Đặc sắc Lễ hội văn hóa và du lịch Dinh Thầy Thím năm 2024 tại Bình Thuận

Diễn ra trong 3 ngày từ 16-18/10, Lễ hội văn hóa-du lịch Dinh Thầy Thím năm 2024 được tổ chức trong không gian văn hóa đặc trưng, đậm nét dân gian với nhiều hoạt động đặc sắc thu hút khách du lịch.

Lễ nghinh Thần, rước Sắc Phong về đến Dinh Thầy Thím. (Ảnh: Nguyễn Thanh/TTXVN)
Lễ nghinh Thần, rước Sắc Phong về đến Dinh Thầy Thím. (Ảnh: Nguyễn Thanh/TTXVN)

Sáng 16/10, tại thị xã La Gi, tỉnh Bình Thuận, diễn ra Lễ hội văn hóa-du lịch Dinh Thầy Thím năm 2024.

Hàng nghìn du khách, người dân trong và ngoài tỉnh hào hứng tham gia.

Đặc sắc Lễ hội Văn hóa-Du lịch Dinh Thầy Thím năm 2024

Phần lễ là một chuỗi các nghi thức truyền thống như lễ Nghinh thần, rước sắc phong, lễ nhập điện an vị, lễ thỉnh sanh, giỗ tiền hiền và cúng binh gia… Điểm nhấn trong chương trình lễ hội là đêm khai mạc diễn ra vào lúc 16 giờ 30 phút ngày 16/10 (tức 14/9 Âm lịch), tại sân khấu Dinh với các phần nghi lễ truyền thống và chương trình biểu diễn nghệ thuật-sân khấu hóa sự tích Thầy-Thím do công ty Hà Cường, Thành phố Hồ Chí Minh phụ trách.

Bên cạnh phần lễ, các hoạt động hội sẽ góp phần tạo thêm nét đặc sắc cho lễ hội. Hơn nữa thông qua đó, sẽ góp phần giới thiệu đến du khách gần xa về những sinh hoạt trong đời sống thường nhật của người dân xứ biển Tam Tân.

Phần hội sôi động với nhiều trò chơi dân gian đậm nét miền biển như thi làm bánh, thi chim hót, kéo co, thu hoạch thanh long, trò chơi khiêng thúng ra khơi, hội thi gánh cá, đan lưới… Ngoài ra, Lễ hội còn diễn ra các hoạt động giao lưu văn hóa như ca múa nhạc tạp kỹ, đờn ca tài tử, biểu diễn lân sư rồng…

Để quảng bá và tăng thêm sắc màu cho mùa lễ hội, ngoài các phường-xã lân cận phụ trách việc trang trí, tại khu trung tâm thị xã cũng đã giăng treo gần 160 cờ Đảng, cờ Tổ quốc, 54 khẩu hiệu đuôi cá, 30 cờ màu, 80 cờ dây và bố trí 2 pano cánh quạt 60m2.

Bên cạnh đó, nhiều tuyến đường giao thông nội Dinh cũng đã được đầu tư, nâng cấp bêtông hóa, bố trí nhiều chậu hoa kiểng càng tạo nét đẹp mắt cho lễ hội. Đồng thời công tác vệ sinh môi trường, an ninh trật tự, an toàn giao thông và phòng cháy chữa cháy cũng đặc biệt quan tâm.

dinh thay thim-binh thuan1.jpg
Nhiều tuyến đường giao thông nội Dinh cũng đã được đầu tư, nâng cấp bê tông hoá, bố trí nhiều chậu hoa kiểng càng tạo nét đẹp mắt cho lễ hội. (Nguồn: báo Bình Thuận)

Để đảm bảo an toàn cho du khách đến với Lễ hội, Ban Tổ chức lễ hội bố trí lực lượng đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông, chấn chỉnh tình trạng ăn xin, bán hàng rong chèo kéo du khách; đồng thời tăng cường tuyên truyền, giới thiệu về giá trị, ý nghĩa và nét đặc sắc của lễ hội; đẩy lùi các hoạt động mê tín dị đoan…

Diễn ra trong 3 ngày (16-18/10), Lễ hội văn hóa-du lịch Dinh Thầy Thím năm 2024 được tổ chức trong không gian văn hóa đặc trưng, đậm nét dân gian với nhiều hoạt động đặc sắc.

Theo Ủy ban Nhân dân thị xã La Gi, Dinh Thầy Thím đã trở thành “điểm đến” thu hút du khách đến với địa phương. Không chỉ đến dịp lễ hội mà bất cứ thời điểm nào trong năm, Dinh đều đón hàng nghìn lượt khách kết hợp du lịch biển. Lượng du khách đến Dinh Thầy Thím ngày càng tăng lên, ước đón khoảng 600.000 lượt khách mỗi năm.

Lễ hội Dinh Thầy Thím: Di sản Văn hóa Phi vật thể Quốc gia

Là một trong 5 lễ hội văn hóa tiêu biểu được tỉnh Bình Thuận chọn để phục vụ phát triển du lịch của địa phương, Lễ hội Dinh Thầy Thím mang ý nghĩa lịch sử văn hóa, ghi khắc công đức của các bậc tiền nhân khoảng hơn 130 năm qua, đó là nhân vật Thầy Thím.

Đến nay, Lễ hội Dinh Thầy Thím vẫn được gìn giữ, bảo tồn, duy trì đầy đủ cả về thời gian, không gian, trình tự, cách thức thực hành các nghi lễ tạo nên một không gian linh thiêng, cùng với các trò chơi dân gian, hội thi, hội diễn… hấp dẫn theo tập tục có từ lâu đời của cộng đồng người dân địa phương.

Từ lâu, lễ hội Dinh Thầy Thím đã trở thành nơi hội tụ tín ngưỡng của đông đảo người dân. Sự tích Thầy Thím là một truyền thuyết dân gian được lưu truyền qua nhiều thế hệ. Nội dung mang nhiều yếu tố tích cực và có giá trị giáo dục, đề cao tính nhân nghĩa, đạo đức, nhân cách cao cả qua nhân vật Thầy Thím.

Thiết chế lễ hội ở đây tập trung chính ở 02 nhân vật truyền thuyết là Thầy: “Chí Đức Tiên Sinh” và Thím: “Chí Đức nương nương Tôn Thần,” biểu trưng cho lòng nhân ái, khí tiết, cứu nhân độ thế đã ăn sâu trong lòng người dân địa phương.

ttxvn_dinh thay thim-binh thuan1.jpg
Lễ nghinh Thần, rước Sắc Phong và Bằng công nhận Di sản Văn hóa Phi vật thể Quốc gia về Dinh Thầy Thím. (Ảnh: Nguyễn Thanh/TTXVN)

Cũng từ lòng sùng kính uy linh Thầy Thím để thể hiện sự tri ân tiền nhân dày công khai mở vùng đất này, người dân địa phương chung tay lập đền thờ tại nơi Thầy Thím tạ thế trong khu rừng dầu Bàu Cái và chọn ngày 15/9 Âm lịch hằng năm làm ngày lễ Tế Thu kính viếng Thành hoàng.

Hàng năm Dinh Thầy Thím tổ chức 2 kỳ lễ lớn: lễ tảo mộ (nhằm ngày mồng 5/1 Âm lịch) và lễ tế Thu (nhằm ngày 14 đến ngày 16/9 Âm lịch) thuộc làng Tam Tân, xã Tân Tiến, thị xã LaGi, tỉnh Bình Thuận, diễn ra trong không khí long trọng, tôn vinh nét đẹp văn hóa của vùng đất này.

Lễ hội ôn lại công đức của vị đạo sỹ giàu lòng nhân ái, có nhiều nghĩa cử cao đẹp, giúp dân đóng thuyền, bốc thuốc chữa bệnh, giúp dân chài trong sóng to gió lớn, cảm hóa được cả thú dữ… được dân làng mến mộ.

Từ lễ hội nhỏ của làng trở thành lễ hội lớn của khu vực, từ lực lượng hội viên chủ yếu là người làng đến những hội viên trong và ngoài tỉnh, từ Dinh Thầy Thím xuống cấp trầm trọng sau chiến tranh đến di tích được bảo tồn chu đáo là cả một quá trình.

Quá trình đó đã trải qua bao thăng trầm, bao biến cố của lịch sử, song nó đã thể hiện được một định hướng lâu dài của sự phát triển di tích, thể hiện tư duy đổi mới của những người kế tục.

Tập tục cúng tế là tín ngưỡng dân gian, một sinh hoạt tâm linh truyền thống, dù có những thay đổi về hình thức cũng nhằm phù hợp với quá trình phát triển của xã hội nhưng vẫn bảo tồn được không khí linh thiêng và ý nghĩa nhân văn.

Trong phần nghi thức lễ có những nội dung cơ bản của nghi lễ cúng tế đình làng. Phần lễ chính là lễ Thỉnh sắc, lễ Tĩnh sanh, lễ Túc yết, lễ Tiền hiền hậu hiền… Nhưng với Dinh Thầy Thím, lễ Thỉnh sắc được thay bằng lễ Nghinh thần với nghi thức thỉnh linh Thầy Thím từ mộ cách dinh theo đường vòng khoảng 7 cây số.

Trước khi nhập điện thờ tại dinh, đoàn xe kiệu hoa, hương án đi qua làng Tam Tân nơi xưa Thầy Thím đã có thời gian sinh sống và làm việc thiện cứu giúp dân nghèo.

ttxvn_dinh thay thim-binh thuan2.jpg
Lễ nghinh Thần, rước Sắc Phong từ Mộ Thầy về Dinh Thầy Thím. (Ảnh: Nguyễn Thanh/TTXVN)

Lễ Nhập điện an vị không chỉ diễn ra với những nghi lễ trang trọng mà còn có những tiết mục biểu diễn nghệ thuật dân gian như chèo bả trạo, tuồng cổ, hò vè. Tiếp theo là những nghi lễ khác rất quan trọng như cúng ngọ, phát lộc, phóng chim, giỗ tiền hiền…

Đêm khai hội đầy sắc màu văn hóa dân gian, trở thành một phần hội hoành tráng nhất trong chuỗi lễ hội. Nghi thức lễ trang trọng bắt đầu từ lễ dâng hương tri ân công đức Thành hoàng, tiền hiền hậu hiền, với mục đích giáo dục lòng yêu quê hương, sống đạo nghĩa, tỏ lòng biết ơn các bậc tiền bối cũng như tạo điểm nhấn văn hóa thu hút du khách.

Chương trình sân khấu hóa về sự tích Thầy Thím; mô hình giới thiệu cuộc đời và công đức của Thầy-Thím; quầy khám chữa bệnh và cấp phát thuốc Đông y miễn phí; giới thiệu những kỹ năng đóng thuyền đi biển của Thầy; những địa danh gắn liền với truyền thuyết như Bàu Cát, tượng Bạch Hổ, Hắc Hổ, nhà ông Hai Hộ... được miêu tả bằng những nội dung, hình thức mang ý nghĩa nhân đạo.

Rạng ngày 16/9 Âm lịch lễ Thỉnh sanh bắt đầu (thực ra là lễ Tĩnh sanh bởi tĩnh có nghĩa là trong sạch, tinh khiết) bằng một con heo sống thường là heo có bộ lông trắng tuyền đễ làm lễ vật. Qua ngày hôm sau, các phẩm vật cúng lễ được làm bằng món mặn cho đến hết chiều 16/9 với nghi thức lễ sanh “Tạ thần cúc cung bái” và cũng là lễ “Tiền hiền hậu hiền” để tưởng nhớ các vị có công với làng mang ý nghĩa “Tiền hiền khai khẩn, hậu hiền khai cơ.”

Ngoài các nghi thức truyền thống như lễ nghinh Thần, rước sắc phong, lễ nhập điện an vị, thỉnh thực, giỗ Tiền Hiền và cúng binh gia… Lễ hội Dinh Thầy Thím còn tổ chức các trò chơi dân gian đậm nét xứ biển như khiêng thúng ra khơi, hội thi gánh cá, đan lưới, kéo co, đánh cờ người.

Lễ hội Dinh Thầy Thím từ lâu được coi là Lễ hội truyền thống đặc sắc, tiêu biểu không chỉ của cộng đồng người dân địa phương mà còn là di sản văn hóa chung. Không gian Lễ hội còn là nơi củng cố, tăng cường mối đoàn kết, tương thân tương ái trong cộng đồng dân cư; nâng cao ý thức về cội nguồn dân tộc, giá trị đạo đức, nhân cách sống, tinh thần hòa hợp để gắn kết các thành viên trong cộng đồng lại với nhau, hình thành nên một nếp sống cao đẹp và tình làng nghĩa xóm ngày càng bền chặt hơn.

Năm 1997, Dinh Thầy Thím được công nhận Di tích cấp Quốc gia. Năm 2022, Lễ hội Dinh Thầy Thím được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục Di sản Văn hóa Phi vật thể Quốc gia./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục