Theo dõi Hội nghị lần thứ 6, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, nhân dân, đảng viên tỉnh Ninh Bình bày tỏ sự đồng tình và mong muốn có định hướng phát triển kinh tế cụ thể giúp ổn định lại cuộc sống.
Cùng với đó, đảng viên cho rằng công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng luôn phải gắn với xây dựng hệ thống chính trị và đấu tranh chống tham nhũng.
Đảng viên Phạm Thanh Tùng, Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn xây dựng và nội thất Bình An Phát, thành phố Ninh Bình chia sẻ sau khi Trung ương bàn về phát triển kinh tế, anh rất mừng bởi những quyết sách mới của Trung ương sẽ là đòn bẩy quan trọng để phát triển kinh tế thời gian tới.
Đảng viên Phạm Thanh Tùng tâm đắc với đánh giá của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về tình hình phát triển kinh tế-xã hội và dự báo những khó khăn, thách thức đối với nền kinh tế nước nhà trong thời gian tới.
[Hội nghị Trung ương 6 hoàn thành toàn bộ nội dung, chương trình đề ra]
Trước những dự báo sát với tình hình thực tiễn của Trung ương, đảng viên Phạm Thanh Tùng mong muốn sau Hội nghị Trung ương 6, khóa XIII, Trung ương tiếp tục có những chỉ đạo mạnh mẽ, quyết liệt hơn nữa để kinh tế-xã hội của Việt Nam sẽ có bứt phá trong thời gian tới, giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp và tạo được nhiều việc làm để người lao động có cuộc sống ổn định hơn sau dịch COVID-19.
Theo dõi Hội nghị Trung ương 6, khóa XIII, đặc biệt là bài phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, đảng viên Nguyễn Quang Xuân (sinh hoạt tại Chi bộ phố Kỳ Lân, phường Tân Thành, thành phố Ninh Bình) rất tâm đắc với nội dung phải gắn xây dựng, chỉnh đốn Đảng với xây dựng hệ thống chính trị và công tác đấu tranh chống tham nhũng rất quyết liệt của Đảng, Nhà nước.
Theo ông Nguyễn Quang Xuân, công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng đã có nhiều đổi mới và có đột phá trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Tuy nhiên, ông Xuân cho rằng để phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tốt hơn, công tác tư tưởng, bồi dưỡng, đào tạo cán bộ cần được đặc biệt chú trọng bởi quan trọng vẫn là phòng ngừa, chứ không phải đợi đến khi đã xảy ra hậu quả mới xử lý.
Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực phải từ cơ chế, chủ trương, những quy định pháp luật để cán bộ không thể, không có điều kiện và thấy không cần thiết để tham nhũng.
Bên cạnh việc tạo điều kiện để cán bộ đủ năng lực, có kiến thức phục vụ công việc, cần đảm bảo vệ thu nhập cho cán bộ, giúp họ an tâm công tác. Thu nhập của cán bộ phải đủ sống, đủ trang trải cho bản thân và chăm lo được cho gia đình.
Để công tác phòng, chống tham nhũng đi vào chiều sâu, thiết thực, hiệu quả, vai trò của lãnh đạo chủ chốt các cấp, ngành, nhất là cán bộ lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước rất quan trọng, đó phải thực sự là những cán bộ gương mẫu, trong sạch, luôn giữ gìn phẩm chất đạo đức, đi đầu trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí và thực hành tiết kiệm. Tuyệt đối không để người nhà, người thân lợi dụng chức vụ của cá nhân mình để trục lợi.
Đối với cán bộ, đảng viên nhất là người đứng đầu khi phát hiện dấu hiệu sai phạm, khuyết điểm cần nghiêm túc kiểm điểm, làm rõ sai phạm, sai đến đâu xử lý đến đó, phải xem xét, đánh giá cụ thể, khách quan, xử lý nghiêm trách nhiệm của tập thể cấp ủy do buông lỏng quản lý, vi phạm nguyên tắc của Đảng mà dẫn tới sai phạm, khuyết điểm.
Vừa qua, Trung ương đã xử lý kỷ luật đối với nhiều cán bộ có vi phạm, qua đó, đảng viên và quần chúng nhân dân địa phương hoan nghênh công tác đấu tranh chống tham nhũng rất quyết liệt của Đảng, Nhà nước, từ đó không chỉ góp phần làm trong sạch và nâng cao sức chiến đấu của cả hệ thống chính trị mà còn tạo niềm tin trong nhân dân dưới sự lãnh đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Nhân dân đặt kỳ vọng các ý kiến thảo luận và thống nhất tại Hội nghị Trung ương 6 sẽ góp phần xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, đưa Việt Nam ngày càng phát triển./.