Ngày 22/5, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) đã công bố nguyên nhân của vụ tai nạn tàu hỏa làm trật bánh, lật toa hàng tại Nam Định diễn ra ngày 13/5 vừa qua.
Theo ông Phạm Nguyễn Chiến, trưởng Ban An ninh-An toàn giao thông đường sắt (Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam), nguyên nhân dẫn đến tai nạn làm trật bánh hai toa xe hàng mang số hiệu 232183, 232176 và làm lật khỏi đường ray toa xe hàng mang số hiệu 231548 là do Công ty cổ phần đường sắt Hà Ninh đã không bảo đảm chất lượng tuyến đường sắt do đơn vị này quản lý.
Cụ thể, căn cứ biên bản khám nghiệm hiện trường và các kết quả kiểm tra khác như kết quả đọc băng tốc độ đầu máy, kết quả kiểm tra tải trọng hàng hóa trên toa xe, khám nghiệm toa xe, băng ghi hình đường ngang khu vực tai nạn, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam xác định nguyên nhân vụ tai nạn do các yếu tố sai phạm của đường gây ra.
Công ty cổ phần Đường sắt Hà Ninh, đơn vị quản lý bảo trì tuyến đường phải chịu trách nhiệm và bồi thường toàn bộ thiệt hại vụ tai nạn.
"Căn cứ nguyên nhân tai nạn, ngành đường sắt sẽ xác định trách nhiệm cụ thể của từng cá nhân, đơn vị liên quan và tiến hành xử lý, kỷ luật," ông Phạm Nguyễn Chiến thông tin.
[Đường sắt Bắc-Nam được thông tuyến sau gần 8 giờ vì tàu hỏa trật bánh]
Tuy nhiên, đại diện Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam cho biết hiện chưa xác định được con số thiệt hại cụ thể. Những thiệt hại do vụ tai nạn gây ra như chậm tàu, chi phí cứu hộ, cứu chữa toa xe, hạ tầng đường sắt vẫn đang được các đơn vị đường sắt tính toán xác định.
Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam cũng yêu cầu Công ty cổ phần Đường sắt Hà Ninh tổ chức phân tích, xử lý trách nhiệm cá nhân, tập thể liên quan, bao gồm cả trách nhiệm liên đới của cán bộ quản lý trực tiếp tại khu vực. Kết quả xử lý phải được báo cáo Tổng công ty trước ngày 30/5/2019.
Trước đó, vào lúc 8 giờ 50 phút ngày 13/5/2019, tàu chở hàng mang số hiệu HH4 chạy hướng Nam Định-Hà Nội khi đến vị trí km 81+560 thuộc khu vực ga Đặng Xá (huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định) bị trật bánh.
Toa tàu bị lật sang phía đường gom không có phương tiện qua lại nên không gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông. Tuy nhiên, sự cố này đã ảnh hưởng, hư hỏng khoảng 600m đường ray.
Đặc biệt, sự cố đã làm tuyến đường sắt Bắc-Nam tê liệt suốt hơn tám giờ đồng hồ.
Sau khi xảy ra sự cố, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam chỉ đạo các đơn vị trong khu vực điều động nhân lực, phương tiện, thiết bị cứu hộ đến hiện trường để giải quyết khắc phục hậu quả vụ tai nạn./.