Đặc phái viên Mỹ: Những yêu cầu của Triều Tiên ''quá thù địch''

Căng thẳng đã gia tăng gần đây sau khi Triều Tiên tiến hành một loạt vụ thử vũ khí và gay gắt khẩu chiến với Tổng thống Mỹ, làm dấy lên lo ngại rằng hai nước này có thể quay lại chủ trương xung đột.
Đặc phái viên Mỹ về Triều Tiên Stephen Biegun. (Ảnh: Yonhap/TTXVN)
Đặc phái viên Mỹ về Triều Tiên Stephen Biegun. (Ảnh: Yonhap/TTXVN)

Theo AFP, đặc phái viên của Mỹ về Triều Tiên Stephen Biegun ngày 16/12 đã lên án những yêu cầu của Bình Nhưỡng là "quá thù địch và tiêu cực và quá thừa thãi."

Phát biểu với báo giới tại Seoul, đại diện hàng đầu của Mỹ về Triều Tiên nêu rõ: "Mỹ không có một thời hạn chót và chúng tôi có một mục tiêu," trong khi Bình Nhưỡng đã đặt ra một thời hạn chót vào cuối năm cho Washington để đưa ra những sự nhượng bộ mới trong các cuộc hội đàm hạt nhân bế tắc.

Ông Biegun cho biết thêm một hành động khiêu khích lớn của chính quyền Kim Jong-un trong những ngày tới sẽ "vô ích."

Triều Tiên từng tuyên bố nước này sẽ đợi tới cuối năm 2019 để chính quyền Donald Trump đưa ra những sự nhượng bộ.

Trước đó, đặc phái viên Mỹ Biegun đã kêu gọi Bình Nhưỡng quay lại bàn đàm phán,  khẳng định rằng Washington sẵn sàng thảo luận về "tất cả những vấn đề quan tâm," song cũng cho biết không có "thời hạn chót" để nối lại đối thoại.

[Mỹ tìm cách khơi thông bế tắc đàm phán hạt nhân với Triều Tiên]

Cũng trong ngày 16/12, đặc phái viên Mỹ về Triều Tiên Stephen Biegun đã có cuộc họp chính thức đầu tiên với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in trong hơn một năm qua trong bối cảnh những căng thẳng giữa Bình Nhưỡng và Washinton lại đang leo thang.

Ông Moon và ông Biegun đã bắt đầu phiên họp tại Phủ Tổng thống Hàn Quốc.

Hai bên dự kiến thảo luận các biện pháp để giữ các cuộc hội đàm hạt nhân với Triều Tiên sống và duy trì động lượng trong tiến trình hòa bình Triều Tiên đang diễn ra chậm chạp.

Căng thẳng đã gia tăng trong những tuần gần đây do Bình Nhưỡng tiến hành một loạt vụ thử vũ khí và gay gắt khẩu chiến với Tổng thống Mỹ Donald Trump, làm dấy lên lo ngại rằng hai nước này có thể quay lại chủ trương xung đột như trước khi Triều Tiên khởi động chính sách ngoại giao hồi năm ngoái./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục