Đã hơn hai năm kể từ ngày Grab - công ty kinh doanh dịch vụ gọi xe qua ứng dụng di động - lần đầu niêm yết trên thị trường chứng khoán.
Tuy nhiên, niềm vui khi đưa công ty ra thị trường chưa kéo dài thì ông Anthony Tan - Nhà đồng sáng lập, kiêm Giám đốc Điều hành của Grab đã phải chứng kiến những diễn biến bất lợi.
Ông Anthony Tan đã thành lập Grab Holdings Ltd. vào năm 2012, đúng thời điểm các công ty dịch vụ gọi xe đang phát triển.
Masayoshi Son, tỷ phú sáng lập Tập đoàn SoftBank của Nhật Bản, một trong những nhà đầu tư mạo hiểm ủng hộ Uber, cũng đứng sau Grab.
[Grab đang loay hoay tìm hướng đi mới để cải thiện lợi nhuận]
Các nhà đầu tư khác của Grab bao gồm BlackRock, Fidelity, Morgan Stanley và Temasek, công ty đầu tư nhà nước Singapore.
Trước khi bắt đầu niêm yết cổ phiếu, Grab được định giá 40 tỷ USD. Ông Tan, lúc đó mới 39 tuổi, đang trên đà trở thành tỷ phú.
Trước khi niêm yết trên thị trường, Grab đã hoàn tất sáp nhập với công ty mua lại có mục đích đặc biệt (SPAC) là Altimeter Growth Corp. - đánh dấu thương vụ SPAC lớn nhất từ trước đến nay trên thế giới.
Dù vậy, cổ phiếu của công ty này đã giảm 21% vào cuối ngày giao dịch đầu tiên trên sàn Nasdaq (Mỹ), và sau đó lại tiếp tục giảm nhiều ngày sau đó. Ngay cả sau đợt phục hồi gần đây, giá cổ phiếu của Grab vẫn mất gần 70% cho tới thời điểm hiện tại.
Sự thờ ơ của thị trường với cổ phiếu của Grab đặt ra câu hỏi về tương lai của công ty này và sự nhạy bén trong đầu tư của tỷ phú Son.
Nó cũng đẩy nhanh sự kết thúc tâm lý hưng phấn mới nhất của giới đầu tư trên Phố Wall. Không những vậy, sự sụt giảm giá cổ phiếu của Grab là một đòn giáng mạnh vào Singapore - nơi đặt trụ sở chính của hãng.
Kể từ năm 1965, đất nước 5,9 triệu dân này đã phát triển thịnh vượng nhờ khuyến khích và hỗ trợ hoạt động công nghiệp và thương mại, cuối cùng trở thành trung tâm hàng hóa và tài chính của khu vực. Nhưng tại sao không phải là công nghệ?
Năm 2011, bộ phận khởi nghiệp của Trường Đại học Quốc gia Singapore, cùng với bộ phận đầu tư mạo hiểm của một công ty viễn thông liên kết với nhà nước và một cơ quan chính phủ về phát triển truyền thông, đã thành lập một vườn ươm công nghệ được gọi là Block71.
Trung tâm này có trụ sở tại một tòa nhà công nghiệp đổ nát sắp bị phá hủy. Hơn 1.100 công ty khởi nghiệp đã được nuôi dưỡng thông qua trung tâm này hiện có trụ sở trên khắp châu Á và Mỹ. Block71 đã thu hút các công ty như Canon, Sea Ltd. và Fujitsu, cũng như Grab.
Sea Ltd. từng là cổ phiếu hot nhất thế giới, tăng hơn 24 lần kể từ khi niêm yết tại New York vào năm 2017 cho đến đỉnh điểm vào tháng 10/2021, đạt giá trị thị trường hơn 200 tỷ USD.
Nhưng cả ba niềm hy vọng công nghệ lớn nhất của Singapore đều đã sụp đổ. Cổ phiếu của Sea đã giảm gần 90%, khiến công ty này sa thải hàng ngàn lao động để cắt giảm chi phí.
Devadas Krishnadas, Giám đốc Công ty Tư vấn Địa phương Future-Moves Group, cho biết các công ty khởi nghiệp cần phải làm nhiều hơn là "đốt" vốn của nhà đầu tư và phát huy tiềm năng tăng trưởng của họ. Ông nói: “Khát vọng của Singapore về tăng trưởng dựa trên công nghệ đã được khẳng định dựa trên lời hứa hơn là hiệu quả hoạt động.”
Ông Tan và các giám đốc điều hành khác của Grab vẫn bày tỏ sự tin tưởng vào tương lai của công ty. Công ty cho biết trong một tuyên bố: “Phản hồi từ các nhà đầu tư của chúng tôi rất tích cực về những tiến bộ mà chúng tôi đang đạt được nhằm hướng tới lợi nhuận và cân bằng tăng trưởng bền vững.”
Trong khi nhiều người đặt kỳ vọng lớn khi thương vụ sáp nhập giữa Grab và Altimeter Growth diễn ra, một ngoại lệ là Eric Wen, nhà phân tích có công ty nghiên cứu riêng ở Khu hành chính đặc biệt Hong Kong (Trung Quốc), Blue Lotus Capital Advisors Ltd., lại có suy nghĩ trái ngược.
Ông Wen hoài nghi về triển vọng của công ty khởi nghiệp này. Ông thấy rằng Grab có ít hơn 25 triệu người dùng hàng tháng vào thời điểm đó, tương đương khoảng 7% số lượng khách hàng của siêu ứng dụng Meituan của Trung Quốc. Và ông nhận ra rằng Đông Nam Á có tầng lớp trung lưu ít hơn và thu nhập bình quân đầu người thấp hơn Trung Quốc.
Theo công ty dữ liệu Crunchbase, Grab đã huy động được 12 tỷ USD vốn đầu tư trước thương vụ SPAC.
Đặt lên bàn tính, Grab đã chi 480 USD để giành được một khách hàng mà họ sẽ chỉ trung bình 29 USD/năm.
Nói cách khác, Grab phải mất hơn 16 năm mới thu hồi được vốn. Khoảng sáu tuần sau khi cổ phiếu Grab ra mắt, ông Wen nêu ra mối quan ngại của mình trong một báo cáo kêu gọi các nhà đầu tư bán ra cổ phiếu. Cổ phiếu của Grab khi đó được giao dịch với giá 6 USD/cổ phiếu, mất khoảng một nửa giá trị kể từ ngày Grab ra mắt với tư cách là công ty niêm yết.
Ông Wen dự đoán giá cổ phiếu này sẽ giảm xuống còn 3 USD/cổ phiếu. Điều này xảy ra khoảng hai tháng sau đó và vẫn đang ở quanh mức này kể từ đó.
Hiện nay, vẫn chưa nhiều người coi Singapore là một trung tâm công nghệ của khu vực. Quốc gia này tuy giàu có nhưng lại quá nhỏ để hỗ trợ các công ty tiêu dùng đang phát triển nhanh chóng. Một số thị trường Đông Nam Á khác của Grab là nơi khó kiếm lợi nhuận nhanh chóng. Và mỗi thị trường đều có ngôn ngữ, phong tục và quy định riêng, khiến việc phát triển trở thành một thách thức.
Grab đang cố gắng phục hồi trở lại. Công ty đã thu hẹp chiến lược siêu ứng dụng của mình, mặc dù vẫn cung cấp các dịch vụ thanh toán và ngân hàng kỹ thuật số khác, cùng với các chuyến xe chở khách và giao hàng.
SoftBank vẫn là cổ đông lớn nhất của Grab với 19% cổ phần và người sáng lập SoftBank, Son Masayoshi (Masa), vẫn bày tỏ sự tin tưởng vào ông Anthony Tan.
Grab hiện vẫn là một doanh nghiệp tầm cỡ với khoảng 35 triệu người dùng hàng tháng. Hoạt động tại 8 quốc gia và hơn 500 thành phố trên toàn cầu, công ty đạt doanh thu 1,4 tỷ USD vào năm ngoái và giá trị thị trường là hơn 13 tỷ USD.
Đó là một cái tên quen thuộc trong khu vực và logo của nó đang trở nên quen thuộc từ Bangkok đến Borneo. Đại đa số các nhà phân tích theo dõi Grab đều đưa ra khuyến nghị về cổ phiếu của công ty này./.