Đặc phái viên Liên hợp quốc tới Libya thúc đẩy hòa bình

Trong cuộc gặp, hai bên đã thảo luận và nhất trí về tầm quan trọng của việc tất cả các phe phái ở Libya cần phải cam kết và tạo điều kiện cho cuộc bầu cử ngày 24/12.
Lực lượng ủng hộ Chính phủ tại phía Nam Tripoli. (Ảnh: THX/TTXVN)

Ngày 19/2, Đặc phái viên của Tổng thư ký Liên hợp quốc tại Libya, ông Jan Kubis, đã tới Libya và gặp Chỉ huy quân sự ở miền Đông Khalifa Hifter để thúc đẩy nỗ lực đoàn kết các phe phái đối địch trước cuộc bầu cử vào tháng 12 tới.

Phóng viên TTXVN tại Mỹ dẫn tuyên bố của Phái bộ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc tại Libya cho biết cuộc gặp diễn ra ở thành phố phía Đông Benghazi.

Trong cuộc gặp, hai bên đã thảo luận và nhất trí về tầm quan trọng của việc tất cả các phe phái ở Libya cần phải cam kết và tạo điều kiện cho cuộc bầu cử ngày 24/12.

Ngoài ra, hai bên cũng trao đổi về cách thức thực thi thỏa thuận ngừng bắn đã ký hồi năm ngoái, cũng như việc rút tất cả các lực lượng và lính đánh thuê người nước ngoài.

[Libya: Chỉ huy quân sự chủ chốt phía Đông ủng hộ nỗ lực thống nhất]

Việc mở một tuyến đường ven biển huyết mạch chạy dọc theo biển Địa Trung Hải, nối thủ đô Tripoli với thành phố Benghazi, cũng nằm trong nội dung được thảo luận.

Trước cuộc gặp với Chỉ huy quân sự miền Đông Hifter, Đặc phái viên Kubis cũng đã có các cuộc thảo luận tại thủ đô Tripoli với Chủ tịch hội đồng tổng thống và 3 thành viên hội đồng cùng các chính trị gia khác.

Đây là lần đầu tiên ông Kubis đến Libya. Chuyến thăm diễn ra không lâu sau khi đại diện các phe phái ở Libya tham gia cuộc đàm phán do Liên hợp quốc bảo trợ ở Thụy Sĩ và bầu ra chính phủ chuyển tiếp với một thủ tướng và Hội đồng tổng thống gồm 3 thành viên để dẫn dắt đất nước từ nay đến khi tổ chức tổng tuyển cử vào cuối năm.

Nhiều người hy vọng cuộc bầu cử sẽ là bước tiến quan trọng mang lại thống nhất cho Libya sau nhiều năm xung đột bắt nguồn từ làn sóng Mùa xuân Arab diễn ra năm 2015.

Làn sóng này đã khiến Libya bị chia rẽ thành hai chính quyền đối địch: một bên là chính phủ ở Tripoli được Liên hợp quốc hậu thuẫn và một bên là chính phủ ở miền Đông do tướng Hifter hậu thuẫn. Mỗi bên đều có sự hỗ trợ của chính phủ nước ngoài./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục