Đặc sắc kiến trúc Phật giáo Nam tông Khmer của chùa Kà Ốt ở Tây Ninh

Chùa Kiri Sattray Menchey, người dân thường quen gọi là chùa Kà Ốt, huyện Tân Châu, là một trong 6 ngôi chùa Nam Tông Khmer có kiến trúc độc đáo ở tỉnh Tây Ninh.
Chùa Kà Ốt với kiến trúc độc đáo. (Ảnh: Giang Phương/TTXVN)

Nếu có dịp đến với Tây Ninh, du khách đừng bỏ lỡ cơ hội chiêm ngưỡng vẻ đẹp kiến trúc hệ phái Nam tông Khmer của ngôi chùa Kà Ốt ở miền biên viễn.

Chùa Kà Ốt tọa lạc tại ấp Kà Ốt, thuộc xã Tân Đông, huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh đang trở thành điểm đến thu hút du khách hàng đầu tại Tây Ninh.

Được xây dựng năm 1980 và hoàn thiện năm 1996, ngôi chùa Khmer ban đầu có tên là Kiri Sattray Menchey Kà Ốp tức "danh thơm của người phụ nữ chiến thắng ở gần núi." Sau này tuy bỏ đi phần đuôi còn Kiri Sattray Menchey, người dân địa phương vẫn thường gọi quen nơi này là Chùa Kà Ốp, đọc lai lái lâu dần thành Kà Ốt như bây giờ.

Thực chất Kà Ốt là từ vô nghĩa, theo cách đặt tên của người xưa, cụm Kà Ốp "hương thơm" kết hợp cùng Kà Tum "trái cây chín" mới tạo ra ý nghĩa về một hương thơm ngọt ngào. Tên gọi dù đọc trại đi nhưng tính chất lãng mạn vẫn không thay đổi, trái lại còn phủ lên công trình kiến trúc tôn giáo này màu sắc an yên, thanh bình.

[Chung Rút - Ngôi chùa mang đậm yếu tố văn hóa đặc sắc Khmer]

Tham quan ngôi chùa vào buổi trưa chiều, bức tường ánh sáng xuyên qua tán lá cây hòa cùng không gian im ắng và lối kiến trúc uy nghi của chùa để lại ấn tượng khó phai mờ trong lòng du khách.

Chùa Kà Ốt Tây Ninh được xây dựng trên một khu đất rộng 13m và dài 20m, được bao quanh bởi tre đan và rừng cây tạo nên khung cảnh tuyệt đẹp. Khu vực chánh điện của chùa được xây dựng trên nền đất cao, được lợp ngói và trang trí với đầu rồng khắp bốn hướng. Hướng nhìn từ chánh điện và toàn cảnh ngôi chùa đều quay về phía Đông, theo tôn giáo có nghĩa là hướng về Đức Phật.

Chùa Kiri Sattray Menchey, người dân thường quen gọi là chùa Kà Ốt. (Ảnh: Giang Phương/TTXVN)

Điểm dừng chân đầu tiên khi vãn cảnh chùa Kà Ốt đó chính là khu vực chánh điện. Tại đây du khách sẽ được chiêm ngưỡng bức tranh về Đức Phật đang chuyển pháp cho Phật tử. Di chuyển sâu vào bên trong chùa là bàn thờ và nơi đặt tượng Thích Ca Mâu Ni. Khi vòng ra sau khu chánh điện bạn sẽ thấy bức tranh về các vị Phật gồm: Một thần phục Di Lặc và bốn vị nhập Niết Bàn.

Tham quan chùa Kà Ốt Tây Ninh khu vực bên trái điện thờ chính là ngôi tháp lưu giữ tro cốt của những nhà sư đã viên tịch và Phật tử. Sở dĩ chùa có riêng một khu vực để lưu giữ tro của người mất vì, người Khmer sinh sống ở Tây Ninh không hỏa táng mà họ sẽ đốt tro cốt rồi gửi vào trong chùa để thờ tự.

Trong chùa Kà Ốt còn có khu vực được thiết kế riêng gồm nhiều pho tượng, nổi bật nhất là tượng Phật Thích Ca khổng lồ đang tọa lạc trên bệ cao. Trên tượng là bánh xe có những bánh lăn và đằng sau là tượng đang cầm chày canh gác vô cùng uy nghiêm.

Chùa chia thành 3 gian, 5 nhịp, giống khá nhiều chùa Bắc tông. Hành lang bao quanh bốn phía bởi những hàng cột hiên rất cao, trên đầu cột gắn thêm các tượng thần. Mỗi tượng như một chiếc công-son đỡ phần đưa ra của mái. Văn hóa Khmer gọi những bức tượng đỡ mái chùa này là những Kây-no.

Kây-no không chỉ có ở mái chùa. Kây-no còn là những tượng tròn, độc lập đứng trước ngôi nhà sư sãi ở chùa Khmer Kà-Ốt. Dù ở đâu, Kây-no luôn được tạo hình như các nàng tiên nữ Ápsara xinh đẹp, gương mặt phúc hậu nhoẻn cười tươi, thân hình đẹp đẽ và cân đối.

Các nàng tiên ấy đứng thẳng trên một bệ tượng hình tam giác rồi vươn người ra phía trước, như muốn làm bay bổng lên toàn bộ phần mái chùa đồ sộ ở bên trên. Biểu tượng cho ý muốn bay lên của các nàng tiên là đôi cánh nhỏ màu xanh mọc ra từ bên hông, như đang vỗ cánh.

Văn hóa Khmer và một số nước Đông Nam Á quan niệm Kây-no là sinh vật nửa người (nữ), nửa chim. Đuôi và cánh là của loài thiên nga, còn thân mình, tay chân vẫn là thiếu nữ - biểu tượng cho người phụ nữ xinh đẹp, tài hoa… Nổi tiếng nhất là nhảy múa và ca hát.

Chỉ riêng hàng tượng Kây-no trên cột chùa đã làm nên một bản sắc văn hóa không lẫn vào đâu được của ngôi chùa Khmer Nam Bộ, lại còn thêm bộ mái chùa.

Tuy không phức tạp như chùa Khedol, nhưng chùa Kà Ốt có bốn tầng mái. Hai tầng mái dưới chênh nhau một khoảng, xòe ra như che chở lấy chùa. Hai tầng mái trên chênh nhau một khoảng, nhưng lại mạnh mẽ dốc lên theo hình ngọn tháp. Các góc mái đều kết thúc bằng hình tượng đầu của rắn thần Naga, linh vật trong văn hóa Khmer. Còn các đỉnh bờ nóc mái lại được trang trí bằng hình đuôi rắn thần đang vẫy cong lên.

So với chùa Bắc tông, các chùa Nam tông Khmer cũng có điều khác biệt, đấy là chỉ có một bàn thờ trong ngôi chính điện. Trên ấy cũng chỉ đặt duy nhất các pho tượng Phật Thích ca. Tất cả các cột, tường, trần mái đều được tô vẽ những gam màu ấm nóng. Cột thì rồng cuộn vẽ nhiều màu tươi thắm. Tường và trần đều là bích họa mô tả từng chặng đường đời Đức Phật với các màu rực rỡ thắm tươi.

Chùa Kà Ốt đối với bà con Khmer miền biên giới vừa là cơ sở thờ tự, gửi gắm tâm linh, vừa là trung tâm sinh hoạt văn hóa. Hằng năm, các lễ hội Phật giáo diễn ra tại chùa như lễ Phật đản, Phật thành đạo, lễ Nhập hạ, Dâng y Kathina.

Ngoài ra, còn có nhiều lễ hội dân gian gắn với dòng tâm linh Phật như Chol Chnam Thmay, Sen Dolta, Ok Om Bok, Cúng lúa. Tất cả làm nên bức tranh màu sắc tín ngưỡng rực rỡ từ nghi thức tâm linh đến sinh hoạt ca múa, trò chơi dân gian hết sức vui nhộn./.

Chùa Kiri Sattray Menchey, người dân thường quen gọi là chùa Kà Ốt, nằm trên địa phận ấp Kà Ốt, xã Tân Đông, huyện Tân Châu, là một trong 6 ngôi chùa Nam Tông Khmer có kiến trúc độc đáo ở tỉnh Tây Ninh. (Ảnh: Giang Phương/TTXVN)
Chùa Kà Ốt được xây dựng hoàn thiện sau hơn 10 năm với nhiều công trình riêng biệt. (Ảnh: Giang Phương/TTXVN)
Chùa Kiri Sattray Menchey, người dân thường quen gọi là chùa Kà Ốt. (Ảnh: Giang Phương/TTXVN)
Chùa Kà Ốt là nơi sinh hoạt văn hoá tâm linh của bà con người Khmer cộng đồng người Khmer lưu trú ở xã biên giới Tân Đông, huyện Tân Châu. (Ảnh: Giang Phương/TTXVN)
Không xây dựng nhiều tầng lầu với lối kiến trúc cầu kì, bề thế hay quá đơn sơ, giản dị, nơi đây sở hữu nét đẹp truyền thống dịu dàng, chừng mực khiến ai nấy từng dừng chân đều cảm thấy vô cùng gần gũi, quen thuộc. (Ảnh: Giang Phương/TTXVN)
Kiến trúc độc đáo của chùa Kà Ốt. (Ảnh: Giang Phương/TTXVN)
Các em nhỏ luyện tập trên dàn nhạc Ngũ âm tại chùa Kà Ốt. (Ảnh: Giang Phương/TTXVN)

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục