Đặc sản rượu tequila của Mexico chinh phục thị trường Mỹ

Theo thống kê chính thức, năm ngoái doanh số rượu tequila tại Mỹ đã tăng 30,1%, tương đương 1,2 tỷ USD so với năm 2020. Đây là mức tăng cao thứ hai được ghi nhận trong năm qua,
Đặc sản rượu tequila của Mexico .(Nguồn: GettyImages)

Với nồng độ cồn cao và hương vị không thể nhầm lẫn, rượu tequila được xem là linh hồn của người dân Mexico. Năm 2021, tequila đã trở thành loại rượu mạnh bán chạy thứ nhì tại Mỹ, chỉ xếp sau vodka, loại rượu luôn dẫn đầu về doanh số tại thị trường này kể từ những năm 1970.

Theo thống kê chính thức, năm ngoái doanh số rượu tequila tại Mỹ đã tăng 30,1%, tương đương 1,2 tỷ USD so với năm 2020. Đây là mức tăng cao thứ hai được ghi nhận trong năm qua, chỉ sau doanh số cocktail pha sẵn, với mức tăng 42,3%.

Với doanh số 5,2 tỷ USD, loại rượu được chưng cất từ nhựa cây thùa đặc trưng của Mexico chỉ xếp sau rượu vodka, với 7,3 tỷ USD.

Các chuyên gia cho rằng sự phổ biến của margarita -loại cocktail sử dụng tequila làm nguyên liệu chính, dòng người nhập cư, sự quảng bá của các ngôi sao và thay đổi trong tâm lí người tiêu dùng đã thúc đẩy tiêu thụ rượu tequila ở Mỹ.

Carlos Haro, tác giả cuốn sách “Tequila” (xuất bản năm 2000) kiêm chủ nhà hàng Casablanca ở bang California, nhận định giờ đây người tiêu dùng đã thay đổi định kiến rằng tequila là loại rượu rất mạnh và dành cho tầng lớp lao động. Tọa lạc trên bãi biển Venice nổi tiếng, nhà hàng của Haro nổi tiếng với gần 800 loại thức uống từ cây thùa.

Trong khi đó, Anna Marisa Harding, đồng sáng lập công ty AsomBroso chuyên kinh doanh tequila có trụ sở tại California, cho rằng sự phổ biến của margarita trong những thập kỷ gần đây cũng góp phần thúc đẩy doanh số bán rượu tequila.

Loại cocktail này được đưa vào thực đơn của các sự kiện thể thao, và thậm chí ngày 22/2 còn được công nhận là “Ngày Margarita.”

Một yếu tố nữa là sự xuất hiện của các loại tequila cao cấp trên thị trường, cũng như việc nâng cấp mẫu mã đã giúp thức uống này được ưa chuộng hơn và đạt mức giá cao hơn.

Harding cũng cho rằng các loại rượu tequila với nhãn hiệu của người nổi tiếng đã thu hút sự chú ý dành cho thức uống này, như những gì tài tử George Clooney đã làm được với thương hiệu Casamigos của mình. Năm 2017, thương hiệu này được bán cho tập đoàn đa quốc gia Diageo với giá 1 tỷ USD.

[Cách các "đại gia" rượu vang tại Italy thích nghi với COVID-19]

Clooney và các đối tác, gồm doanh nhân Rande Gerber (chồng của người mẫu Cindy Crawford) và ông trùm bất động sản Michael Meldman, ban đầu tạo ra thương hiệu với ý tưởng đây là một bộ sưu tập riêng cho gia đình và bạn bè thân thiết.

Tương tự, Harding và các cộng sự cũng thành lập AsomBroso vào năm 2002 như một “thú vui” giúp họ nhớ về nguồn gốc Mexico. Có thể nhận định chính những người nhập cư Mexico đã phổ biến việc tiêu thụ rượu tequila, bằng chứng là California là bang có doanh số bán loại đồ uống này cao nhất, tiếp theo là Texas, Florida và Illinois, theo dữ liệu từ nhà thăm dò Statista.

Cả Harding và Carlos Haro đều nhận định tequila sẽ tiếp tục chinh phục thị trường trong thời gian tới. Ông chủ nhà hàng Casablanca thậm chí tin rằng: “Nhập cư tác động đến thị hiếu quốc gia, và ở Mỹ, các sản phẩm của Mexico đã để lại dấu ấn khó xóa nhòa, tequila sẽ bám rễ ở đây như bánh taco”./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục