Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII sẽ chính thức bế mạc vào chiều nay (26/6) sau hơn một tháng bàn thảo các lĩnh vực "nóng" của đất nước. Theo đánh giá của nhiều Đại biểu Quốc hội, đây là một kỳ họp khá “nặng” với rất nhiều đạo luật được thông qua cũng như xin ý kiến của Quốc hội.
Bên lề hành lang Quốc hội, Đại biểu Bùi Thị An (đoàn Hà Nội) đã chia sẻ với báo giới về những nhận xét và đánh giá về kỳ họp lần này.
- Thưa Đại biểu Bùi Thị An, kỳ họp lần này, Quốc hội đã đưa ra nhiều bộ luật để xin ý kiến đại biểu cũng như bàn thảo nhiều vấn đề quan trọng của đất nước. Theo bà, những vấn đề đặt ra như việc xây dựng pháp luật... đã đáp ứng được mục tiêu đề ra chưa?
Đại biểu Bùi Thị An: Một trong những chức năng của quốc hội là làm luật. Những kỳ họp trước đã thông qua Hiến pháp 2013, Luật Đất đai… Kỳ họp lần này, quốc hội đã đã đưa ra được những luật gắn với dân như Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức Chính quyền địa phương, Luật bầu cử đại biểu quốc hội và cho ý kiến một số luật như dân sự, trưng cầu dân ý…
Theo tôi kỳ họp này các đại biểu Quốc hội đã làm việc với tinh thần trách nhiệm cao và những vấn đề đặt ra thảo luận đều đã hoàn thành với chất lượng tốt.
- Một trong những vấn đề cử tri cả nước quan tâm là việc cần tăng thời lượng chất vấn các đại biểu. Có ý kiến cho rằng, quốc hội cần chất vấn các vấn đề nóng mà xã hội đang bức xúc chứ không nên chất vấn theo chuyên đề, bà nghĩ sao về vấn đề này?
Đại biểu Bùi Thị An: Tôi nghĩ rằng nên thay đổi, kéo dài thời lượng chất vấn. Bên cạnh đó, chất vấn những vấn đề thậm chí không cần gửi câu hỏi trước và những vấn đề bức xúc của cuộc sống.
Kỳ họp này, Thường vụ Quốc hội cho tranh luận chất vấn lại 3-4 lần nhưng nhiều ý kiến của đại biểu Quốc hội vẫn chưa thỏa mãn. Theo tôi cần kéo dài thời gian và những vấn đề bức xúc của dân thì cho hỏi luôn, để các bộ trưởng có thể giải đáp và đưa ra giải pháp ngay lập tức bởi lẽ các đồng chí là tư lệnh ngành nên nắm được tình hình thực tế.
Vừa rồi, câu trả lời của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn trong việc giải quyết vấn đề phí và lệ phí đối với gia cầm tôi cho là đạt yêu cầu.
Cụ thể, Bộ trưởng Cao Đức Phát đã đưa ra giải pháp và kiến nghị Quốc hội giảm luôn nếu bất hợp lý và công khai trước Quốc hội. Điều này thể hiện trách nhiệm, nắm sát thực tế của bộ trưởng.
- Vấn đề được các cử tri quan tâm là nâng cao chất lượng trong việc làm luật, theo bà kỳ họp tới Quốc hội sẽ cần phải thay đổi những gì?
Đại biểu Bùi Thị An: Tôi đề nghị kéo dài thêm thời gian thảo luận về kinh tế xã hội vì đây là vấn đề rất quan trọng. Bởi mấu chốt cuối cùng vẫn là phát triển kinh tế xã hội bền vững, nâng cao đời sống người dân, do vậy phải kéo dài thời lượng làm việc cho lĩnh vực này để tất cả các tỉnh, các đại biểu Quốc hội đăng ký đều được phát biểu.
Trên thực tế, trong phát biểu của đại biểu có nhiều ý kiến rất tốt, thậm chí là sáng kiến, đánh giá chuẩn về tình hình kinh tế xã hội và đưa ra giải pháp.
Tiếp theo, phiên chất vấn cần kéo dài ra không phải 2,5 ngày mà thậm chí là 3-4 ngày, rút bớt những luật dự báo trước rất ít người phát biểu để dành thời gian cho việc chất vấn.
Vấn đề này trong thời gian vừa qua Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có cải tiến, nhưng chưa được như kỳ vọng.
- Thực tế cho thấy trong thời gian qua báo chí nhắc nhiều bức xúc của dân nhưng tiếp thu của các cơ quan chức năng còn hạn chế. Vậy theo bà, khâu giám sát sau chất vấn cần phải thay đổi như thế nào?
Đại biểu Bùi Thị An: Rõ ràng việc tranh luận ở nghị trường phải được đẩy lên, có nhiều thời lượng hơn và có những vấn đề phải cho đại biểu phát biểu hết ý kiến của mình.
Cách làm vừa rồi, theo tôi cách điều hành của Thường vụ Quốc hội là tốt. Ví dụ như vấn đề đi cai nghiện, thường vụ tiếp thu và có nghị quyết ngay nên đã giải quyết được hậu quả của thực tiễn.
Liên quan đến việc sửa đổi, bổ sung Điều 60 Luật Bảo hiểm Xã hội, theo tôi cách làm như vừa qua là rất tốt. Đó là sự lắng nghe chân thành, sự cầu thị của Quốc hội bởi vì không ai có thể giỏi, biết hết mọi chuyện nên việc lắng nghe sẽ xử lý được một cách hoàn hảo. Tôi nghĩ chuyện này cử tri cả nước cũng rất ghi nhận.
- Sau mỗi kỳ họp Quốc hội sẽ đưa ra Nghị quyết. Nhưng, làm cách nào để nghị quyết có thể đi vào cuộc sống và bám sát thực tiễn hơn?
Đại biểu Bùi Thị An: Việc này liên quan đến giám sát và hậu giám sát và đây là vấn đề được Quốc hội rất quan tâm. Hậu giám sát tức là sau mỗi đợt giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng như của các đoàn đại biểu quốc hội thì xem kết luận là gì rồi giám sát việc thực hiện kết luận ấy.
Trong thời gian vừa rồi có một số giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các đoàn, sau đó có hậu giám sát rất tốt. Ví dụ như vấn đề giải quyết đời sống ngư dân, tái định cư thủy điện bắt đầu có chuyển biến, do vậy Quốc hội cần tăng cường khâu giám sát sau chất vấn.
- Xin cảm ơn bà./.