Đặc sắc Lễ hội Lồng Tồng của đồng bào dân tộc ở Thái Nguyên

người dân vùng chiến khu cách mạng ATK Định Hóa, Thái Nguyên nô nức kéo về khu vực đèo De thuộc xã Phú Đình, huyện Định Hóa để tham dự Lễ hội Lồng Tồng.
Đặc sắc Lễ hội Lồng Tồng của đồng bào dân tộc ở Thái Nguyên ảnh 1Lễ tịch điền (cày những đường cày đầu tiên trong Năm mới). (Ảnh: Lan Anh/TTXVN)

Năm nào cũng vậy, cứ mỗi độ Tết đến Xuân về, ngày mùng 10 tháng Giêng là người dân vùng chiến khu cách mạng ATK Định Hóa, Thái Nguyên lại nô nức kéo về khu vực Đèo De thuộc xã Phú Đình, huyện Định Hóa để tham dự Lễ hội Lồng Tồng.

Đây là lễ hội xuống đồng đặc sắc của đồng bào dân tộc Tày, Nùng, Da... của tỉnh Thái Nguyên với ý nghĩa cầu cho một năm mới mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt.

Bà Lộc Thị Kim Tuyết, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Định Hóa, Trưởng Ban Tổ chức Lễ hội Lồng Tồng cho biết lễ hội năm nay được tổ chức theo tiêu chí an toàn và tiết kiệm, tạo không khí phấn khởi, hăng say lao động cho người dân địa phương.

Ngay sau lễ hội, huyện sẽ chỉ đạo các địa phương động viên bà con tập trung vào sản xuất cho đúng khung thời vụ, đảm bảo cho một mùa vụ thắng lợi.

Trước giờ khai hội là phần nghi lễ dâng hương tưởng nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Nhà tưởng niệm trên đỉnh đèo De, xã Phú Đình. Đây là công trình được xây dựng và khánh thành từ năm 2005, đúng dịp kỷ niệm 115 ngày sinh của Bác.

Đúng 8 giờ, tiếng trống khai hội được già làng Ma Đình Được đánh lên và cùng với đó là màn trống hội, múa lân rộn rã, rực rỡ sắc màu. Tại lễ hội, nhiều du khách lần đầu được tận mắt chứng kiến nghi lễ cầu mùa của dân tộc Tày, lễ xuống đồng của dân tộc Sán Chay và lễ cầu phúc của dân tộc Dao.

Những mâm cỗ tế lễ được người dân trong vùng chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng với lòng thành kính, biết ơn các vị thần rừng, thần núi, thần trời và thần đất. Đây không chỉ thể hiện nét đặc sắc trong truyền thống của bà con dân tộc mà còn thể hiện ý nghĩa tâm linh sâu sắc trong đời sống văn hóa của họ.

Bà Nguyễn Thu Phương, du khách đến từ thủ đô Hà Nội cho biết: "Tôi rất ngỡ ngàng và cảm thấy thú vị với nhiều nghi lễ của đồng bào dân tộc nơi đây. Đây là lần đầu tiên tôi được tham dự lễ hội này và cũng mong muốn có một năm may mắn, bình an và hạnh phúc đến với tất cả mọi người."

Náo nhiệt và cuốn hút du khách nhất là lễ tịch điền. Ban tổ chức đã chọn một thửa ruộng nhỏ ở cánh đồng Đèo De, một bác nông dân cày giỏi nhất làng và một con trâu khỏe để thực hiện cày đường cày đầu tiên mở đầu cho mùa vụ mới.

Cách đó không xa, tại một thửa ruộng khác là phần thi cấy lúa của các xóm, bản trong vùng. Trên bờ là tiếng trống, tiếng vỗ tay, reo hò cổ vũ của đông đảo người dân và du khách.

Cùng thời điểm này, tại sân Lễ hội, không khí cũng náo nhiệt với hội tung còn và các trò chơi dân gian như đẩy gậy, bắn nỏ, giã bánh dày, kéo co, đi cà kheo...

Điểm nhấn của Lễ hội Lồng Tồng năm nay chính là những tiết mục múa rối cạn của phường rối Tày Thẩm Rộc đến từ xã Bình Yên, huyện Định Hóa. Với những con rối đầy màu sắc và động tác khéo léo, thuần thục, các nghệ nhân đã mang đến cho du khách hình ảnh cuộc sống sản xuất, sinh hoạt hằng ngày của người dân nơi đây.

Đặc biệt, tại lễ hội năm nay, phường rối Tày Ru Nghệ và phường rối Tày Thẩm Rộc cùng nghi lễ Then của huyện Định Hóa đã được nhận Quyết định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia. Đây là niềm vui và niềm tự hào về bản sắc văn hóa của đồng bào nơi đây.

Trong màn mưa bụi se lạnh của tiết Xuân, dòng người đổ về lễ hội ngày càng đông, mỗi người đều mang trong mình một điều ước riêng, một mong muốn riêng, tạo nên một Lễ hội Lồng Tồng độc đáo, đa dạng và phong phú, thể hiện bản sắc riêng của đồng bào dân tộc vùng núi phía Bắc./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục