí cả đoàn không còn ai tham gia dù địa phương đó còn đại biểu đủ tuổi, trình độ nhưng do cơ cấu không phân bổ tái cử. Đây là điều chưa hợp lý.

Trong hoạt động Quốc hội khóa XIV, tôi mong sẽ có nghiên cứu, bố trí cho hợp lý, nhất là với một số đại biểu kiêm nhiệm quá nhiều (như lãnh đạo địa phương) thì nguyên việc đi họp đã mất rất nhiều thời gian rồi.

- Đã sắp hết nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII, ông có nhận định gì?

Đại biểu Đỗ Văn Vẻ: Đối với các đại biểu thì Quốc hội khóa XIII là một nhiệm kỳ có nhiều dấu ấn sâu sắc với nhiều đột phá quan trọng. Đó là việc lấy phiếu tín nhiệm; chất vấn trả lời chất vấn, nhất là chất vấn lãnh đạo cấp cao trong Quốc hội, Chính phủ, Nhà nước; thông qua hàng trăm dự án luật, bộ luật quan trọng; sửa đổi Hiến pháp; quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước.

Sự thành công của nhiệm kỳ thể hiện sự điều hành của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tâm huyết của các đại biểu. Bên cạnh thành công đó, phải trân trọng sự tâm huyết, nhiệt tình giúp đỡ của nhân dân, đội ngũ phóng viên báo chí rất gần gũi với các đại biểu Quốc hội, đưa thông tin kịp thời.

Bản thân tôi nhiều lúc cũng sử dụng thông tin từ báo chí để tham khảo khi tham gia vào các dự luật. Báo chí giúp truyền tải thông tin từ đại biểu đến người dân và từ người dân tới đại biểu...

- Ông có nhắn nhủ gì tới Quốc hội nhiệm kỳ XIV?

Đại biểu Đỗ Văn Vẻ: Chúng tôi mong muốn nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV sẽ phát huy tích cực thành tích có được của khóa XIII để phát triển tốt hơn. Tôi cũng đề nghị tập trung sâu vào hai vấn đề quan trọng.

Cụ thể, một là cần giảm bớt họp hành không cần thiết, dành nhiều thời gian vào việc phát triển kinh tế xã hội của đất nước, làm cho đất nước giàu lên, mạnh hơn. Tập trung bàn vào việc tạo cơ chế thông thoáng cho người dân, cộng đồng doanh nghiệp.

Thứ hai là bảo vệ vững chắc chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Bởi chỉ có bảo vệ được chủ quyền thì mới phát triển mạnh kinh tế, và ngược lại có kinh tế mạnh mới bảo vệ được đất nước. Chúng ta phải bàn bạc sâu, minh bạch, thảo luận có trách nhiệm với nhân dân.

Chúng ta đang hội nhập sâu với nền kinh tế thế giới vì vậy thời cơ đã đến nhưng thách thức cũng không phải là nhỏ. Để vượt qua, ngoài nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp, người dân còn cần sự hậu thuẫn tích cực từ phía Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội bằng việc thông qua các cơ chế chính sách, tạo điều kiện thuận lợi, thông thoáng cho doanh nghiệp để phát triển…

- Xin cảm ơn đại biểu!

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục