Đặc sắc Di sản nghề đan gùi và nghề dệt thổ cẩm của người S’tiêng

Nếu nghề đan gùi được trao truyền cho những cậu bé có độ tuổi từ 13 trở lên thì dệt thổ cẩm là nghề truyền thống của phụ nữ dân tộc S’tiêng ở tỉnh Bình Phước.
Người thợ thực hành đan gùi. (Nguồn: Bảo tàng tỉnh Bình Phước)

Theo Bảo tàng tỉnh Bình Phước, người S’tiêng là cộng đồng cư dân có lịch sử cư trú lâu đời ở vùng đất này. Hiện có hơn 97.000 người S’tiêng sinh sống ở Bình Phước, cư trú tại 11 huyện, thị của tỉnh, trong đó tập trung chủ yếu ở các huyện Bù Đăng, Bù Gia Mập, Lộc Ninh và huyện Hớn Quản.

Mới đây, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Phước đã tổ chức Lễ công bố Danh mục Di sản Văn hóa Phi vật thể Quốc gia đối với nghề thủ công truyền thống nghề đan gùi và nghề dệt thổ cẩm của người S’tiêng.

Trước đó, nghề đan gùi và nghề dệt thổ cẩm của người S’tiêng đã được Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quyết định đưa vào Danh mục Di sản Văn hóa Phi vật thể Quốc gia tại Quyết định số 479/QĐ-BVHTTDL ngày 6/3/2023 và Quyết định số 375/QĐ-BVHTTDL ngày 21/2/2024.

Trao chứng nhận nghề đan gùi và nghề dệt thổ cẩm của người S’tiêng là Di sản Văn hóa Phi vật thể Quốc gia. (Ảnh: TTXVN phát)

Nghề đan gùi và nghề dệt thổ cẩm của cộng đồng S’tiêng là những nghề thủ công truyền thống mang sắc thái đặc trưng.

Theo Bảo tàng tỉnh Bình Phước, người S’tiêng gọi hoạt động đan gùi là “Tanh.” Hình thức trao truyền nghề đan gùi được thực hiện theo cách thức truyền miệng. Nghề đan được thực hành và trao truyền cho những người đàn ông trong cộng đồng.

Trong mỗi gia đình, những cậu bé có độ tuổi từ 13 trở lên sẽ được những người đàn ông trong gia đình, cộng đồng biết thực hành nghề đan trao truyền lại những tri thức, kỹ năng, kỹ thuật của nghề đan.

Trong quan niệm của người S’tiêng, người đàn ông biết thực hành thành thạo nghề đan là thước đo của sự khéo léo và tài hoa. Để đan được những sản phẩm gùi đẹp, người S’tiêng phải tiến hành qua nhiều công đoạn với những tri thức kỹ năng, kỹ thuật khác nhau. Nguồn nguyên liệu chính sử dụng để đan gùi là dùng cây lồ ô (một loại cây thuộc họ tre), cây mây và một số cây nguyên liệu khác dùng để nhuộm màu. Các nguyên liệu này thường được người S’tiêng khai thác từ rừng tự nhiên.

Nghề đan gùi của người S’tiêng tạo nên các sản phẩm với những tên gọi khác nhau gồm: Xá, Khiêu, Woai, Dung, Xor...

Mỗi sản phẩm có những cách đan khác nhau nhưng về cơ bản, để đan hoàn chỉnh một chiếc gùi, đầu tiên phải đan phần đế sau đó đến phần thân, phần miệng, làm chân đế, đan quai và lắp quai cho sản phẩm.

Nếu nghề đan gùi dành cho đàn ông thì dệt thổ cẩm là nghề truyền thống của phụ nữ dân tộc S’tiêng. Các thiếu nữ S’tiêng tuổi từ 13 đến 15 được bà, mẹ, cô, dì trong nhà truyền lại nghề dệt thổ cẩm. Bằng đôi tay khéo léo, sự S’tiêng cù, óc sáng tạo; bằng các nguyên vật liệu sẵn có từ rừng, phụ nữ S’tiêng đã dệt nên những sản phẩm tinh xảo, có hoa văn độc đáo, màu sắc rực rỡ vừa mang tính dân gian, vừa mang tính hiện đại của cuộc sống.

Theo Địa chí Bình Phước, để dệt một tấm vải thổ cẩm, người S’tiêng phải trải qua nhiều công đoạn theo nhiều quy trình phức tạp.

Màu sắc để nhuộm sợi vải chủ yếu sử dụng các chất liệu từ thiên nhiên như: lá, vỏ cây rừng. Nếu muốn có màu đen, người S'tiêng phải dùng vỏ cây lộc vừng, lá hai bia, lá trâm bầu... ngâm trong bùn non 7 ngày đêm; muốn có màu đỏ, họ phải dùng vỏ cây cánh kiến hay muốn có màu xanh thì chọn lá, vỏ cây chàm...

Sợi vải sau khi nhuộm được phơi khô, dùng bàn chải chải dọc theo cuộn sợi để gỡ các vụn màu, vỏ cây.

Đồng bào S’tiêng tham gia dệt thổ cẩm tại lễ công bố Di sản Văn hóa Phi vật thể Quốc gia. (Ảnh: TTXVN phát)

Đến khâu dệt, phải sử dụng khung dệt thủ công kết hợp với nhiều chi tiết dụng cụ đi kèm để cuộn các cuộn vải đang dệt, xiết chặt các sợi dệt mới đan, lựa sợi đan hoa văn... Để tạo được các hoa văn tinh xảo, độc đáo, người dệt phải có hoa tay, có óc thẩm mỹ, cùng sự am tường về các đường nét, màu sắc, hình khối.

Hoa văn trang trí trên vải thổ cẩm của người S’tiêng chủ yếu là các hình tượng truyền thống như các hình khối, người, chim thú, cây cối, hoa lá và nhiều hoa văn họa tiết khác được thể hiện trong từng ô vuông nhỏ, cân đối. Hoa văn tỉ mỉ và cách phối màu tạo nét hoang sơ, huyền bí.

Ngày nay, hoa văn trên vải thổ cẩm cũng được bổ sung cho phù hợp với cuộc sống hiện đại và thị hiếu của người tiêu dùng.

Theo lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Phước, việc nghề dệt thổ cẩm và nghề đan gùi của người S’tiêng tỉnh Bình Phước được đưa vào Danh mục Di sản Văn hóa Phi vật thể Quốc gia không chỉ là sự tôn vinh và khẳng định những giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học của nghề truyền thống mà còn là sự ghi nhận những nỗ lực của các cấp chính quyền địa phương, đặc biệt là sự tâm huyết của các nghệ nhân và cộng đồng người S’tiêng đối với việc duy trì, bảo tồn và phát huy giá trị của hai nghề này./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục