Đặc khu kinh tế không phải là ‘chiếc đũa thần’ như kỳ vọng?

Đặc khu kinh tế vốn không“thần kỳ” như những kỳ vọng ban đầu khi mà người ta bắt đầu xây dựng nó. Trên thực tế, bên cạnh một số mô hình thành công thì cũng có vô số trường hợp thất bại.
Hầm đường bộ qua đèo Cả kết nối Khu kinh tế Vân Phong với Khu kinh tế Nam Phú Yên. (Nguồn: TTXVN)

Mục tiêu phát triển ba đặc khu kinh tế Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc mặc dù đã được làm rõ, là nhằm tạo ra những khu vực tăng trưởng kinh tế cao, có tác động lan tỏa ra nền kinh tế đồng thời thu hút công nghệ cao trong các ngành nghề với năng lực cạnh tranh theo kịp xu thế thế giới.


[Đặc khu kinh tế và một số mô hình thành công trên thế giới]

Tuy nhiên để làm điều này và bằng cách nào, thì đó vẫn là một bài toán hóc búa và không dễ xử lý.

Tại phiên thảo luận của Quốc hội về Dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, ngày 23/5, nghị trường đã rất “nóng” với nhiều ý kiến khác nhau của các đại biểu.

Trong đó, nổi lên các vấn đề còn chưa thống nhất, như ngành nghề ưu tiên, chính sách ưu đãi, quyền sử dụng đất, quy hoạch, thẩm quyền người đứng đầu và đặc biệt là tính hiệu quả cùng lợi ích thực sự của việc phát triển đặc khu mang lại…

Mô hình truyền thống mất dần lợi thế

30 năm phát triển kinh tế của Trung Quốc gắn với đó là sự nở rộ của các đặc khu kinh tế. Bà Liu RongXin, Giám đốc trung tâm phát triển kế hoạch khu vực, Viện phát triển Trung Quốc cho biết, quốc gia này đang có tới 571 đặc khu kinh tế, phân thành 3 hệ thống và 12 loại khác nhau. Còn nếu, thống kê số lượng đặc khu kinh tế thuộc cấp tỉnh, thành phố, huyện thì con số này lên đến gần 10.000 đơn vị.

Không chỉ phát triển trong nước, đặc khu kinh tế Trung Quốc còn vươn ra ngoài biên giới. Bà Liu cho hay, con số đạt xấp xỉ 140 khu hợp tác kinh tế có mặt tại 55 quốc gia khác.

Theo Báo cáo từ Ngân hàng Thế giới, các đặc khu đã đóng góp 22% GDP của Trung Quốc, 45% tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài và 60% kim ngạch xuất khẩu, tạo ra hơn 30 triệu việc làm, tăng thu nhập của nông dân tham gia lên 30%, góp phần đẩy nhanh tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp và đô thị hóa tại quốc gia này.

Tuy nhiên, các chuyên gia của Ngân hàng Thế giới cũng lên tiếng cảnh báo, các đặc khu kinh tế truyền thống tại Trung Quốc đang mất dần lợi thế. Họ đang phải đối mặt với những cạnh tranh và thách thức từ những mô hình thế hệ mới. Do đó, chính những đặc khu kinh tế này cũng phải đổi mới nhằm thích ứng với điều kiện thay đổi, như phát triển các ngành công nghiệp mới, giảm sự trùng lặp, cải cách quản trị đồng thời có những chính sách khuyến khích tinh thần doanh nhân địa phương.

Báo cáo chỉ ra một số vấn đề mà các đặc khu kinh tế của Trung Quốc tiếp tục phải giải quyết trong giai đoạn phát triển tiếp theo. Cụ thể, các đặc thu phải có liên kết gắn với chính sách mở cửa nền kinh tế, chính sách đổi mới của Chính phủ. Bên cạnh đó, phương pháp giải quyết vấn đề trong các đặc khu mặc dù đi từ dưới lên, song cần được hỗ trợ từ trên xuống của Chính phủ.

Ngoài ra, các hoạt động thúc đẩy mở rộng công nghiệp tại các đặc khu gắn với đào tạo đội ngũ lãnh đạo nắm vững về thị trường, hỗ trợ nghiên cứu và phát triển cũng như xây dựng thương hiệu.

“Một điểm nhấn tạo nên sự thành công của các khu kinh tế tự do của Trung Quốc trong thời gian qua, đó là các ý tưởng phát kiến từ dưới địa phương trình lên được xây dựng bằng quá trình trải nghiệm thực tế, tích hợp giữa học học tập, đổi mới và sản xuất. Nhờ đó, họ có thể tập hợp các nguồn lực và chuyên môn (về công nghiệp và nghiên cứu) từ các cơ quan Chính phủ để chuyển sang các chuỗi giá trị cao cấp hơn,” Báo cáo nêu rõ.

Thất bại lớn nhất mang tên Hải Nam

“Chỉ có vài khu là thành công trong việc tạo ra các hoạt động kinh tế đáng kể. Phần lớn còn lại thì không. Tại sao?” Ông Teo Eng Cheong, Giám đốc Quốc tế, Tập đoàn Surbana Jurong - Singapore cho rằng, một trong những nguyên nhân lớn dẫn đến kết quả không như mong muốn là do các đặc khu chưa xác định đúng mục tiêu nào là quan trọng nhất.

Do đó, đặc khu kinh tế vốn không “thần kỳ” như những kỳ vọng ban đầu khi mà người ta bắt đầu xây dựng nó. Trên thực tế, bên cạnh một số mô hình thành công thì cũng có vô số đặc khu thất bại.

Điển hình là trường hợp của Đặc khu kinh tế Hải Nam, lớn nhất tại Trung Quốc và được thành lập từ năm 1988. Chính quyền nước này đã đổ rất nhiều nguồn lực vào đây, song cho tới nay vị thế của đặc khu này trong nền kinh tế càng ngày càng giảm sút.

Được ví như Hawaii của Trung quốc, nhưng phát triển du lịch trên hòn đảo lại không mang lại hiệu quả lớn, mặc dù họ cũng có những đề xuất ưu đãi lớn, như miễn thuế, miễn visa khách quốc tế hay hợp pháp hóa hoạt động cờ bạc. Hơn thế, “di sản” mà đặc khu này mang lại là những cơn sốt “bong bóng” bất động sản vào các giai đoạn được bơm vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng.

Mới đây nhất, Chính phủ Trung Quốc cho biết sẽ thiết kế và đầu tư lại cho Hải Nam thành đặc khu kinh tế thế hệ mới với mục tiêu giành lại vị thế hàng đầu.

“Di sản” mà Đặc khu Kinh tế Hải Nam mang lại là những cơn sốt “bong bóng” bất động sản vào các giai đoạn được bơm vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng.

Theo ông Teo Eng Cheong, các mục tiêu phát triển đặc khu kinh tế tại các quốc gia là khác nhau và tại các giai đoạn phát triển cũng không thể giống nhau được.

Ông này lý giải, khi một nền kinh tế vào giai đoạn đang phát triển, nhu cầu tạo việc làm cho số đông dân chúng là rất quan trọng. Do đó, chiến lược tại thời điểm này phải hướng tới thu hút lao động trong các chuỗi sản xuất chuyên sâu cũng như phát triển các lĩnh vực dịch vụ tương đồng với trình độ học vấn của người dân.

Song, ông Teo Eng Cheong chỉ ra một “cái bẫy” mà nhiều Chính phủ thường xuyên mắc phải, đó là sự “quyến rũ” - vội vã thu hút các ngành công nghiệp công nghệ cao, tự động hóa cao và có nghĩa nhiều việc làm đã không được tạo ra, như vậy mục đích thiết yếu ban đầu đã bị phá sản.

“Việc xác định mục tiêu không rõ ràng từ ban đầu đã khiến các đặc khu kinh tế không thể duy trì tính nhất quán của các mục tiêu, dẫn đến kết quả  mục tiêu không những không hoàn thành mà đặc khu  kinh tế xây dựng ra còn không thành công,” ông này nhấn mạnh.

Hiện, tỷ lệ lấp đầy trung bình của các khu công nghiệp chỉ khoảng 40%. (Ảnh minh họa. Nguồn: TTXVN)

Bài toán hiệu quả?

Quay trở lại quá trình phát triển các khu công nghiệp của Việt Nam trong giai đoạn vừa qua. Mặc dù là quốc gia thu hút đầu tư nước ngoài trực tiếp (FDI) thành công, dẫn đầu trong khu vực về tỷ trọng FDI/GDP với 6,1% (năm 2016), song ông Sebastian Eckardt, Chuyên gia Kinh tế trưởng, Ngân hàng Thế giới chỉ ra, Việt Nam đang phụ thuộc nhiều vào khu vực FDI kinh tế này.

Khu vực FDI ở Việt Nam chưa lan tỏa ra được nền kinh tế, khi kết nối trong nước vẫn nằm ở các lĩnh vực có giá trị gia tăng thấp, đầu vào hầu hết vẫn phải nhập khẩu 70%-80%.

Đánh giá hiệu quả của các khu công nghiệp mọc lên như “nấm sau mưa” trong thời gian qua, ông Sebastian nhấn mạnh, “các khu công nghiệp được mở ra vượt quá nhu cầu của ngành công nghiệp quốc gia, tỷ lệ lấp đầy trung bình của các khu công nghiệp hiện chỉ khoảng 40%.”

Do đó, để đảm bảo thành công trong việc xây dựng và phát triển ba đặc khu kinh tế Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc, ông Sebastian cho rằng, Việt Nam cần làm rõ chiến lược cũng như phân loại các nhà đầu tư.

Nếu Việt Nam thu hút đầu tư bằng những tiềm năng của thị trường 90 triệu dân (bán lẻ, tiêu dùng..) hay nguồn tài nguyên, thiên nhiên phong phú (khai khoáng, bất động sản…), ông Sebastian đảm bảo: “Kiểu gì các nhà đầu tư cũng sẽ đến mà không cần xúc tiến hay ưu đãi.”

Trong quá khứ, với chi phí nhân công rẻ và ưu đãi hào phóng, Việt Nam đã rất thành công trong việc thu hút các nhà đầu tư “tìm kiếm hiệu quả” trong các lĩnh vực sản xuất, lắp ráp cơ bản….

Giai đoạn tới đây, theo ông Sebastian, Việt Nam cần thay đổi cách tiếp cận trong thu hút đầu tư, đó là dựa trên kỹ năng lao động, đổi mới sáng tạo và môi trường kinh doanh. Cụ thể ở đây là hướng vào các nhà đầu tư “tìm kiếm tài sản chiến lược” trong các lĩnh vực công nghệ, du lịch giá trị cao, kinh doanh nông nghiệp…

Nhưng làm gì để thu hút các nhà đầu tư giá trị cao? Bài toán khó không chỉ riêng đối với Việt Nam bởi vì đây cũng là mục tiêu chiến lược của hầu hết các đặc khu thế hệ mới trên toàn cầu đặt ra.

Về điều này, ông Teo Eng Cheon chỉ ra việc xác định mục tiêu cần phải chú ý đến tính đặc thù. Cụ thể, việc lập quy hoạch và thiết kế cần phải thực hiện cẩn thận để bù đắp những hạn chế về địa điểm của đặc khu kinh tế, để phục vụ những yêu cầu - nhà đầu tư mong muốn, để giải quyết các vấn đề - Chính phủ quan tâm đồng thời tính đến khả năng tích hợp và tính lan tỏa đến các khu vực địa phương lân cận.

Theo kinh nghiệm của Singapore, Teo Eng Cheon cho biết, việc tiếp cận các tiện ích chi phí thấp là một vấn đề quan trọng cần phải được thiết kế ở bước quy hoạch tổng thể.  Như, Khu phức hợp hóa dầu Đảo Jurong cung cấp tập trung các tiện tích (nước và khí đốt) cho nhà đầu tư. Khu One-North Innovation District phục vụ cho ngành y-sinh học và các ngành công nghiệp công nghệ cao, được thiết kế với một bầu không khí sôi động, kích thích sự sáng tạo và trí tưởng tượng.

“Điều này thường bị các nhà lập kế hoạch bỏ qua hoặc thực hiện một cách sơ sài, nhưng nó lại có thể dẫn đến hậu quả nguy hại cho sự phát triển của đặc khu kinh tế sau này,” ông Teo Eng Cheon nói./.

Ông Nguyễn Văn Thành – Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh phát biểu về công tác chuẩn bị Đặc khu Vân Đồn.
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục