Đặc phái viên Mỹ đến Trung Quốc thảo luận các vấn đề về khí hậu

Ông Kerry thăm Trung Quốc từ ngày 14-17/4 và sẽ trao đổi ý kiến với người đồng cấp Giải Chấn Hoa về hợp tác giữa hai nước trong vấn đề biến đổi khí hậu và Hội nghị Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu.
Đặc phái viên Mỹ đến Trung Quốc thảo luận các vấn đề về khí hậu ảnh 1Đặc phái viên Mỹ về vấn đề khí hậu John Kerry. (Ảnh: AP)

Ngày 15/4, Đặc phái viên về khí hậu của Mỹ John Kerry đã tới thành phố Thượng Hải và gặp người đồng cấp Trung Quốc Giải Chấn Hoa. Đây là chuyến công du Trung Quốc đầu tiên của một quan chức trong chính quyền Tổng thống Joe Biden nhằm thúc đẩy hợp tác trong vấn đề môi trường.

Dự kiến tại Thượng Hải, ông Kerry sẽ thảo luận với các quan chức Trung Quốc về các thách thức trong vấn đề môi trường cũng như hội nghị về khí hậu do Liên hợp quốc chủ trì tại Glasgow (Scotland) vào cuối năm nay.

Tại một cuộc họp báo, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên đã xác nhận ông Kerry thăm Trung Quốc từ ngày 14-17/4 và sẽ trao đổi ý kiến với ông Giải Chấn Hoa về hợp tác giữa hai nước trong vấn đề biến đổi khí hậu và Hội nghị Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu.

Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh Tổng thống Mỹ Biden đã có những bước đi trái ngược chính sách về khí hậu của người tiền nhiệm Donald Trump. Theo đó ông Biden đã đưa Mỹ tham gia trở lại Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu và sẽ chủ trì một hội nghị trực tuyến về khí hậu với các nhà lãnh đạo thế giới vào tuần tới, với hy vọng sẽ dẫn đến các cam kết mạnh hơn về khí hậu.

[Mỹ đối mặt với sức ép về mục tiêu giảm 50% lượng khí thải cho đến 2030]

Về vấn đề này, chuyên gia phân tích hàng đầu Lauri Myllyvirta tại Trung tâm nghiên cứu năng lượng và không khí sạch của Mỹ nhận định: "Tại thời điểm này, việc hiểu được các mong muốn của nhau và mức độ tham vọng của từng bên cũng như nhất trí về các cam kết để thúc đẩy các cuộc đàm phán quốc tế về khí hậu... là một bước khởi đầu quan trọng."

Theo chuyên gia này, không giải pháp toàn cầu nào về biến đổi khí hậu có thể hiệu quả nếu không có sự tham gia của cả Mỹ và Trung Quốc khi hai nền kinh tế lớn nhất thế giới này "đóng góp" gần một nửa tổng lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính trên toàn cầu.

Đặc phái viên Kerry đã tiến hành một loạt chuyến công du tới châu Âu, Trung Đông và Ấn Độ trước thềm hội nghị thượng đỉnh trực tuyến về biến đổi khí hậu mà Tổng thống Biden dự kiến sẽ chủ trì vào tuần tới. Ông Biden đã mời lãnh đạo 17 nước là nguồn phát thải tới 80% lượng khí thải trên toàn cầu tham dự sự kiện này, trong đó có Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục