Theo phóng viên TTXVN tại Washington, ngày 16/2, đặc phái viên Mỹ về Yemen Timothy Lenderking cho rằng Iran có thể giúp tháo gỡ xung đột ở Yemen, đồng thời kêu gọi Tehran “nỗ lực hết mình.”
Ông Lenderking, được Tổng thống Mỹ Joe Biden bổ nhiệm làm đặc phái viên chuyên trách thúc đẩy tiến trình hòa bình do Liên hợp quốc (Liên hợp quốc) dẫn đầu để tháo gỡ xung đột ở Yemen.
Đặc phái viên Mỹ nhấn mạnh "mong muốn sâu sắc" chấm dứt xung đột ở Yemen và kêu gọi các bên liên quan chính, như Iran, nỗ lực để đạt được mục tiêu đó.
Theo ông Lenderking, đây là cơ hội để Iran ủng hộ một giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột ở Yemen, bao gồm việc chấm dứt hỗ trợ lực lượng Houthi.
Kể từ khi nhậm chức cuối tháng Một vừa qua, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã tăng cường nỗ lực nhằm góp phần tháo gỡ tình hình xung đột tại Yemen.
[Mỹ, Saudi Arabia thúc đẩy nỗ lực ngoại giao chấm dứt xung đột ở Yemen]
Theo Liên hợp quốc, cuộc nội chiến kéo dài hơn 2 năm qua đã đẩy người dân Yemen vào cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ nhất trên thế giới, với hơn 24 triệu người cần hỗ trợ nhân đạo.
Trong tháng 2 này, Tổng thống Biden đã tuyên bố chấm dứt hỗ trợ các chiến dịch quân sự của liên minh do Saudi Arabia dẫn đầu can thiệp vào Yemen.
Ông Biden cũng thu hồi quyết định của chính quyền Tổng thống tiền nhiệm Donald Trump đưa Houthi vào danh sách tổ chức khủng bố toàn cầu.
Cũng trong ngày 16/2, Liên hợp quốc thông báo tổ chức hội nghị trực tuyến cấp cao kêu gọi hỗ trợ nhân đạo cho cuộc khủng hoảng Yemen vào ngày 1/3 tới. Sự kiện được Thụy Điển và Thụy Sĩ đồng bảo trợ, nhằm kêu gọi các nước thành viên Liên hợp quốc và các nhà tài trợ cam kết hỗ trợ cho Yemen.
Hội nghị sẽ do Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres, Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc phụ trách các vấn đề nhân đạo Mark Lowcock, Ngoại trưởng Thụy Sĩ Ignazio Cassis, Ngoại trưởng Thụy Điển Ann Linde và Bộ trưởng Phát triển quốc tế Thụy Điển Per Olsson Fridh đồng chủ trì.
Phát biểu cùng ngày sau vụ tấn công của lực lượng Houthi nhằm chiếm thành phố Marib, thành trì cuối cùng của Chính phủ Yemen được cộng đồng quốc tế công nhận, Liên hợp quốc bày tỏ quan ngại hàng trăm nghìn người dân địa phương sẽ mất nơi cư trú vì phải đi sơ tán.
Liên hợp quốc lo ngại cuộc tấn công sẽ cản trở các nỗ lực ngoại giao nhằm chấm dứt cuộc chiến tại đây.
Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc Lowcock nhấn mạnh cuộc tấn công đẩy hơn 2 triệu dân thường vào nguy hiểm và hậu quả về nhân đạo sẽ ngoài sức tưởng tượng./.