Đặc sắc Tết cổ truyền Bunpimay của nhân dân các dân tộc Lào

Bunpimay năm nay được tổ chức trong không khí phấn khởi khi Lào vừa tổ chức thành công Đại hội lần thứ X của Đảng NDCM Lào và cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa VIII, Hội đồng nhân dân tỉnh/thành phố.
Đặc sắc Tết cổ truyền Bunpimay của nhân dân các dân tộc Lào ảnh 1Lễ chúc phúc của các nhà sư. (Ảnh: Hoàng Chương/TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại Viêng Chăn, ngày 13/4, người dân các dân tộc Lào trên khắp cả nước bắt đầu tưng bừng đón Tết cổ truyền Bunpimay 2016 (tức năm 2559 Phật lịch). 

Bunpimay năm nay được tổ chức trong không khí phấn khởi khi Lào vừa tổ chức thành công Đại hội lần thứ X của Đảng NDCM Lào và cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa VIII, Hội đồng nhân dân tỉnh/thành phố.

Khác với mọi năm, thay vì chỉ diễn ra trong ba ngày, năm nay Tết Lào diễn ra trong bốn ngày (13-16/4) vì là năm nhuận. Theo cách tính của Phật lịch, cứ 5 năm lại có một năm nhuận, đó mà lý do mà Tết Lào năm nay dài 4 ngày.

Theo truyền thống và nghi thức cổ truyền của dân tộc Lào, ngày đầu tiên cũng là ngày cuối cùng của năm cũ, nhân dân các dân tộc Lào không phân biệt là ở thành phố hay nông thôn đều đổ về các chùa và mang theo những bình, cháp đựng nước thơm để làm lễ tắm mát cho các tượng phật.

Hòa thượng Khamsuc Aliyah, Trụ trì chùa Inpeng, một trong những ngôi chùa lớn tại thủ đô Vientiane, cho biết nghi thức này có từ cổ xưa với mong muốn sẽ mang lại sự mát mẻ, phồn vinh cho vạn vật và thanh khiết hóa cuộc sống của con người.

Nước dùng để tắm Phật phải là nước sạch, thơm và được chuẩn bị rất kỹ, trong đó có bồ kết nướng, hoặc dầu thơm và thả những cánh hoa Dooc Khoun vàng óng, đặc biệt trong nước tắm phật phải có màu vàng của nghệ.

Một trong những nghi thức không thể thiếu trong ngày đầu của Tết Bunpimay đó là nghi lễ rước nàng Sangkhane, còn được gọi là Nàng Xuân, đây cũng là hoạt động thu hút sự quan tâm của người dân Lào cũng như du khách thập phương.

Linh vật mà nàng Sangkhane cưỡi năm nay là con ngựa. Nàng Sangkhane ngồi giữa, sáu cô gái ngồi dọc hai bên. Nàng Xuân được lựa chọn rất khắt khe và dựa trên các tiêu chí như phải là người đẹp, có đạo đức, có trình độ học vấn,..

Theo sau xe chở Nàng Xuân là đoàn rước rất hoành tráng với tiếng trống, nhạc và điệu múa hòa cùng sắc màu của những trang phục truyền thống đại diện cho 49 dân tộc của Lào.

Ngày Tết của Lào không thể thiếu hai loài hoa đó là Champa và hoa Dooc Khun (hoa đại và hoa muồng vàng). Hoa Champa được kết vòng đeo cổ hoặc cài trên tóc các cô gái, trong khi hoa Dooc Khun được treo khắp nơi, thậm trí trên cửa kính các phương tiện giao thông để mong gặp nhiều may mắn trong năm mới.

Sau khi kết thúc phần lễ, hội té nước chính thức được bắt đầu. Khắp các đường phố, từ trẻ em đến người lớn tạo thành từng nhóm để cùng nhau té nước người qua đường. Trước khi té nước, người Lào thường dành cho nhau những lời chúc tụng tốt đẹp.

Người Lào tin rằng nước sẽ giúp gột rửa điều xấu xa, bệnh tật và cầu chúc năm mới thanh bạch và mạnh khỏe. Ai bị ướt nhiều thì người đó được nhiều hạnh phúc và may mắn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục